Chuyển đến nội dung
Thứ 5, ngày 15/05/2025
|
English
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • /
  • Vẻ đẹp Việt
  • /
  • Cột cờ A Pa Chải – điểm nhấn du lịch ở Mường Nhé

Cột cờ A Pa Chải – điểm nhấn du lịch ở Mường Nhé

Cập nhật: 15/05/2025

Dịp kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/2025), tỉnh Điện Biên đã tổ chức trọng thể, nghiêm trang Lễ Thượng cờ và gắn biển công trình Cột cờ A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé). Công trình không chỉ mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc mà còn là biểu tượng khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc tại ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Cùng với cột mốc số 0, Cột cờ A Pa Chải kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại Mường Nhé nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung.

Biểu tượng chủ quyền thiêng liêng

Công trình Cột cờ A Pa Chải được xây dựng trên đỉnh núi cao 1.459m so với mực nước biển, thuộc dãy Khoang La San, xã Sín Thầu, cách Mốc 0 - ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc gần 1.400m.

Mỗi chi tiết thiết kế và thông số kỹ thuật của Cột cờ A Pa Chải đều mang ý nghĩa sâu sắc, gắn liền với dấu ấn Chiến thắng Điện Biên Phủ và đời sống văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số nơi đây.


Cột cờ A Pa Chải

Cột cờ A Pa Chải có tổng chiều cao 45,19m; kích thước lá cờ 7,5x5m. Thân cột cờ được tạo khối dựa trên hình bát giác. Phần chân cột cờ được tạo điểm nhấn bằng 5 bức phù điêu mang hình ảnh đặc trưng văn hóa Tây Bắc, họa tiết dân tộc, theo các chủ đề: Sự tích Quả bầu mẹ; văn hóa tín ngưỡng, lao động, sản xuất, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, phong tục tập quán với một số lễ hội đặc sắc của các dân tộc tại Điện Biên… Đỉnh cột cờ có ốp phù điêu đá với chủ đề Bác Hồ với các dân tộc Tây Bắc. Đường lên cột cờ gồm 519 bậc theo địa hình tự nhiên của sườn đồi.

Trong quá trình thi công xây dựng Cột cờ A Pa Chải, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, dân quân, đoàn viên thanh niên cùng đồng bào các dân tộc xã Sín Thầu và vùng lân cận đã miệt mài đóng góp công sức. Họ không quản nắng gắt hay mưa dông, gùi đất, cõng gạch, khiêng xi măng lên đỉnh núi cao để xây dựng công trình. Từng viên gạch, phiến đá hay cây xanh nơi công trình đều thấm đẫm mồ hôi và tấm lòng của hàng trăm con người hơn 1 năm qua.


Lực lượng dân quân xã Sín Thầu vệ sinh công trình Cột cờ A Pa Chải.

Thượng tá Nguyễn Đức Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải cho biết: Trong suốt quá trình xây dựng cột cờ, cán bộ, chiến sĩ và người dân địa phương luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công. Đặc biệt, ở giai đoạn cao điểm chuẩn bị cho Lễ Thượng cờ, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng: A Pa Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng cùng lực lượng dân quân, thanh niên và bà con đã tích cực dọn dẹp, trồng cây, hoàn thiện cảnh quan công trình. Có những ngày, các lực lượng làm việc từ sáng sớm đến tận 22 giờ để kịp tiến độ.

Nhờ những nỗ lực bền bỉ ấy, sáng 7/5, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên đỉnh Khoang La San - khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Điểm nhấn thúc đẩy phát triển du lịch

Phát biểu tại Lễ gắn biển công trình, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô khẳng định: Cột cờ A Pa Chải là công trình kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và chính trị sâu sắc, là biểu tượng khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, công trình sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch ở Mường Nhé nói riêng và tuyến du lịch Điện Biên - cực Tây A Pa Chải nói chung, tạo động lực phát triển du lịch tỉnh Điện Biên.


Đại biểu và khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại sân hành lễ Cột cờ A Pa Chải.

Anh Nguyễn Trung Hiếu, du khách đến từ Hà Nội xúc động chia sẻ niềm vinh dự khi được tham dự Lễ Thượng cờ nơi cực Tây Tổ quốc đúng dịp kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. “Tôi đã 2 lần chinh phục cột mốc số 0 nơi ngã ba biên giới, từ những ngày còn phải đi bộ xuyên rừng già, vượt đồi cỏ gianh, mất cả ngày đường đi và về. Nhưng đặc biệt lần này, được đứng dưới lá cờ Tổ quốc trong ngày trọng đại, giữa công trình biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền dân tộc, tôi cảm thấy vô cùng tự hào và xúc động. Cảm xúc ấy thôi thúc tôi thêm ý thức về trách nhiệm bảo vệ biên cương, giữ gìn hòa bình và lan tỏa tình yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường của dân tộc”.

Khi công trình Cột cờ A Pa Chải chính thức đưa vào khai thác, tuyến du lịch ngã ba biên giới “một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe” sẽ có thêm một điểm đến ấn tượng. Cùng với cột mốc số 0 và không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào Hà Nhì, nơi đây hứa hẹn tạo nên chuỗi trải nghiệm hấp dẫn, góp phần thu hút và giữ chân du khách, thúc đẩy phát triển du lịch gắn với kinh tế địa phương.


Điệu múa truyền thống của phụ nữ dân tộc Hà Nhì ở Sín Thầu.

Người Hà Nhì có nhiều lễ hội đặc sắc như: Gạ ma thú (Tết tháng 2), lễ cầu mưa, lễ cúng rừng, tết Hồ Sự Chà (Tết cơm mới) và Khụ Sự Chà - Tết cổ truyền. Trong các dịp lễ, tết du khách có thể thưởng thức những tiết mục múa dân gian mô phỏng đời sống lao động và sinh hoạt như: Múa trống (Hừ từ mí xá cự), múa sản xuất, múa nón, múa xòe và múa ngày đẹp.

Văn hóa ẩm thực Hà Nhì cũng là một điểm nhấn độc đáo. Các món ăn truyền thống như: Thịt lợn nướng, thịt trâu nướng, cá suối, cháo gà, xôi tím, xôi vàng… không chỉ ngon miệng mà còn được chế biến công phu, thể hiện sự tinh tế trong cách ứng xử với thiên nhiên và tấm lòng hiếu khách của bà con.

Cột cờ A Pa Chải được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch, tạo động lực thúc đẩy kinh tế huyện Mường Nhé và tỉnh Điện Biên. Đây là mục tiêu kép thường thấy ở những công trình mang tính biểu tượng: Vừa là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng; vừa là điểm đến hấp dẫn, góp phần quảng bá văn hóa và thúc đẩy giao lưu văn hóa, kinh tế khu vực biên giới.

Để hiện thực hóa và khai thác hiệu quả tiềm năng đó, cách thức quản lý, vận hành của các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng như sự đồng hành của cộng đồng địa phương đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Cột cờ A Pa Chải cần được kết nối hài hòa với các sản phẩm du lịch khác trong khu vực, tạo thành chuỗi trải nghiệm đa dạng, có chiều sâu, từ cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa đến dịch vụ du lịch.

Hiện nay, ngành du lịch đã và đang xây dựng kế hoạch, các sản phẩm du lịch, tour tuyến du lịch phù hợp để khai thác hiệu quả công trình. Chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang kinh tế du lịch bằng các hành động cụ thể như: Bảo tồn văn hóa, kiến trúc, ẩm thực dân tộc, phát triển dịch vụ lưu trú… phục vụ khách du lịch.


Cột cờ A Pa Chải - biểu tượng thiêng liêng chủ quyền dân tộc được kỳ vọng là điểm đến hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Ông Lỳ Phì Cà, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu cho biết: Nghị quyết phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Đảng bộ xã đặt mục tiêu đến năm 2025, Sín Thầu trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch huyện Mường Nhé, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ. Xã cũng hướng đến vai trò cầu nối du lịch giữa Mường Nhé với huyện Giang Thành (Vân Nam, Trung Quốc) và các xã lân cận. Thời gian tới, xã Sín Thầu sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung tay khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch từ công trình Cột cờ A Pa Chải.

Tiềm năng, lợi thế là thấy rõ. Tuy nhiên, làm sao để Cột cờ A Pa Chải tạo động lực phát triển bền vững cho chính cộng đồng các dân tộc nơi đây? Đồng thời, khơi dậy được ý thức trách nhiệm bảo vệ biên cương cho thế hệ trẻ, du khách một cách thực chất nhất? Đó là những vấn đề đặt ra để ngành chức năng, chính quyền địa phương xem xét và thực hiện khi công trình đưa vào khai thác.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Báo Điện Biên Phủ – baodienbienphu.vn – Đăng ngày 15/5/2025
Từ khóa: Cột cờ A Pa Chải, Điện Biên Phủ, Mường Nhé

Tin liên quan

Cao Bằng: Bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển sinh kế bền vững

Với mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ người dân làng giấy bản Dìa Trên, xã Phúc

Du lịch Quảng Bình – Quảng Trị: Chân trời mới cho một điểm đến đa sắc

hi hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sáp nhập, liệu một trung tâm du lịch mới, với bản sắc mạnh mẽ và sản phẩm đa dạng có thể hình thành và phát triển bền vững? Các chuyên gia cho rằng, nếu được hoạch định và triển khai bài bản,

Bàn giải pháp xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam

Du lịch bằng tàu hỏa: Trải nghiệm “chậm mà chất”

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025: Chung tay vì biển đảo quê hương

Xem tiếp

Tin nổi bật

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025: Chung tay vì biển đảo quê hương

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025: Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững

Ngày Đại dương Thế giới 2025: Việt Nam hành động vì biển xanh bền vững

Phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái ở Cà Mau

Thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường quốc gia

Xem nhiều nhất

Bình Định: Triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Enchanting journey to Binh Chau Beach
Kiên Giang: Bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia U Minh Thượng
Bình Định: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam
No posts found

Cơ quan chủ quản: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị thực hiện: TRUNG TÂM THÔNG TIN DU LỊCH

Địa chỉ: Số 33, ngõ 294/2 đường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin du lịch

Giấy phép số: 78/GP-TTĐT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2020

Lượt truy cập:

79036291

DANH MỤC CHÍNH

  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
nentangso
ic-dulichvn-org
ic-vietnam-travel
ic-moitruogndulich-vn
© TITC