Từ Tết Giáp Thân 2004 đến nay, đường Hoa Nguyễn Huệ đã trở thành một sinh hoạt văn hóa truyền thống của TP. Hồ Chí Minh, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân thành phố, bà con kiều bào và du khách trong và ngoài nước.
Tối 11/2 (28 Tết), Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Canh Dần, sự kiện rất được chờ đón trong mỗi dịp Tết cổ truyền tại TP. Hồ Chí Minh đã được khai mạc, đồng thời Lễ hội Tết cũng chính thức khai hội. Lãnh đạo thành phố, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Lãnh sự đoàn và hàng chục ngàn người dân đã dự lễ khai mạc Đường hoa.
Từ Tết Giáp Thân 2004 đến nay, Đường Hoa Nguyễn Huệ đã trở thành một sinh hoạt văn hóa truyền thống của TP. Hồ Chí Minh, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân thành phố, bà con kiều bào và du khách trong và ngoài nước. Đường Hoa không chỉ là nơi trưng bày nghệ thuật sắp đặt hoa mà còn là nơi chuyển tải tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân, sự vững tin vào tương lai của thành phố và của dân tộc. Đồng thời cũng chuyển tải được những thông điệp tích cực về sự năng động, phát triển hài hòa, bền vững của thành phố mang tên Bác nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế.
Nói về chủ đề “Xuân Bình minh” của Đường Hoa Nguyễn Huệ năm nay, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, chủ đề này mang ý nghĩa thể hiện tín hiệu lạc quan của kinh tế xã hội TP. Hồ Chí Minh sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu. Đường Hoa năm nay được thiết kế ấn tượng, mới lạ hơn hẳn, toát lên vẻ hiện đại nhưng cũng đầy những nét duyên và vẻ đẹp bản sắc văn hoá dân tộc.
Khởi nguồn là “Vầng Thái dương” (Khu vực tượng đài Bác Hồ) với hàng chục chậu mai quý, hàng trăm nhánh lan Mokara vàng khoe sắc rực rỡ. Phần nền là các sắc hoa tông màu đỏ - vàng với bố cục vuông tròn là tượng trưng cho hình ảnh bánh chưng, bánh dày truyền thống. Nơi đây toát lên vẻ uy nghiêm và dung dị của Bác Hồ - Vầng Thái dương tỏa sáng, đồng thời thể hiện mong ước một năm mới trọn vẹn hạnh phúc và thành công.
“Xuân yêu thương” trải dài đoạn đường từ Lê Lợi đến Mạc Thị Bưởi là những tiểu cảnh: tre xoay, gùi hoa, kén hoa, rừng đước, rừng hoa và sóng hoa của những chất liệu tre, gỗ, đước, tầm vông, đá... đã mang lại cho khách du xuân cảm giác mới mẻ và thân thiện với thiên nhiên. Điểm nhấn là đại cảnh Đôi hổ - linh vật của năm Canh Dần - được làm bằng chất liệu sơn mài, đứng bên gốc cổ thụ vừa uy nghi, dũng mãnh vừa an bình, hạnh phúc. Các tiểu cảnh thể hiện chủ đề về tình yêu như: trái tim hoa, đôi giày hoa, hoa hồng xuân... cũng được các nghệ nhân thiết kế trên dọc tuyến đường dành riêng cho các đôi nhân tình trong Lễ Tình nhân (14/2) vào đúng mùng Một Tết.
Song song với “Xuân yêu thương” là “Sức mạnh đoàn kết” (đoàn đường từ Huỳnh Thúc Kháng đến Hải Triều) với những thể nghiệm mới về hoa khổng lồ. Du khách được chiêm ngưỡng sự khéo léo của các nghệ nhân khi tạo nên những bông hoa khổng lồ bằng nhiều chất liệu khác nhau như: mica, gốm, đá... Xen vào không gian hoa khổng lồ đó là những lối đi trên cao, kết hợp với trụ đèn làm bằng vải bố in hình ngũ Hổ, tạo nên không gian một lễ hội truyền thống trong khung cảnh hiện đại.
“Bình minh hội tụ” (Khu vực vòng xoay đồng hồ) là một đại cảnh như một khối gương lớn, tạo cảm giác sự nhân đôi về không gian, về hoa và con người, mang thông điệp đoàn kết, hội tụ mà những nghệ nhân sắp đặt mong muốn gửi tới du khách.
Tiếp đến “Góc quê hương” mở ra một không gian xanh mướt với những cánh cò, ô ruộng xanh ngắt, đồi rơm vàng óng và những chiếc gùi đầy bắp... Đường Hoa không chỉ là sắc hoa rực rỡ đón xuân mà còn là sự tuyên truyền về nền văn hóa ẩm thực đa dạng của người Việt trong dịp xuân về, Tết đến.
Tất cả đều hội tụ về điểm cuối chủ đề “Hướng về Thăng Long” như hoà chung với niềm vui lớn của dân tộc, cầu chúc cho Thủ đô 1.000 năm tuổi với sức sống mới, thành công mới và thắng lợi mới. Đó là không gian với những chiếc trống đồng, rồng phụng và sóng hoa. Hình rồng được gợi tả ở những đường lượn hùng vĩ với tư thế đang vượt những đợt sóng nhỏ lớn dần để hướng ra biển lớn./.