Chuyển đến nội dung
Thứ 5, ngày 15/05/2025
|
English
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • /
  • Tin tức, sự kiện
  • /
  • Tiếp sức cho các di sản

Tiếp sức cho các di sản

Cập nhật: 31/12/2014

Mới đây, Dân ca Ví, Giặm đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Như vậy đến nay, chúng ta đã có hàng chục di văn hóa cả vật thể và phi vật thể được thế giới vinh danh.
Các di sản văn hóa thế giới đã góp phần tạo nên một bức tranh toàn cảnh, phong phú và đa dạng về các di sản văn hóa dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật ở nhiều địa bàn khác nhau; góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, tăng thêm tình yêu quê hương đất nước và làm sâu sắc niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, có một thực tế là chúng ta rất quan tâm đến việc làm hồ sơ của di sản để đáp ứng các yêu cầu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), nhưng lại chưa quan tâm nhiều lắm tới sức sống, sự lan tỏa của di sản trong cộng đồng. Chính vì vậy, vấn đề về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản vẫn là nỗi băn khoăn của các địa phương, cộng đồng có di sản và cả những nhà quản lý văn hóa.

Điều dễ nhận thấy, các di sản khi được vinh danh ở tầm thế giới đều trở thành “điểm nhấn” quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam, lượng du khách trong nước và quốc tế đến các khu di sản thế giới ở nước ta cũng ngày một tăng. Phát triển du lịch đưa đến nhiều cơ hội, đồng thời cũng tạo ra một số thách thức đối với vấn đề bảo tồn di sản văn hóa. Đó là vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu di sản, vấn đề bảo tồn gắn với phát triển kinh tế... Thực tế cho thấy, sự ô nhiễm ở Vịnh Hạ Long đã khiến UNESCO phải đưa ra khuyến cáo đối với Di sản Thiên nhiên thế giới này. Bên cạnh đó, việc quá nhiều khách đến với di sản hay sử dụng quá nhiều đèn chiếu có nguy cơ làm hỏng lớp thạch nhũ, mất đi vẻ tự nhiên của di tích Phong Nha, Kẻ Bàng...

Truyền dạy Ví, Giặm cho thế hệ trẻ. Ảnh minh họa: Báo Nghệ An

Di sản vật thể là vậy, đối với các di sản văn hóa phi vật thể cũng có không ít thách thức. Chẳng hạn như Ca trù. Sau 5 năm được vinh danh, Ca trù đang rơi vào tình cảnh thiếu vắng cả người biểu diễn lẫn người thưởng thức. Hay, việc bảo tồn hát Xoan hiện còn gặp rất nhiều vấn đề. Đó là hiện nay chưa có một đội hát Xoan mang tính chuyên nghiệp và hình mẫu để có thể biểu diễn trong các sự kiện quan trọng, do vậy mới có tình trạng vừa được vinh danh, hát Xoan đã bị “cải biên”. Mới đây nhất, Dân ca Ví, Giặm đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng đặt ra cho các cấp, các ngành về bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này. Bởi hiện tại, không gian diễn xướng cho Dân ca Ví, Giặm đã dần bị mai một. Nếu như những câu hát, làn điệu ngày xưa được cất lên từ những không gian rất thật, gắn liền với cảnh sinh hoạt, không khí lao động vui tươi, phấn khởi của nhân dân, gắn liền với làng nghề, vùng biển thì Dân ca Ví, Giặm ngày nay phần lớn chỉ còn thấy trên sân khấu truyền hình với những quang cảnh tự tạo mà thiếu hẳn sự sinh động mang đậm hồn cốt của Dân ca Ví, Giặm...

Để bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị của các di sản, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách phù hợp trong từng thời kì, giai đoạn. Trước hết là rà soát, bổ sung những văn bản pháp lý về quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản phù hợp tình hình thực tế; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách; kiện toàn và sắp xếp lại bộ máy quản lý; ban hành quy chế hoạt động của các cơ quan quản lý di sản thế giới.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý di sản ở các địa phương và trung ương cũng phối hợp hoạt động, phát huy vai trò của Câu lạc bộ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý, đào tạo cán bộ, hợp tác quốc tế về di sản. Chính phủ và nhiều tỉnh, thành phố cũng dành ngân sách cho việc di dời các công trình xây dựng xâm phạm di tích...

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến tương lai của di sản chính là sự ủng hộ của cộng đồng. Di sản muốn tồn tại được phải được cộng đồng tiếp sức. Di sản là tài sản văn hóa do các thế hệ trước truyền lại cho các thế hệ tiếp nối, là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới và giao lưu văn hóa. Do đó, bảo tồn di sản văn hóa không bao giờ là công việc của riêng một hay vài cá nhân. Bất cứ một di sản văn hóa nào chỉ có thể được bảo tồn bởi chính bản thân nó và chính cộng đồng đã sản sinh ra nó. Trong Công ước bảo vệ đa dạng văn hóa 2003, UNESCO đã khẳng định “Không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng”. Do vậy, các nhà quản lý văn hóa cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này!./.

ĐCSVN
Từ khóa:

Tin liên quan

Cao Bằng: Bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển sinh kế bền vững

Với mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ người dân làng giấy bản Dìa Trên, xã Phúc

Du lịch Quảng Bình – Quảng Trị: Chân trời mới cho một điểm đến đa sắc

hi hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sáp nhập, liệu một trung tâm du lịch mới, với bản sắc mạnh mẽ và sản phẩm đa dạng có thể hình thành và phát triển bền vững? Các chuyên gia cho rằng, nếu được hoạch định và triển khai bài bản,

Cột cờ A Pa Chải – điểm nhấn du lịch ở Mường Nhé

Bàn giải pháp xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam

Du lịch bằng tàu hỏa: Trải nghiệm “chậm mà chất”

Xem tiếp

Tin nổi bật

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025: Chung tay vì biển đảo quê hương

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025: Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững

Ngày Đại dương Thế giới 2025: Việt Nam hành động vì biển xanh bền vững

Phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái ở Cà Mau

Thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường quốc gia

Xem nhiều nhất

Bình Định: Triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Enchanting journey to Binh Chau Beach
Kiên Giang: Bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia U Minh Thượng
Bình Định: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam
No posts found

Cơ quan chủ quản: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị thực hiện: TRUNG TÂM THÔNG TIN DU LỊCH

Địa chỉ: Số 33, ngõ 294/2 đường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin du lịch

Giấy phép số: 78/GP-TTĐT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2020

Lượt truy cập:

79036288

DANH MỤC CHÍNH

  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
nentangso
ic-dulichvn-org
ic-vietnam-travel
ic-moitruogndulich-vn
© TITC