Hàng năm, đến dịp giáp Tết Nguyên đán, đào Sa Pa (Lào Cai) lại bị “hạ sát” một cách thảm hại nhằm phục vụ nhu cầu chơi đào tết ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Năm nay, khi còn cách Tết hơn 2 tuần nữa, nhưng ở Sa Pa đang rầm rộ diễn ra một chiến dịch “đại hạ sát” đào rừng.
Chặt cả cây đem bán
Chúng tôi lên Sa Pa trong một ngày rét tái tê, trời Sa Pa mù mịt, ẩm ướt. Dọc 2 bên đường từ xã Trung Chải (cách trung tâm thị trấn hơn 10km), đã thấy đào được bày bán la liệt.
Người dân tộc thiểu số vẫn đang ùn ùn vận chuyển cành to cành nhỏ về bày bán. Đoạn đường rẽ vào Tả Phìn, mấy anh chàng người H’mông còn làm lán để ăn nghỉ tại chỗ phục vụ công việc bán đào từ giờ đến Tết.
Đếm cả bãi đào này có đến hơn 30 cành to nhỏ. Cành to nhất có lẽ phải gọi là cây chứ không phải cành nữa, vì đường kính thân dễ phải to đến 15cm mới hết.
Rẽ vào xã Tả Phìn, dọc con đường vào xã là hình ảnh các chàng trai người H’mông mang vác, thồ đào bằng xe máy tiến về phía đường cái rất tấp nập. Cành nào cành nấy được cuốn dây ni lông rất cẩn thận để bán cho những ông/bà chủ gom đào mang về xuôi.
Chủ tịch xã Tả Phìn - anh Cháng A Xà - cho biết: “Ngày 28/12/2009, xã đã có cuộc họp với các ban ngành và các trưởng thôn về việc tuyên truyền cho người dân hạn chế việc chặt hạ đào. Việc này sẽ ảnh hưởng không tốt và làm suy kiệt nguồn đào của xã. Đội thanh niên xung kích của xã được giao nhiệm vụ đi giám sát và kiểm tra việc chặt phá đào trong rừng, nếu phát hiện ai chặt trộm đào trong rừng sẽ bị phạt nặng”.
Nhưng xem ra hiệu quả của việc ngăn chặn này không cao lắm. Anh Xà cho biết thêm, năm nay giá cành đào cao hơn năm ngoái nên người dân càng “hăng hái” chặt hơn. Đội thanh niên xung kích không thể nào kiểm tra hết, gia đình nào cũng nói đào chặt tại vườn rừng nhà mình nên không thể ngăn chặn được họ.
Tốc độ lớn thua tốc độ chặt
Theo chân mấy người chở đào bằng xe máy lên Sa Pa, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi gặp một bãi tập kết cành đào ở ngay ven thị trấn.
Hàng trăm cành đào to nhỏ, được bó buộc cẩn thận và đang được xếp lên một xe tải lớn. Chúng tôi đã cố gắng tìm ông chủ hàng nhưng không gặp, lái xe cũng chẳng thấy đâu. Chỉ có 7 cửu vạn đang hò nhau làm việc cấp tốc để chiều tối xe có thể khởi hành về xuôi.
Nhà ở gần ngay khu tập kết đào nên ông Nguyễn Văn Vĩnh biết khá nhiều thông tin về việc “hạ sát” và bán đào như thế này. Ông nói: “Năm nào họ cũng tập kết thu gom đào của người dân từ các xã mang ra bán. Chỉ gom 1 ngày là đủ một chuyến xe với mấy trăm cành. Nhìn cảnh tượng này ai nấy đều xót xa cho đào Sa Pa lắm, cứ thế này rồi Sa Pa còn đâu quả đào mà ăn, rồi đến mùa lại mua đào Trung Quốc lên mà bán”.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ đi dò hỏi trong thị trấn, tôi cũng gặp được một anh thu gom đào cho chủ hàng ở dưới xuôi. Anh tên là Nguyên, hiện đang ở thị trấn Sa Pa.
Anh Nguyên cho biết, năm nay đào không đẹp bằng năm ngoái nhưng giá thì lại cao hơn và mua cũng khó hơn. Bởi đào ngày càng ít đi vì năm nào cũng bị chặt phá đến nỗi không lớn kịp.
Chủ buôn đào về xuôi lại thích mua những cành đào già, mốc meo rêu phong. Hơn nữa, để có được một cành như thế phải mất hàng chục năm cây đào phát triển mới có được. Cho nên cây nào bị chặt thì phải vài năm sau mới mọc lại được.
Anh Nguyên cũng cho biết, năm nay khách đặt anh mua gom khoảng 500–700 cành đào. Từ hàng tháng nay anh phải đi vào các xã để hẹn mua đào của dân, nên những ngày này chỉ ở nhà đợi họ mang đến cho mình thôi.
Giá mua đào của anh Nguyên cũng khá đa dạng, dao động từ 50 nghìn đến 400 nghìn/cành. Tuỳ theo mức độ to - nhỏ, non - già, nhiều nụ hay ít nụ…v..v. Anh Nguyên hả hê khoe: “2 ngày nay đã thu gom được hơn trăm cành đào rồi”.
Sau nhiều lần tái diễn tình trạng trên, đến nay những vườn đào nổi tiếng ở Sa Pa như Ô Quý Hồ, Bản Khoang, Tả Phìn, Tả Giàng Phình sau mỗi dịp Tết chỉ còn trơ trọi, lởm chởm gốc. Và khách du lịch muốn đến thăm vườn đào vào mỗi dịp đầu xuân như trước kia cũng không còn cơ hội nữa.