Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Cú hiện có diện tích 11.866 ha, tiếp giáp 6 xã, thị trấn nằm bao quanh gồm Hàm Minh, Hàm Cường, Tân Thuận, Tân Thành, Thuận Quý và thị trấn Thuận Nam thuộc huyện Hàm Thuận Nam. Với thảm thực vật phong phú, trong đó cây họ Dầu phân bố quá nửa diện tích thành mái nhà trú ngụ của 1.000 loài thực vật, 178 loài động vật thì vị trí địa lý này trở nên bất lợi. Đầu năm 2009, Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF) đã hỗ trợ dự án nâng cao quản lý Khu Bảo tồn.
Các nhà khoa học tham gia đợt nghiên cứu kéo dài 14 tháng tại Khu BTTN Tà Cú mới đây đánh giá, đây là nơi có loài linh trưởng đông nhất so với các nơi khác trên thế giới nên cũng đang phác thảo kế hoạch bảo tồn riêng. Đàn linh trưởng này không chỉ đông mà còn đa dạng chủng loại và có nhiều loại nằm trong Sách đỏ như chà vá chân đen… Đây cũng là nơi ẩn cư của một số loài chim đang trong nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu như gà tiền mặt đỏ, gà lôi hồng tía, trĩ sao, công...Trong khi đó, các khu dân cư nằm xung quanh cùng với hệ thống giao thông gần như bao trọn khu bảo tồn, nên đã và đang tạo áp lực lớn trong việc giữ gìn những giá trị có tại khu bảo tồn. Trong nhiều nguy cơ ảnh hưởng thì có 3 nguy cơ xếp vào loại rất quan trọng là săn bắn, bẫy thú rừng, cháy rừng và xâm lấn đất rừng, tàn phá sinh cảnh. Riêng việc xâm lấn vùng đệm khu bảo tồn để sản xuất của dân trong vùng đã gây ra những căng thẳng kéo dài nhiều năm, mà lúc đầu khai hoang chính người dân cũng không biết, còn khu bảo tồn thì không quản xuể. Theo Quyết định 674, diện tích Khu Bảo tồn đã đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 3.000 ha nhưng hiện vẫn còn nhiều hộ sản xuất trong và trên đường ranh giới Khu Bảo tồn.
Ông Mai Văn Quỳnh, Giám đốc Khu BTTN Tà Cú cho biết, vấn đề phân định đường ranh giới khu bảo tồn là việc làm đầu tiên của dự án “Nâng cao năng lực quản lý bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu BTTN Tà Cú” triển khai vào tháng 3/2009. Đây là dự án do VCF tài trợ 827,4 triệu đồng cùng với vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh hơn 182,8 triệu đồng. Mục đích nhằm giúp chính quyền địa phương, người dân trong vùng đệm nhận biết ranh giới khu bảo tồn thông qua việc cùng khảo sát, thảo luận và cắm cọc mốc ranh giới. Khu Bảo tồn đã tổ chức 14 cuộc họp thông báo và lấy ý kiến của dân ở 14 thôn có địa giới hành chính liên quan đến đường ranh. Phần đông người dân hưởng ứng nên trồng lại rừng và có ý kiến cần cắm cọc mốc,.. với mật độ dày hơn để dễ phân định.
Công việc nối tiếp trong dự án là tổ chức 3 khóa tập huấn về phòng chống cháy rừng, luật, thi hành luật và kỹ năng truyền thông, phương pháp làm việc với cộng đồng. Thành phần tham gia chủ yếu là cán bộ Khu Bảo tồn nhưng riêng lớp tập huấn kỹ năng truyền thông thì có thêm sự góp mặt của các giáo viên dạy sinh vật và cán bộ phụ trách đoàn tại 6 trường THCS xung quanh khu bảo tồn. Sau đó, các thành viên này về trường thành lập các câu lạc bộ xanh, và đến nay đã hình thành 7 CLB thu hút nhiều học sinh tham gia. Những CLB này trước mắt là tuyên truyền cũng như trao đổi kỹ năng tuyên truyền trong giới học sinh, sau đó sẽ mở rộng ra vận động cộng đồng dân cư xung quanh khu bảo tồn. Thời gian qua, thông qua các hoạt động như thu gom rác thải trên vùng du lịch núi Tà Cú, mặc sắc phục của CLB…và nhất là học sinh tham gia về tác động gia đình nên nhận thức bảo vệ những giá trị khu bảo tồn trong dân có chuyển biến, biểu hiện không có người dân nào lấn ranh làm rẫy như các năm trước. Mặt khác, chính hoạt động tuần tra bảo vệ rừng của 60 người cũng đã ngăn chặn được tình trạng săn bắt, bẫy thú rừng, hầm than.
Tại buổi tổng kết dự án VCF giai đoạn 1, có nhiều ý kiến đề xuất trong giai đoạn 2, cần mở rộng đối tượng tham gia ra các ban ngành, đoàn thể bằng việc ký kết các chương trình liên tịch để phối hợp tuyên truyền tốt. Song song đó, Khu bảo tồn khai thác và vận dụng các nguồn vốn khác để mở rộng các mô hình giao khoán bảo vệ rừng, thông qua mô hình khoán trồng cây, nuôi động vật hoang dã,..cho các hộ dân có thu nhập, tạo sự hài hòa lợi ích. Từ đó, chính người dân trong vùng sẽ tạo ra vòng bảo vệ khu bảo tồn đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.