Bảy đàn voọc xám Đông Dương mới được phát hiện, đang sinh sống trong khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với khoảng 192-212 cá thể được ghi nhận. Đây cũng là nơi có số lượng vọc xám Đông Dương lớn nhất ở Việt Nam.
Voọc xám Đông Dương có nguy cơ tuyệt chủng
Tuy nhiên, Ban Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đang lo ngại đàn voọc quý hiếm này có nguy cơ bị tuyệt chủng bởi tình trạng săn bắt của người dân. Theo ông Mai Văn Chuyên, Trưởng phòng Bảo tồn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, loài voọc xám Đông Dương hiện trên thế giới chỉ có ở 4 nước là Việt Nam, Lào, Thái Lan và Trung Quốc. Đây là loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng được ghi trong sách đỏ Việt Nam và trên thế giới. Ngoài ra, loài này còn có tên trong Nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP và trong “Danh sách các loài nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo tồn”. Việc duy trì và bảo vệ loài linh trưởng này sinh sôi phát triển trong tự nhiên là một bài toán nan giải. Ngoài công tác bảo vệ, ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài khu bảo tồn, còn cần nắm chắc số lượng đàn, cá thể, cấu trúc đàn, tập tính sống của voọc. Qua đó theo dõi chặt chẽ biến động của đàn theo định kỳ xem chúng tăng hay giảm để có những biện pháp bảo tồn loài hiệu quả nhất.
Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đang đối mặt với tình trạng săn bắt động vật hoang dã và sự suy thoái sinh cảnh, đây là những đe dọa lớn nhất đối với đàn voọc này. Ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cho biết: Khu bảo tồn đã có nhiều nỗ lực bảo vệ nên hoạt động săn bắt động vật hoang dã được hạn chế. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, khảo sát, cán bộ Khu bảo tồn đã bắt gặp nhiều lán săn và các dàn bẫy động vật được cài trong rừng.
Để bảo tồn quần thể linh trưởng đang có nguy cơ tuyệt chủng này, Khu Bảo tồn đã đưa ra nhiều giải pháp; trong đó, chú trọng đến việc tăng cường tuần tra, kiểm soát tình trạng săn bắt động vật hoang dã; ngăn chặn, nghiêm cấm khai thác trộm gỗ, chăn thả gia súc tự do, xâm nhập trái phép vào khu bảo tồn; thực hiện các biện pháp lâm sinh thúc đẩy tái sinh tự nhiên rừng; đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vùng đệm.
Theo ông Hải, voọc xám Đông Dương trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã được ghi nhận từ những năm 1998, nhưng chưa có các nghiên cứu chi tiết về tình trạng quần thể và vùng cư trú của loài này, gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Từ năm 2013-2015, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã tiến hành nhiều đợt điều tra khảo sát nhằm xác định kích thước quần thể và vùng phân bố của loài này làm cơ sở xây dựng các giải pháp quản lý, bảo tồn loài này hiệu quả hơn. Cũng từ năm 2013-2015, cán bộ của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã thiết lập 20 tuyến điều tra với tổng chiều dài các tuyến khoảng 200km. Các tuyến có khả năng gặp voọc được khảo sát 3-4 lần.
Khi gặp được đàn voọc, cán bộ kiểm lâm đã tiến hành đếm số cá thể nhìn thấy được và ước tích số cá thể của cả đàn dựa vào các tiếng kêu do voọc phát ra và phạm vi khu vực cây rung do voọc hoạt động. Từ đó, tiến hành ghi nhận tọa độ vị trí đàn rồi chụp ảnh, quay video để kiểm tra lại. Đến nay, cán bộ trong Khu bảo tồn đã xác định được 7 đàn voọc xám Đông Dương với khoảng 200 cá thể sinh sống tại 8 tiểu khu xa dân cư thuộc 2 xã Bát Mọt và xã Yên Nhân (huyện Thường Xuân). Những đàn voọc được phát hiện đều có con cái và đực trưởng thành, các cá thể gần trưởng thành và con non, trong đó có 4 đàn được ghi nhận có cá thể non.
Trong thời gian vừa qua, các nhà khoa học liên tiếp phát hiện nhiều loài động thực vật quý hiếm xuất hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên như loài mang có tên khoa học là Muntiacus rooseveltorum được coi là đã bị tuyệt chủng 85 năm trước, hay loài thực vật chưa từng được ghi nhận trên thế giới có tên khoa học là Aristolochia xuanlienensis thuộc họ Nam mộc hương (Aristolochiaceae) và một loài thuộc chi Giác đế - họ Na (hiện loài này đang phân tích mẫu AND) và 3 loài thực vật mới chưa từng được ghi nhận tại Việt Nam gồm Lữ đằng đứng (tên khoa học là Lindernia megaphylla P.C), Thủy thảo trắng (Kailarsenia lineata R.Br) và Song quả lá bắc tím (Didymocarpus pupureobracteatus Smith)./.