Chuyển đến nội dung
Thứ 4, ngày 28/05/2025
|
English
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • /
  • Vẻ đẹp Việt
  • /
  • Say đắm Tây Giang

Say đắm Tây Giang

Cập nhật: 27/05/2025

Sớm mai trên núi Ziliêng, những vệt nắng đầu tiên lấp lánh xuyên qua tán rừng pơmu cổ thụ, phủ lên đại ngàn một màu vàng dịu.


Du khách phương Tây thích thú khi khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Giang. Ảnh: Pơloong Plênh

Giữa không gian xanh thẳm, John - du khách đến từ nước Úc - đứng lặng trước một gốc pơmu khổng lồ. Vòng tay anh không ôm xuể thân cây hàng trăm năm tuổi, lòng đầy ngỡ ngàng. Đó chỉ là khởi đầu của hành trình khám phá Tây Giang - một “thiên đường ẩn mình” nơi miền biên viễn xứ Quảng - nơi thiên nhiên hoang dã quyện hòa cùng văn hóa bản địa Cơ Tu.

Khám phá “báu vật xanh” của đại ngàn

Cùng John trong chuyến đi hôm ấy là hai người bạn nữ - Kate và Emily, những người bạn đồng hương của anh. Dẫn đường cho nhóm là anh Pơloong Plênh - Phó Trưởng phòng Văn hóa, khoa học và thông tin huyện Tây Giang, người am tường mọi nẻo rừng, từng câu chuyện văn hóa của đồng bào Cơ Tu nơi đây.


Hoa hậu H'Hen Niê cũng từng có chuyến trải nghiệm rừng già Tây Giang. Ảnh: Quỷ Cốc Tử

Trước khi đặt chân vào rừng pơmu, anh Plênh lặng lẽ vào nơi có Bia cây di sản Việt Nam được dựng ở cánh rừng thiêng ven đường rừng pơmu và khấn nguyện. “Người Cơ Tu tin rằng mỗi khu rừng đều có thần linh cai quản. Muốn vào rừng bình an, phải xin phép” - anh lý giải. Lời giải thích ấy khiến nhóm du khách càng thêm háo hức bước vào “vương quốc pơmu” huyền thoại.

Rừng pơmu Tây Giang là quần thể rừng nguyên sinh quý hiếm nằm trên đỉnh Ziliêng ở độ cao hơn 1.500m, cách trung tâm huyện chừng 40km. Nơi đây có hơn 1.200 cây pơmu cổ thụ, trong đó 1.146 cây đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Những thân cây khổng lồ, có cây đường kính tới 5m, vươn mình sừng sững giữa mây trời. Ánh sáng len qua tán lá tạo nên khung cảnh kỳ ảo như một “nhà thờ thiên nhiên”. “Tôi chưa từng thấy nơi nào đẹp và nguyên sơ đến vậy” - Kate thốt lên.

Tây Giang còn có rừng đỗ quyên nơi đỉnh núi A-ruung có độ cao trên 2.050m, phủ kín 450ha rừng già. Mùa xuân, hàng trăm cây đỗ quyên cổ thụ đồng loạt bung nở sắc trắng, hồng, tím, đỏ rực rỡ, khiến cả vùng núi như bừng sáng. Emily - người bạn đồng hành của John - ví von khung cảnh ấy như một tấm thổ cẩm khổng lồ mà thiên nhiên ban tặng cho Tây Giang. Cô chia sẻ: “Tôi từng đi nhiều vùng núi cao ở châu Á, nhưng chưa nơi nào khiến tôi choáng ngợp như ở đây”.

Không chỉ nhóm bạn trẻ đến từ Úc, trước đó Tây Giang cũng từng đón những đoàn du khách người Canada lên khám phá rừng pơmu và các bản làng Cơ Tu. Họ đi theo những tour trekking, chinh phục rừng Di sản Việt Nam tại Tây Giang, tắm suối, trải nghiệm những buổi picnic giữa rừng. “Điều làm chúng tôi bất ngờ không chỉ là cảnh quan, mà còn là cách người Cơ Tu sống hòa hợp với thiên nhiên” - một du khách Canada từng bày tỏ.

Trên đường trở về, đoàn ghé thăm ruộng bậc thang Chuôr hay thác Rơ-cung, là hai điểm đến khiến ai cũng ngỡ ngàng. Thác Rơ-cung trắng xóa giữa đại ngàn, mát lạnh như nàng tiên ngủ quên. Ruộng Chuôr tầng tầng lớp lớp vàng óng mỗi mùa lúa chín, đẹp không kém những mùa vàng Tây Bắc.

Đắm say sắc màu văn hóa Cơ Tu

Không chỉ thiên nhiên hùng vĩ, nét văn hóa mộc mạc, gần gũi của người Cơ Tu đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Ở làng văn hóa Pơrning, nhóm du khách được chào đón bằng những cái bắt tay nồng hậu, những nụ cười hiền hậu của bà con. Gươl mái lá cao vút giữa sân làng hiện ra vừa uy nghi, vừa gần gũi.

Bên trong gươl, các nghệ nhân giới thiệu nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Kate ngỡ ngàng trước từng đường thoi đưa tỉ mỉ trên khung dệt. “Thật không ngờ từng họa tiết nhỏ bé ấy lại chứa đựng cả câu chuyện về núi rừng, con người nơi đây” - cô nói. John thì không quên chọn mua một tấm khăn thổ cẩm để làm quà cho mẹ. “Đó không chỉ là món quà, mà là ký ức về một vùng đất đặc biệt” - anh chia sẻ.

Trưa đứng bóng, khi nắng vẫn nhảy nhót trên mái gươl, bữa tiệc nhỏ của bản làng được dọn ra. Rượu Tơrđin ngọt dịu, cơm lam dẻo thơm, cá suối nướng, rau rừng nấu ống nứa… tất cả hòa quyện trong hương vị đậm đà của núi rừng. “Lần đầu tiên tôi được thưởng thức nhiều món ăn lạ miệng mà ngon đến vậy” - Emily thích thú chia sẻ.

Tiếng trống, tiếng chiêng vang lên mời gọi, những điệu múa tâng tung da dá mê hoặc đã kéo tất cả vào vòng xoay hội làng sôi động. John và các bạn Tây ban đầu còn lóng ngóng, sau rồi cũng nắm tay nhau hòa nhịp cùng bà con. Tiếng cười, tiếng hò reo vang vọng cả núi rừng, để lại những khoảnh khắc khó quên trong lòng du khách.

Chia tay Tây Giang khi ánh chiều vẫn còn vương trên mái gươl làng, John quay sang anh Plênh và nói: “Tôi không nghĩ Việt Nam lại có một nơi đẹp và đáng yêu như vậy. Thiên nhiên tuyệt vời, con người nồng hậu, mến khách. Chắc chắn tôi sẽ quay trở lại và kể cho bạn bè tôi nghe về vùng đất đặc biệt này”.

Tây Giang với rừng pơmu, lim xanh, đa, đỗ quyên, làng văn hóa - du lịch cộng đồng Talang, Pơrning, làng truyền thống Cơ Tu, thác Rơ-cung, ruộng bậc thang và những mái gươl làng đậm đà bản sắc, đã và đang khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch xanh của Quảng Nam.

Những đoàn khách nước ngoài đến rồi đi, để lại lời hẹn ngày trở lại. Tây Giang vẫn đang chờ đón những bước chân phương xa, mở ra những trải nghiệm sâu sắc về thiên nhiên và văn hóa bản địa mà hiếm nơi nào có được.

Phan Vinh

Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn – Đăng ngày 25/5/2025
Từ khóa: Du lịch Tây Giang, khám phá Tây Giang, núi rừng Tây Giang, Tây Giang, trải nghiệm Tây Giang

Tin liên quan

Khánh Hòa: Thúc đẩy phát triển du lịch có trách nhiệm

Những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã chú trọng phát triển du lịch có trách nhiệm. Không còn việc chỉ chăm chăm vào khai thác tài nguyên, các DN du lịch ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo

Vẻ đẹp giữa biển trời đông bắc

Nhắc đến du lịch biển đảo Quảng Ninh, du khách quen thuộc với những cái tên, như Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Trà Cổ-Móng Cái hay “viên ngọc xanh” Cô Tô… Vài năm qua, trong những điểm đến mới nổi, đảo Thanh Lân thuộc huyện Cô

Cần Thơ: Đa dạng hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6

“Cửa nhà” Cồn Cỏ, Lý Sơn

Hải Phòng nâng tầm du lịch đường sắt

Xem tiếp

Tin nổi bật

“Cửa nhà” Cồn Cỏ, Lý Sơn

Hải Phòng nâng tầm du lịch đường sắt

Ứng dụng công nghệ xanh vào bảo vệ môi trường biển

Giữ biển cho mai sau

Bảo đảm an toàn tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội

Xem nhiều nhất

Kiên Giang: Bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia U Minh Thượng
Enchanting journey to Binh Chau Beach
Bình Định: Triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam
Hòn Bà Vũng Tàu - cùng khám phá điểm đến linh thiêng hoang sơ
No posts found

Cơ quan chủ quản: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị thực hiện: TRUNG TÂM THÔNG TIN DU LỊCH

Địa chỉ: Số 33, ngõ 294/2 đường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin du lịch

Giấy phép số: 78/GP-TTĐT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2020

Lượt truy cập:

79040997

DANH MỤC CHÍNH

  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
nentangso
ic-dulichvn-org
ic-vietnam-travel
ic-moitruogndulich-vn
© TITC