Là điểm đến thu hút của hàng vạn du khách hằng năm, đặc biệt cao điểm trong mùa lễ hội đầu Xuân nhưng theo quan sát của phóng viên Văn Hóa, di tích đền Thác Bờ (Hòa Bình) những ngày này thường xuyên trong tình trạng quá tải, lộn xộn, mất an ninh trật tự và đáng nói là sự “bủa vây” của vô số hàng quán tạp nham.
BQL di tích đền Chúa Thác Bờ tỏ ra buông lỏng và chưa phát huy được thế mạnh của quần thể di tích trên bến, dưới thuyền trải dài trong một không gian lý tưởng
Đồ mã, vàng mã, đổi tiền lẻ, đồ ăn, thậm chí là những quán hàng chế biến cá, tôm, thịt nướng… khiến cho không gian di tích vốn cần sự thanh tịnh, linh thiêng lại bị mịt mù khói tỏa từ những gian bán đồ ăn tạm bợ này bao phủ.
Phản cảm người đi lễ chen lấn với… đồ ăn
Nhiều du khách đi lễ đầu năm tại di tích đền Thác Bờ rơi vào tình cảnh bị chen lấn, xô đẩy và một lần nữa câu hỏi BQL di tích đang ở đâu lại được đặt ra. Trên thực tế, những bất cập trong công tác tổ chức và quản lý tại di tích đền Thác Bờ đã được báo chí phản ánh trong nhiều năm qua, song đến nay vẫn tiếp diễn mà chưa có nhiều giải pháp khắc phục. Thực trạng lộn xộn, xô bồ, mất an ninh trật tự đang dần làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống, tính thiêng của di tích cũng như trực tiếp ảnh hưởng tới việc thu hút khách du lịch.
Ghi nhận của phóng viên Văn Hóa, di tích đền Chúa Thác Bờ trong sáng ngày 10.3 (tức 23 tháng Giêng năm Mậu Tuất) dường như đã phải oằn mình vất vả trong cái nắng nóng của thời tiết, trong sự va đập lộn xộn khi hàng ngàn du khách, người đi lễ cùng đổ về trong một thời điểm. Là ngày cuối tuần nên tình trạng quá tải ở bất cứ một di tích nào cũng là điểu dễ hiểu. Nhưng tại đền Chúa Thác Bờ, đập vào mắt là quá nhiều cảnh tượng lộn xộn, xô bồ, không phù hợp với không gian thiêng của một cơ sở thờ tự, tín ngưỡng vốn có sức thu hút với đông đảo du khách thập phương.
Hàng quán bủa vây di tích đền Chúa Thác Bờ
Ngay tại bến tàu, nơi các công ty khai thác dịch vụ tàu thủy đưa du khách sau hành trình đi trên lòng hồ sông Đà đến với điểm di tích Thác Bờ, cảnh tượng dễ dàng cảm nhận là sự lộn xộn, thiếu sự quản lý. Lượng tàu cập bến liên tục và quá đông đúc khiến du khách cực chẳng đã phải leo trèo từ tàu này sang tàu khác để lên bờ, kèm theo là những âm thanh ầm ĩ, la ó hỗn tạp. Chưa kể, ngay khi đặt chân lên bờ, du khách ngay lập tức đã chạm phải quang cảnh không mấy gọn gàng, trật tự. Người người chen lấn xô đẩy, quán ăn bao vây tứ phía, trong khi những mâm lễ được kính cẩn chuẩn bị sẵn phải đội cả lên đầu, len đi từng bước một. Đường lên đền bà Chúa nhỏ hẹp, xung quanh là cát sỏi, gạch vữa do chưa hoàn thành việc xây dựng các hạng mục…, càng khiến cho không gian di tích chật chội, ngột ngạt và phản cảm.
Nhiều du khách cũng chia sẻ tâm trạng không thoải mái khi đi lễ đền đầu năm, không có được cảm giác thanh tịnh. Quang cảnh hàng quán lấn chiếm khuôn viên di tích, trong đó có nhiều hàng rong bày bán đủ loại mặt hàng, không theo bất kỳ một quy củ, trật tự nào đã làm mất đi yếu tố thiêng của di tích. “Đồ ăn xô bồ, lộn xộn, thậm chí BQL di tích còn để người dân địa phương tự do nướng cá, tôm, thịt và ồn ã mời chào, chèo kéo du khách để quảng cáo các sản phẩm ở lòng hồ sông Đà… Đây là tình trạng không nên để kéo dài ở một cơ sở tín ngưỡng, thờ tự”, một du khách bức xúc.
Ban quản lý di tích không thể tiếp tục buông lỏng
Theo quan sát của phóng viên Văn Hóa, trên suốt đường lên - xuống của đền Chúa Thác Bờ, di tích này cũng bị quá nhiều rác thải bủa vây, vương vãi, thậm chí rác được chất đống ngay sát các biển chỉ dẫn và gần khu vực hành lễ. Bất chấp các văn bản Nhà nước đã ban hành, yêu cầu các di tích khắc phục các hiện tượng đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, đốt nhiều vàng mã, đồ mã thì ở đây vẫn có đến hàng chục hàng quán bán đồ mã, vàng mã được bày bán tràn lan, kèm theo là những bàn viết sớ, đổi tiền lẻ… được bày rất công khai.
Đổi tiền lẻ công khai
Nhiều đồ mã được bày bán xung quanh di tích
Thậm chí, ngay trong khuôn viên của đền thờ, không hiểu vì sao vẫn có vài bàn rút quẻ thẻ công khai mà không hề bị BQL đền nhắc nhở. Mặc cho người người chen lấn trong đền, hai bàn rút quẻ thẻ vẫn an vị và mời chào người đi lễ. Những đồng tiền từ vài chục đến cả trăm ngàn được đặt vào các đĩa bày sẵn trước khi rút quẻ. Nếu có nhu cầu, người đi lễ có thể yêu cầu thêm các “thầy” dịch quẻ thẻ.
Bên trong khu vực nội tự và các gian thờ, quan sát cho thấy tình trạng quá tải cũng khiến cho không gian thiêng trở nên lộn xộn. Nhiều mâm đồ lễ, vàng mã bày biện thiếu trang trọng, tiền lẻ rải vương vãi, la liệt trên ban thờ và rơi cả xuống đất. Tại các không gian thờ ngoài sân, một số gia chủ bày biện nhiều đồ mã cỡ lớn để chuẩn bị sẵn sàng cho các giá hầu sắp được diễn ra. Được biết, tại đền Chúa Thác Bờ, sở dĩ lượng đồ mã được tiêu thụ nhiều bởi mỗi ngày ở đây, nếu ít cũng có vài khóa lễ được tổ chức.
Cá, thịt, tôm nướng… bủa vây di tích
Thực trạng được ghi nhận tại đền Chúa Thác Bờ hầu hết là những bất cập, lộn xộn đi ngược với tinh thần chỉ đạo, yêu cầu siết chặt công tác quản lý và tổ chức lễ hội, nâng cao ứng xử văn minh trong lễ hội mà Bộ VHTTDL đã liên tục khuyến cáo, nhắc nhở các địa phương có di tích trọng điểm, thu hút đông người. Bên cạnh sự buông lỏng, thiếu sát sao trong công tác quản lý của chính quyền địa phương và BQL di tích, nguyên nhân dẫn đến sự xô bồ, thiếu văn minh ở di tích này còn là ý thức của người đi lễ chưa cao. Nhiều hình ảnh phản cảm, làm giảm đi yếu tố thiêng ở di tích xuất hiện khi từ dưới sông cho đến sân đền, rác thải ni lông, giấy bẩn, vỏ hộp, đồ ăn thức uống… bị vứt bừa bãi, thậm chí ngay cạnh khu vực làm lễ. Một du khách chỉ tay vào các gian hàng bán đồ nướng và chia sẻ, nếu không vì mục đích lợi nhuận thì không ai có thể chấp nhận để xảy ra việc bày bán, chế biến đồ ăn hỗn tạp, bốc mùi và khói bụi như thế này bủa vây xung quanh một di tích thờ cúng các bậc tiền nhân cả.
Thiết nghĩ, đã đến lúc BQL di tích đền Chúa Thác Bờ không thể tiếp tục lơi lỏng mà cần phải nghiên cứu, có quy hoạch riêng để bố trí khu vực hàng quán, vừa tạo điều kiện cho người dân kinh doanh, vừa giữ được yếu tố thiêng của di tích.
Phương Anh