Là tỉnh không chỉ có nhiều dãy núi đá vôi với trữ lượng hàng tỉ tấn, nguồn tài nguyên phong phú để phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng, Ninh Bình còn có thế mạnh về Du lịch - Dịch vụ với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Tam Cốc-Bích Động, động Thiên Tôn, đền Vua Đinh-vua Lê, hang Luồn...
Cùng với việc khai thác, chế biến khoáng sản đẩy mạnh sản xuất vật liệu xây dựng như: xi măng, đá vôi, gạch ngói, bài toán của Ninh Bình là làm sao kết hợp hài hòa giữa sản xuất với bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển Du lịch-Dịch vụ, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn.Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Ninh Bình cho biết: Tỉnh có tới 3 cơ sở sản xuất xi măng lò đứng, hơn 300 lò gạch thủ công là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nặng, chưa kể ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt đô thị, các bệnh viện, các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm, hoa quả xuất khẩu... Năm 2005, Sở TN&MT Ninh Bình đã triển khai 17 Văn bản chỉ đạo của Cục BVMT, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, các cở sở về việc xử lý các vấn đề về môi trường; quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, xử lý môi trường của các nhà máy xi măng lò đứng, các lò nung đốt gạch thủ công. Sở còn ban hành 15 văn bản gửi các ngành, các huyện, thị xã để phối hợp thực hiện việc báo cáo, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu hủy gia cầm bị nhiễm dịch; Tổ chức 8 lớp tập huấn về BVMT cho đội ngũ cán bộ làm công tác này tại các huyện, thị trong tỉnh. Cấp giấy xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được thực hiện với 30 dự án đầu tư; Thẩm định sơ bộ môi trường cho 24 dự án thuộc các lĩnh vực khai thác tận thu khoáng sản, sản xuất mây tre đan, xây dựng nhà nghỉ, khu du lịch...
Theo ông Chu Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở TN&MT Ninh Bình, để tổ chức thực hiện tốt công tác BVMT trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác điều tra cơ bản môi trường, quan trắc đánh giá hiện trạng và dự báo diễn biến môi trường để từ đó đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời.
Xây dựng hệ thống xử lý môi trường tập trung, trạm xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, thành phố Ninh Bình; Tập trung xây dựng quy hoạch các bãi chôn lấp rác trên quy mô toàn tỉnh; xử lý chất thải làng nghề, khu vực chăn nuôi tập trung. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Nhà máy chế biến rác công suất 200 tấn/ngày tại thị xã Tam Điệp; Tăng cường công tác bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, rừng đặc dụng Hoa Lư, Vườn Quốc gia Cúc Phương nhằm bảo tồn và phát triển nguồn đa dạng sinh học quý hiếm tại các khu vực này.
Tăng cường năng lực cán bộ công tác quản lý môi trường ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã), đặc biệt là ở cấp huyện. Thống nhất quy trình xây dựng kế hoạch và quản lý nguồn vốn sự nghiệp môi trường để tăng cường hiệu quả đầu tư và phù hợp với mục tiêu, kế hoạch và chiến lược phát triển bền vững của tỉnh.