Tính đến thời điểm hiện tại, trồng rừng thay thế tại các công trình thủy điện ở Lai Châu đang được triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo vệ môi trường rừng và tạo công ăn việc làm cho bà con nhân dân.
Với vị trí đầu nguồn sông Đà, rừng của tỉnh Lai Châu có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, cải tạo môi trường chống biến đổi khí hậu và điều tiết nguồn nước, chống bồi lắng lòng hồ cho các công trình thủy điện lớn của Quốc gia như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và một số công trình thủy điện vừa và nhỏ khác. Đến nay, có 9 công trình thủy điện trên toàn tỉnh đã được phê duyệt, hiện đã hoàn thành và đang thi công xây dựng phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng bao gồm công trình thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Nậm Na 1, Nậm Na 2, Nậm Na 3, Nậm Nghẹ, Nậm Mở 3… Phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với tổng diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng các công trình thủy điện trên toàn tỉnh khoảng gần 2.440 ha.
Trong năm 2015, việc trồng rừng thay thế tại các công trình thủy điện ở Lai Châu đã đạt được những kết quả khả quan. Theo ông Nguyễn Văn Biển - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lai Châu, UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ, các hộ gia đình, cá nhân trồng bù rừng đạt 1.504 ha, diện tích còn lại phải trồng bù trong năm 2016 trên 930 ha. Dự kiến, đến tháng 7 năm nay tỉnh sẽ trồng hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu diện tích phải trồng bù diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh.
Việc chọn giống cây trồng phù hợp với từng vùng là một trong những khâu quan trọng trong công tác trồng rừng thay thế tại các công trình thủy điện. Theo đó, các loại cây có giá trị kinh tế cao, cây đa mục đích, cây gỗ lớn phù hợp với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp là những loại cây được lựa chọn hàng đầu. Theo ông Nguyễn Văn Biển, UBND tỉnh Lai Châu xác định loại cây trồng phù hợp đối với từng khu vực như cây quế trồng ở những nơi có độ cao dưới 700 m so với mực nước biển, cây Sơn Tra và Thông Mã Vĩ trồng xen kẽ ở nơi có độ cao trên 1.000 m, cây gỗ lớn, sấu, lát, giổi, re… trồng chủ yếu ở các khu vực có độ cao từ 700 - 1.000 m.
Được biết, năm 2015, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, có 3 huyện Sìn Hồ, Tân Uyên và Than Uyên trồng rừng thay thế và đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, Tân Uyên là huyện rất tích cực trong công tác trồng rừng thay thế diện tích chuyển mục đích sử dụng với 586 ha rừng thay thế, loài cây chủ yếu là cây Quế. Nhờ đó, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập bình quân khoảng 200 ngàn đồng/ngày/người cho khoảng 250-300 lao động tham gia trồng rừng thay thế theo mùa vụ tại mỗi huyện.
Như vậy, sau 4 năm trồng và chăm sóc diện tích rừng thay thế khi thành rừng, bà con nhân dân tham gia trồng rừng sẽ được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và được hưởng lợi theo sản phẩm từ khai thác theo quy định. Rõ ràng, trồng rừng thay thế tại các công trình thủy điện không chỉ mang lại lợi ích trước mắt về kinh tế mà còn mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, điều hoà không khí, giảm phát thải CO2 đối với tỉnh Lai Châu nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, trong quá trình trồng rừng thay thế tại các công trình thủy điện, tỉnh Lai Châu vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Văn Biển cho biết: Thời gian trồng rừng tại tỉnh ngắn, từ tháng 5 đến tháng 7 nhưng lại trùng với vụ thu chiêm cấy mùa của bà con nhân dân nên bà con không thể bỏ thu việc thu hoạch vụ mùa để đi trồng rừng, dẫn đến tiến độ trồng rừng chậm. Ngoài ra, để chất lượng cây trồng đảm bảo và tỉ lệ thành rừng cao, phải chuẩn bị cây giống từ 16 tháng tuổi trở lên.
Để đẩy mạnh công tác trồng rừng thay thế diện tích chuyển mục đích sử dụng, ông Nguyền Văn Biển cho rằng tỉnh Lai Châu cần tập trung vào một số biện pháp sau: Tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến công tác phòng chống, chữa cháy rừng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng của toàn dân; nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; chú trọng công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp để nâng cao chất lượng rừng trồng…
Mong rằng, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, việc trồng rừng thay thế tại các công trình thủy điện ở Lai Châu sẽ đảm bảo kế hoạch đã đề ra. Đây sẽ là một bước tiến mới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, góp phần xây dựng nông thôn mới, đồng thời bảo vệ môi trường rừng cũng như bảo vệ chính cuộc sống của nhân dân.
Bài & ảnh: Mai Đan