Huyện Cát Hải, TP Hải Phòng vừa triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược cho chương trình "Vì Du lịch Cát Bà 100 năm". Nhiều ý tưởng được đưa ra...
Tuy nhiên, điều khiến dư luận đang rất quan tâm là: Bên cạnh phát triển du lịch, Hải Phòng cần làm gì để bảo vệ cảnh quan, môi trường đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Cảnh báo cảnh quan, môi trường đang bị xâm hại nghiêm trọng
Cát Bà (tên gọi đảo Ngọc) là quần đảo lớn nhất trên tổng số 2.000 đảo với 366 đảo lớn nhỏ, hàng ngàn loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu và những vùng rừng thiên nhiên hoang dã, mức độ đa dạng sinh học cao, trong đó có loài voọc đầu trắng duy nhất chỉ còn ở Cát Bà. Ngày 2/12/2004, Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cát Bà có tiềm năng và lợi thế trong phát triển ngành "công nghiệp không khói".
Tuy nhiên, trong nhiều năm, do buông lỏng quản lý, cảnh quan, môi trường của Cát Bà đã bị xâm hại nghiêm trọng. Đầu tiên, đó là việc phát triển các ô lồng, cắm sào quây lưới bừa bãi để nuôi thủy sản tại các vịnh đã gây ô nhiễm nặng môi trường nước. Phát triển tự phát, hàng ngàn dãy bè nuôi cá san sát đang "cắm nát" mặt biển. Nhiều hộ đã sử dụng te, kích điện, chất nổ, hóa chất, lưới mắt nhỏ… để đánh bắt cá con làm thức ăn cho cá bè dẫn đến hủy diệt môi trường biển.
Mỗi ngày ở những ô lồng nuôi cá giò, người nuôi còn đưa xuống nước hàng chục tấn thức ăn chăn nuôi tổng hợp. Đó là chưa kể hàng loạt các xưởng chế biến hải sản, đặc biệt là sứa, đã thải toàn bộ lượng hóa chất, phèn chua muối sứa xuống biển. Nghiêm trọng hơn, trong khi chế biến, sứa chỉ cắt phần đầu, phần thân vứt xuống biển, khiến một phần vùng biển Cát Bà nhất là khu vực Bến Bèo nước biển chuyển sang màu đen đục, bốc mùi hôi rất khó chịu.
Một vấn nạn khác nữa là chặt, phá rừng khai thác gỗ, củi và lấy đất làm nương vẫn đang diễn ra. Đây là hành vi xâm hại rừng rất nguy hiểm bởi rừng trên núi đá vôi là hệ sinh thái rất nhạy cảm do thảm thực vật tăng trưởng rất chậm. Nếu bị chặt phá bừa bãi, rừng chỉ có thể phục hồi sau hàng trăm năm nữa. Mặt khác, nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm của khu Vườn quốc gia Cát Bà đang bị săn bắt trộm dẫn đến suy kiệt nhanh chóng về số lượng...
Vi phạm nhiều, xử lý không được bao nhiêu
Ông Phạm Xuân Hòe, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, năm 2009 chính quyền địa phương đã cưỡng chế, tháo dỡ 59 dậu nuôi cá lồng bè cắm cố định trái phép gây ô nhiễm môi trường trên vịnh Lan Hạ và vịnh Cái Bèo. Lực lượng An ninh trên đảo cũng đã bắt 92 vụ sử dụng te, kích điện khai thác thủy sản trái phép, 32 vụ sử dụng chất nổ, thu 206kg thuốc nổ, 612 kíp nổ...
Cũng trong năm 2009, Kiểm lâm huyện Cát Hải và Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà cũng đã thu giữ hàng nghìn mét lưới bẫy các loại, 160 cọc tre, 10 bẫy chim ngói, 64 bẫy thú và nhiều phương tiện săn bắt động vật rừng trái phép khác, đồng thời thả về môi trường tự nhiên hàng nghìn con chim, 2 con trăn đất, 6 con rùa...
Có thể thấy, việc xử lý các vi phạm liên quan đến cảnh quan, môi trường trên đảo Ngọc Cát Bà là rất nhỏ so với những vi phạm đang diễn ra từng ngày, từng giờ tại đây. Theo tính toán, đến năm 2020, dân số toàn đảo đạt khoảng hơn 20,4 vạn người, lượng rác và nước thải, gây ô nhiễm sẽ tăng lên 1,6 lần; lượng khách du lịch dự báo sẽ vào khoảng 1,9 triệu lượt người/năm cũng sẽ làm tăng lượng chất thải gấp 6 lần so với hiện tại. Cát Bà có thể tiếp nhận khoảng 1,6 triệu khách/năm. Tuy nhiên, có dấu hiệu của sự quá tải do mật độ khách tập trung cao vào mùa du lịch.
Cẩn trọng trong quy hoạch du lịch
Để phát triển bền vững ở quần đảo xinh đẹp này, theo các nhà khoa học, vấn đề bức thiết và cốt lõi hiện nay là phải khảo sát, đánh giá được khả năng tiếp nhận chất thải của đảo Cát Bà cũng như khả năng tự làm sạch của vùng biển nơi đây, từ đó tìm ra những giải pháp tối ưu để khắc phục ô nhiễm.
Các giải pháp cấp thiết về môi trường gồm 6 vấn đề: quy hoạch, công nghệ, chính sách, tổ chức quản lý, đầu tư và tuyên truyền. Vùng phát triển thủy sản, phát triển đô thị cần được các cơ quan hữu trách thực hiện đảm bảo hợp lý, phù hợp với sức tải môi trường của từng khu vực. Đảo cần nhanh chóng đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước và rác thải; thực hiện quan trắc chất lượng môi trường thường xuyên; xây dựng phương án ứng cứu sự cố tràn dầu và hoá chất.
Ngày 22/3/2010, UBND TP Hải Phòng đã có buổi làm việc với UBND huyện Cát Hải về quy hoạch du lịch ở Cát Bà. Dư luận đang rất mong thành phố, huyện cần thận trọng khi triển khai các quyết sách, nhất là phải gắn phát triển du lịch với bảo tồn giá trị của quần đảo