(TITC) – Tối ngày 8/11/2015, Lễ hội chiếu phim và trình diễn ca nhạc ngoài trời về động vật hoang dã (WildFest) đã diễn ra tại Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội.
WildFest diễn ra tại Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội với sự tham dự của đại diện các cơ quan chính phủ trong nước và quốc tế
WildFest là một phần của chương trình Cùng Hành động tạo sự Thay đổi (Operation Game Change – viết tắt OGC) - một chương trình hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam nhằm thu hút sự chú ý và tạo ảnh hưởng đối với cộng đồng về các vấn đề có liên quan tới nạn buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt nhằm chấm dứt việc buôn bán sừng tê giác.
Sự kiện này lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham dự của ông Vương Tiến Mạnh, Phó giám đốc Cơ quan quản lý Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) thuộc Tổng cục Lâm nghiệp; Ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam; ông Giles Lever, Đại sứ Anh tại Việt Nam; Ông Kgomotso Ruth Magau, Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam; Ông Steve Galster, Giám đốc tổ chức Freeland cùng đông đảo nghệ sĩ khách mời, hơn 2.000 khán giả và cơ quan báo chí.
Đại biểu tham dự sự kiện WildFest
Phát biểu tại sự kiện, ông Vương Tiến Mạnh cho biết, những năm gần đây, vì lợi ích kinh tế nên một số người Việt Nam cố tình vi phạm pháp luật tham gia vào các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép, dẫn đến sự suy giảm của các loài quý hiếm. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan tham mưu của Chính phủ đã ban hành và thực thi các quy định pháp luật để ngăn chặn tội phạm buôn bán động vật hoang dã trong nước, cũng như ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển động vật hoang dã xuyên quốc gia, như sừng tê giác tại Nam Phi. Tuy nhiên, nếu không có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ thì công tác này sẽ khó đạt được kết quả. Vì vậy, ông mong muốn các bạn trẻ cùng chung tay với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ để bảo vệ động vật hoang dã, cũng như đưa các loài quý hiếm trở lại Việt Nam, để Việt Nam trở thành một điểm đến đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
các đại sứ vì tê giác kêu gọi chung tay hành động bảo vệ động vật hoang dã
Tại sự kiện, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã kêu gọi cộng đồng cùng lên tiếng để bảo vệ tê giác, loài động vật hoang dã đang bị đe dọa và cho rằng, vấn nạn buôn bán, săn bắn động vật hoang dã như tê giác đang là mối đe dọa lớn, khiến nhiều loài quý hiếm đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Thậm chí, việc buôn bán trái phép này còn hỗ trợ cho một số mạng lưới tội phạm khủng bố quốc tế phát triển. Ngài Đại sứ nhấn mạnh: “Sừng tê giác không phải là thuốc cổ truyền để chữa bệnh, nó cũng không phải là một biểu tượng thể hiện đẳng cấp, mà là sự đàn áp”.
Theo Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam, sừng tê giác trên thực tế nó chỉ như những móng tay của con người, nó không có công dụng làm thuốc chữa bệnh. Thế nhưng nạn săn trộm sừng tê giác tại Nam Phi và các quốc gia khác đã trở thành cuộc khủng hoảng. Chỉ tính riêng trong năm 2014 đã có hơn 1.200 con tê giác tại Nam Phi bị giết và nếu việc bắn giết vẫn tiếp tục diễn ra thì thế giới sẽ mất đi loài động vật quý hiếm này. Vì thế, chúng ta cần làm việc với nhau để tạo ra sự thay đổi trong việc tiêu dùng, cũng như ngăn chặn nạn bắn giết và buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp.
Tại sự kiện, có 6 bộ phim ngắn được trình chiếu, gồm 3 phim thuộc hạng mục tranh giải, đã đoạt các giải thưởng:
1. Giải thưởng Lựa chọn của Báo chí – Phê bình trao cho phim “Không tên” của đạo diễn Phạm Hoàng Phúc.
2. Giải thưởng Đặc biệt của Ban giám khảo trao cho phim “Khi khu vườn im lặng” của đạo diễn Nguyễn Mỹ Dzung.
3. Giải thưởng Lớn trao cho phim “Nhật ký trong chuồng” của đạo diễn Lê Bình Giang.
Và ba bộ phim khách mời của ba đạo diễn chuyên nghiệp:
1. “Ác mộng” của Nguyễn Quang Dũng
2. “Người tê giác” của Bảo Nguyễn
3. “Ai còn sống, giơ tay lên” của Nguyễn Hoàng Điệp
Một số hình ảnh tại WildFest:
Sự kiện thu hút sự quan tâm của hàng ngàn bạn trẻ
...và nghệ sĩ
biểu diễn và kêu gọi không tiêu thụ sừng tê giác
cũng như vinh danh những cá nhân tham gia giải phim ngắn về động vật hoang dã
Phạm Thanh