Một hội “sống xanh” với nhiều hoạt động như tặng cây xanh, tặng thùng rác, phóng sanh, tổ chức đi nhặt rác ở nhiều tuyến đường... đã nhân lên ý thức của những người trẻ về môi trường.

Những thành viên Vicaris thường xuyên đi trồng cây - Ảnh: T.Khôi
Tập sống xanh cho mình, cho người
Hội - một doanh nhân trẻ tại TP.Hồ Chí Minh, vốn dĩ từng công tác ở Sở Tài nguyên và môi trường chia sẻ, từ thời sinh viên, anh chàng này đã quan tâm tới môi trường. Hơn 2 thập niên qua, Hội tích cực làm tình nguyện viên tham gia các nhóm chuyên hướng đến môi trường, các giá trị xanh.
Khi đã là doanh nhân trong ngành chất thải sinh hoạt, ngoài việc đi nói chuyện, anh luôn dành khoảng lợi nhuận để mua thùng rác trao tặng đến các tập thể, cá nhân, những hộ dân nghèo ở Củ Chi, quận 8, Cần Giờ… Tính đến nay, con số đã lên đến hàng ngàn thùng rác và hàng trăm buổi chuyện trò, tâm tình, không ngoài mục đích giúp người nghe, người thụ hưởng có thể thay đổi thói quen.
Biết rằng, thay đổi thói quen của một người, một nhóm người, cộng đồng rất khó nhưng Hội không nản. Mấy năm trước anh lập hội “Sống xanh” với nhiều thực tập trong nhóm, như tặng cây xanh, tặng thùng rác, phóng sanh, tổ chức đi nhặt rác ở nhiều tuyến đường tại Sài Gòn…

Hoạt động “xanh” của nhóm sống xanh do Bá Hội tổ chức - Ảnh: T.Khôi
Thông qua hoạt động nhỏ của mình, Hội cho biết, lồng ghép chia sẻ thực trạng môi trường, giá trị sống xanh, bắt đầu từ mỗi người, mỗi gia để mỗi tình nguyện viên, bạn trẻ tham gia đều cùng bắt đầu “làm mới”, thực hành.
Sau nhiều năm, tình nguyện viên tham gia cùng nhóm tăng lên, đặc biệt, họ đã dần trở thành đại sứ xanh của môi trường từ việc từ chối lấy túi ni lông, khuyến khích gia đình dùng giỏ đi chợ thay vì tay không rồi mang về lỉnh kỉnh túi ni lông.
Ông Lê Trường An (công tác tại Trường Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Theo tôi, ngoài các hoạt động tình nguyện, kêu gọi cộng đồng sống xanh, giảm rác thải nhựa thì chính sách của nhà nước với môi trường, giáo dục từ trường học đến gia đình sẽ góp phần thay đổi, cải thiện lối sống tàn hại môi trường đã, đang diễn ra hiện nay”.
Theo ông An, không nên vì sự tiện dụng, giá rẻ của những bao ni lông, ly, hộp nhựa… dùng một lần mà đánh đổi môi trường ô nhiễm, gây hại môi sinh của chính mình, tương lai.
Ý thức này cần được trao đi từ những người làm công tác giáo dục, phụ huynh, truyền thông. Sự phối hợp và liên tục, cùng với sự điều chỉnh của pháp luật liên quan đến môi trường sẽ là những gọng kiềm giúp cho sự thay đổi nhanh hơn.
Tôi đi trồng cây
Tôi là người yêu cây. Ở đâu, tôi cũng hay “thỉnh” cây về trồng, có khi vài chậu trầu bà hoặc vài chậu cây để ở góc đọc sách hay nơi làm việc. Nhà có ban công, tôi “bày binh bố trận” những loại cây dễ trồng, dễ chăm, có lá nhiều để tạo mảng xanh.

Anh Bá Hội tặng thùng rác đến Nhà thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh.
Chính vì vậy, khi bắt gặp nhóm, hội nào rủ đi trồng cây, lên tiếng bảo vệ rừng, tôi đều tích cực. Những ngày cuối năm hoặc đầu mỗi quý của năm, nhóm bạn trẻ Vicaris lại í ới nhau đi trồng cây.
Những vườn nhỏ ở chùa hoặc sườn đồi nào đó (đủ duyên) nhóm sẽ cùng nhau đến trao và trồng cây chiên đàn với một vài ý niệm, “thêm một cái cây, thêm một bóng mát”, “thêm người trồng cây, thêm một nguồn xanh”…
Nhóm toàn người trẻ, công chức, giảng viên, bác sĩ, sinh viên, và cả nhà sư… cùng góp mặt cho một niềm vui chung: gieo hạt xanh, trồng cây lành.
TS. Trần Ánh Dương đang công tác tại Trường ĐH Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Môi trường là vấn đề thời đại, toàn cầu, nhưng có vẻ vẫn chưa được mỗi người quan tâm đúng mức nên những hoạt động như vậy có thể là tiếng chuông nhắc nhở”, anh nói khi tham gia cùng Vicaris trồng cây.
Tôi đồng ý với cái nhìn này dù chúng ta cũng có luật định về các vấn đề liên quan tới môi trường, bảo vệ môi trường. Đi trồng cây nhiều lần với nhóm Vicaris, tôi nhận ra niềm vui từ mỗi lần mình lấp đất vào gốc chiên đàn, nghĩ về bóng mát và màu xanh của cây trong mười năm, hai mươi năm tới.
“Đó cũng là lúc mình già nhưng con cháu mình sẽ hưởng bóng mát này. Mỗi việc làm tốt lành của quý vị sẽ mang đến niềm vui ngay hôm nay cho quý vị và nhiều khi dành tặng cho con cháu mai sau”, thầy Tuệ Đạt, một trong những người dắt dìu các bạn trẻ trong Vicaris nói.
Theo TS. Trần Ánh Dương, khi học cách yêu màu xanh từ hành động trồng cây sẽ đánh thức nhiều suy tư khác trong mỗi người, nhất là người tham gia, họ sẽ thay đổi thói quen khi tiêu thụ, có tỉnh thức hơn ngay khi bỏ một lọn rác, sử dụng một bọc ni lông.
Lưu Đình Long