Cùng với nhiều hoạt động triển khai khác về kinh tế – xã hội – văn hóa, vấn đề cải tạo môi trường sinh thái, giảm bớt ô nhiễm cũng đang được các cấp ngành triển khai để Hà Nội xanh – sạch – đẹp hơn trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Chỉ còn hơn 200 ngày nữa là đến Đại lễ.
Năm 2009, UBND TP đã có cả một đề án về nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn đến năm 2010.
Làng nghề phát triển, sản xuất kinh doanh được mở rộng và quy mô ngày càng tăng đã một phần thúc đẩy sựphát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, nhưng kèm theo đó là gây ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường về không khí, bụi, tiếng ồn, nguồn nước, nước thải, chất thải rắn do thiếu ý thức bảo vệ môi trường, sự lỏng lẻo về quản lý nhà nước, sự thờ ơ trước vấn nạn đã dự báo trước...
Hiện các làng nghề: chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí, chế biến lâm sản, dệt đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, điển hình như các làng nghề: Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức), Kỳ Thủy, Thanh Lương (Thanh Oai), bún bánh Hòa Khuê – Hạ (Phú Xuyên), cơ kim khí (Thạch Thất), làng xương sừng Thụy Ứng (Thường Tín), bánh mứt Xuân Đỉnh (Từ Liêm)...
Do chưa có ý thức bảo về môi trường ngay từ đầu, nên hầu hết các làng nghề đã bị ô nhiễm môi trường ở mức báo động, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Ngày 2/3, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên&Môi trường, cho biết, tại các làng nghề có 60 – 70% số hộ tham gia vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp, một số nguyên vật liệu trước khi đưa vào sản xuất đều phải ngâm một thời gian nhất định.Vì vậy, tất cả ao, hồ, sông ngòi, cống rãnh... có thể sử dụng để ngâm đều được người dân sử dụng. Cùng với đó, tất cả các chất thải tại làng nghề đều không được xử lý, mà thải thẳng ra môi trường xung quanh gây nên ô nhiễm môi trường. Đến thời điểm này, ô nhiễm tại khu vực làng đã tới mức nghiêm trọng.Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng cho biết, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, trong những năm qua, các ngành, các cấp đã có nhiều giải pháp giúp đỡ khắc phục ô nhiễm ở các làng nghề như xử lý nước thải quy mô hộ gia đình, tiết kiệm nhiên liệu, xăng dầu, nước.Xây dựng các điểm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp làng nghề tập trung gắn với làng nghề ở ngoài khu dân cư. Tuyên truyền giáo dục ý thức cho người nhân dân về bảo vệ môi trường trong và sau sản xuất... Bên cạnh đó, cũng có những dự án của các tổ chức trong, ngoài nước, các trường đại học... nghiên cứu, đầu tư xây dựng mẫu xử lý ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề như mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ); Chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu (Hoài Đức); Xương sừng Thụy Ứng (Thường Tín)...Từ nay đến năm 2015, Thành phố tiếp tục tiến hành xử lý rác thải, chất thải lỏng, chất thải rắn, chất thải khí và cung cấp nước sạch cho khoảng 30 làng nghề (5 làng/năm), với tổng kinh phí khoảng 450 tỷ đồng.Trước mắt, một dự án điểm về xử lý nước thải với công suất 200 – 300 m3/ngày, đêm sẽ được xây dựng tại làng nghề chế biến tinh bột sắn Tân Hòa (Quốc Oai), dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2010. Sau đó nhân rộng mô hình này trong các năm tiếp theo.Ngoài ra, Sở Công thương cũng đang hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các cơ sở trong làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để di chuyển vào các cụm công nghiệp làng nghề tập trung.Toàn thành phố có 1.270 làng có nghề, chiếm gần 56% tổng số làng, trong đó 244 làng nghề truyền thống. Hiện đã công nhận theo tiêu chí được 255 làng. Với số lượng lớn như vậy, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề không thể đạt trong “ngày một, ngày hai”...