Mặc dù được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên suối nước nóng nhưng đã trải qua hơn nửa thế kỷ được phát hiện, đến nay nguồn tài nguyên quý giá trên mảnh đất vùng cao Yên Bái này vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Đến điểm tắm suối nước nóng ở bản Cò Cọi, xã Sơn A, huyện Văn Chấn những ngày se lạnh này sẽ được chứng kiến cảnh đông vui khi bà con nơi đây cùng đi tắm.
Ông Lò Văn Tiềng - Trưởng bản Cò Cọi - cho biết mạch nước nóng tại bản Cò Cọi được phát hiện ra vào những năm 50 của thế kỷ trước. Khi đó, chính quyền địa phương đã quan tâm xây dựng bể tắm tập thể với sáu buồng tắm cho dân.
Hằng ngày, việc người dân trong bản tới tắm nước nóng đã trở thành một thói quen, một niềm thú vị riêng. Ông Tiềng cũng cho biết, từ năm 1990 đến nay cũng đã có nhiều đơn vị lên khảo sát tiềm năng của suối nước nóng nơi đây để đầu tư nhưng rồi cũng không thấy quay trở lại.
Sau nhiều lần như vậy, hai anh em ông Hoàng Văn Dương và Hoàng Văn Dũng, là dân sống trong bản đã tự bỏ kinh phí để đầu tư xây dựng hai khu nhà tắm dành cho khách.
Mặc dù đầu tư còn nhỏ lẻ và chưa có quy hoạch nhưng thu nhập từ sự đầu tư này mang về không nhỏ. Anh Dũng cho biết, với giá vé 10.000 đồng/người, mỗi ngày khu nhà tắm cũng đem về bình quân 300.000 đồng...
Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có bốn điểm suối nước nóng có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch, trong đó huyện Văn Chấn có ba điểm là Tú Lệ, bản Cò Cọi xã Sơn A và bản Hốc xã Sơn Thịnh, điểm còn lại thuộc huyện vùng cao Trạm Tấu.
Những điểm nước nóng này được phát hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước và là một nguồn tài nguyên quý giá, rất có tiềm năng khai thác du lịch sinh thái, kết hợp thăm quan nghỉ dưỡng.
Đặc biệt, ba điểm suối nước nóng trên địa bàn huyện Văn Chấn lại nằm gần quốc lộ 32, cạnh khu du lịch Suối Giàng - một trong ba trọng điểm du lịch đã được tỉnh Yên Bái quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay nguồn tài nguyên quý giá này vẫn chưa được khai thác phát triển du lịch.