Gia Lai đang thực hiện các giải pháp tích cực nhằm khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn có hiệu quả, trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên khác. Một trong những giải pháp có tính chất quyết định là khâu tìm kiếm, đánh giá và thăm dò khoáng sản để xác định từng điểm mỏ cụ thể, quy hoạch phù hợp với thực tế, khắc phục tình trạng khai thác ồ ạt và tràn lan như trước đây.
Tỉnh đã tiến hành quy hoạch 108 điểm mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn như than bùn, quặng chì - kẽm, thạch anh - gốm, đá vôi, đá ốp lát, đá xây dựng, sét gạch ngói, cuội sỏi, đất san lấp... thuộc địa bàn các huyện Konchoro, Ia Pa, Krôngpa và một phần các huyện Chưpảh, Kbang và thị xã Ayunpa. Các điểm mỏ khoáng sản này sẽ được đưa vào khai thác trong giai đoạn 2010 - 2015, tiến hành rà soát lại thực trạng cấp phép khai thác khoáng sản cho các đơn vị trước đây và kêu gọi đầu tư mới. Tỉnh cũng đã định hướng trong khâu quy hoạch chế biến khoáng sản trên địa bàn gồm xây dựng nhà máy chế biến đá ốp lát, sản xuất Diatomit, Kaolin, chế biến đá bazan, chế biến bột carbonat và nhà máy chế biến sợi bông khoáng bazan; cơ bản hoàn thành công tác khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn theo đúng quy định.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Gia Lai tiếp tục quy hoạch tìm kiếm, đánh giá và đưa vào khai thác khoáng sản thêm 27 điểm mỏ chủ yếu thuộc nhóm kim loại gồm: quặng Wolfram, quặng thiếc, quặng vàng - bạc và một số khoáng sản thuộc nhóm không kim loại khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng.