Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể 20 di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu; tu bổ cấp thiết 400 lượt di tích quốc gia… là nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc trùng tu song hành với gìn giữ, phát huy bản sắc gốc của di sản.
Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Anh Tuấn
Nhiều di sản cần “tiếp sức”Phu Văn Lâu (Quần thể di tích Cố đô Huế) sập mái; nhà trăm tuổi (phố cổ Hội An) mục nát; tháp Chăm (khu đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam) mủn vỡ… là thực trạng của nhiều di sản văn hóa thế giới hiện nay. Đáng lo ngại hơn, những báo động kể trên chưa phản ánh hết nguy cơ các di sản phải gánh chịu khi tuổi đời tỷ lệ nghịch với khả năng chống chọi với tác động của thiên nhiên cũng như con người.Thống kê từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho thấy, cả nước hiện có hơn 40.000 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó 3.300 di tích cấp quốc gia, 85 di tích quốc gia đặc biệt... Khoảng 1/3 số di tích kể trên đang xuống cấp hoặc xuống cấp nghiêm trọng cần được hỗ trợ tu bổ kịp thời. Đáng chú ý, trong 5 di sản văn hóa thế giới ở nước ta, ngoài di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) còn bảo tồn được gần như nguyên vẹn quy mô kiến trúc, các di sản còn lại đều cần có sự "tiếp sức" đồng bộ và dài hạn để bảo vệ và phát huy toàn vẹn giá trị bản sắc gốc.Tại Hà Nội, có thể kể đến các di tích quốc gia đặc biệt, có một hoặc nhiều hạng mục bị xuống cấp như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Thành Cổ Loa; Chùa Đậu... Đó là chưa kể nhiều di tích có hàng trăm đến nghìn năm tuổi khác đang trong tình trạng “chống nạng” như: Chùa Phúc Lâm, chùa Nả (Ba Vì); đình Thần Quy, chùa Cổ Chế (Phú Xuyên); Lăng mộ Quận công Phạm Mẫn Trực (Thường Tín)… Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết: Với số di tích cần tu bổ lớn như hiện nay, thành phố phải có hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện. Đây là vấn đề nan giải, không thể giải quyết trong một sớm, một chiều.Vướng mắc của Hà Nội cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước, trong đó áp lực tháo gỡ rào cản vẫn tăng từng ngày, khi những đòi hỏi cấp bách từ việc cứu nguy di sản vẫn luôn hiện hữu. Cũng bởi những vấn đề này mà Quần thể di tích Cố đô Huế đã bị UNESCO khuyến nghị về phương pháp quản lý và phát triển đô thị gây ảnh hưởng đến di sản. Trước đó, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long có nguy cơ bị tổ chức này "nhắc nhở", nếu không giải quyết được triệt để vấn đề úng ngập, ẩm mốc trong khuôn viên di sản…
Chùa Đậu (huyện Thường Tín) là một trong những di tích có hạng mục xuống cấp. Ảnh: Linh Ngọc
Nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết
Di tích văn hóa, lịch sử chứa đựng, phản ánh bản sắc, dấu ấn thời đại chúng được hình thành. Gìn giữ, phát huy những di sản này trong cuộc sống đương đại là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết nhưng cũng không kém phần phức tạp, nan giải.Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa 2016-2020 với nhiều phần việc cụ thể, trong đó có nội dung: Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể 20 di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu; tu bổ cấp thiết 400 lượt di tích quốc gia… với tổng số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời trong thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011-2015 vừa kết thúc và danh sách di sản cần được hỗ trợ, "tiếp sức" vẫn còn rất dài.Các chuyên gia khuyến nghị, để Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa 2016-2020 phát huy tối đa hiệu quả, trước mắt các cơ quan liên quan cần thành lập Hội đồng thẩm định với những chuyên gia đầu ngành uy tín, xác định di sản nào cần ưu tiên đầu tư trước, mức độ và cách thức đầu tư; xây dựng cơ chế thẩm định, giám sát năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ đơn vị bảo quản, tu bổ, tránh tình trạng di tích nghìn tuổi thành một tuổi hay di tích còn "hồn" thành "mất hồn", mà đã có không ít ví dụ thời gian qua. Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, người làm công tác trùng tu phải hiểu các công đoạn cũng như có kiến thức về văn hóa, có trách nhiệm bảo vệ di sản. Trùng tu không phải mang đến bản sắc văn hóa cho di tích, bởi bản thân di tích đã chứa đựng bản sắc. Giữ lại tính nguyên gốc chính là cách bảo tồn bản sắc hiệu quả nhất.Về lâu dài, lĩnh vực trùng tu di tích cần bổ sung các chế tài xử lý trách nhiệm đối với những đơn vị, cá nhân, do thiếu chuyên môn, kém năng lực mà thực hành tu bổ, tôn tạo không đúng, gây hại cho di tích hoặc lợi dụng tình trạng hư hỏng ít để trục lợi bằng việc trùng tu. Đồng thời, cần xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao chuyên ngành tôn tạo di sản cho các nhà quản lý, tư vấn lập dự án, thiết kế, hướng dẫn, giám sát, điều hành thi công... cũng như công nhân trực tiếp tu bổ. Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đặng Văn Bài cho rằng, hiện ở nước ta đang rất thiếu những nghệ nhân bậc thầy trong các ngành nghề thủ công truyền thống gắn với hoạt động tu bổ di tích. Trong khi đó, đây là yếu tố sống còn của việc trùng tu, gìn giữ bản sắc di sản. Nhà nước nên ưu tiên bảo tồn, phát huy các nghề thủ công liên quan đến hoạt động tu bổ di tích. Người làm công tác này cần có chứng chỉ chính quy như một hình thức bảo đảm về chuyên môn, kiến thức, tay nghề...
Thanh Thuỷ