(TITC) - Một năm sau khi chính thức được công nhận vào Danh lục Xanh của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên đang ngày càng khẳng định vai trò tiên phong trong công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Hình minh họa: Internet
Với hơn 82.000 ha rừng đặc dụng, Cát Tiên là nơi sinh sống của hàng trăm loài động thực vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng toàn cầu như bò tót, voọc chà vá chân đen, hay các loài thực vật đặc hữu. Nhận thức được tầm quan trọng đó, VQG Cát Tiên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm gìn giữ hệ sinh thái rừng nguyên sinh.
Trong năm 2023, lực lượng kiểm lâm của Vườn đã tháo gỡ 4.473 bẫy thú các loại. Sang năm 2024, con số này giảm còn 3.889 bẫy, và tính đến tháng 4/2025 chỉ còn 657 bẫy được phát hiện. Sự giảm sút đáng kể này không chỉ phản ánh hiệu quả của công tác tuần tra bảo vệ rừng mà còn cho thấy sự thay đổi tích cực trong nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã.
Song song với đó, công tác cứu hộ động vật hoang dã cũng ghi nhận chuyển biến rõ rệt. Người dân trong vùng đệm ngày càng chủ động hơn trong việc bàn giao động vật quý hiếm để được cứu hộ và tái thả. Đây là minh chứng cho sự đồng hành tích cực của cộng đồng địa phương trong nỗ lực bảo tồn.
Giám đốc VQG Cát Tiên, ông Phạm Xuân Thịnh, cho biết: “Danh hiệu Danh lục Xanh không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, hướng tới một mô hình bảo tồn bền vững, hài hòa giữa thiên nhiên và con người.”
Với những kết quả đã đạt được, VQG Cát Tiên đang trở thành hình mẫu tiêu biểu cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Trung tâm Thông tin du lịch