Cuối năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt Dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn” thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đến nay, cộng đồng tham gia dự án có thu nhập từ làm du lịch.
Huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là nơi có khu Kinh tế Dung Quất với nhiều nhà máy công nghiệp, nơi Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đặt Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đây là hạt nhân tăng trưởng và là đầu tàu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, những năm gần đây, sinh kế của người dân ven biển Bình Sơn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ven biển cũng như suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi ngư nghiệp.

Khu vực này có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất quý
Nhận thức rõ điều này, cuối năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt Dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Dự án triển khai tại các xã: Bình Hải, Bình Thuận, Bình Phước và thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn với sự tài trợ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP). Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi là cơ quan chủ trì dự án. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến Quý I/2025.
Dự án hướng đến phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng gắn với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và tri thức bản địa.

Mô hình du lịch cộng đồng đang là sản phẩm thu hút du khách về với Bình Sơn
Theo đó, dự án thành lập, xây dựng phương án và quy chế hoạt động của Tổ cộng đồng bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô Gành Yến, thuộc xã Bình Hải và Tổ cộng đồng bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn Bàu Cá Cái, thuộc xã Bình Thuận.
UBND huyện Bình Sơn giao quyền đồng quản lý cho Tổ cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô Gành Yến, thuộc xã Bình Hải với phạm vi vùng biển được giao quyền có tổng diện tích gần 100 ha.

Nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn, sinh thái đa dạng
Đối với rừng ngập mặn Bàu Cá Cái, tuy chưa có Quyết định giao quyền đồng quản lý cho Tổ cộng đồng nhưng trên thực tế, cộng đồng đã tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; gìn giữ hệ sinh thái Bàu Cá Cái gắn với làm du lịch cộng đồng. Vừa bảo vệ, vừa khai thác du lịch cộng đồng nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng dự án.
Ông Võ Thanh Tùng, Tổ cộng đồng bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô Gành Yến, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn cho biết: “Từ khi thành lập tổ cộng đồng, công tác tuyên truyền, vận động bà con và ý thức khác hẳn. Mong rằng lãnh đạo địa phương tìm giải pháp an sinh cho bà con trong tổ cộng đồng tốt hơn thì tổ cộng đồng sẽ ngày càng đông, sẽ tốt hơn cho quản lý khu vực”.
Kể từ khi thực hiện dự án, chương trình đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, tham vấn cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và tri thức bản địa tại Gành Yến - Bình Hải, Bàu Cá Cái - Bình Thuận, Cà Ninh - Bình Phước và thị trấn Châu Ổ với gần 1.000 cán bộ và người dân tham gia.

Hệ sinh thái rạn san hô Gành Yến, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn là điểm đến thu hút du khách
UBND huyện Bình Sơn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tập huấn về kỹ năng làm du lịch cộng đồng, kỹ năng hướng dẫn và tổ chức các hoạt động dịch vụ trải nghiệm phục vụ khách du lịch. Huyện Bình Sơn hình thành tour kết nối 4 điểm du lịch: Gành Yến - Bàu Cá Cái - Cà Ninh - Gốm Mỹ Thiện với sản phẩm du lịch khám phá trải nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên, nét độc đáo của hệ sinh thái và điểm đặc sắc của văn hóa bản địa. Từ năm 2022 đến nay, các điểm du lịch này đã thu hút hơn 80 nghìn lượt khách đến tham quan.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên Quốc gia, Quỹ Môi trường toàn cầu đánh giá: “Người dân ở đây đã được tham gia vào việc hình thành ban vận động để kết nối cộng đồng, huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ hệ sinh thái rừng dừa, hệ sinh thái rừng cóc trắng cũng như san hô ở đây. Dự án này có điểm rất đặc biệt đó là sự tham gia của các nhà khoa học, các trường đại học”.

Xã Bình Châu, huyện Bình Sơn có hệ sinh thái rừng dừa được người dân chú trọng bảo vệ, gìn giữ để phát triển du lịch
Sau hơn 2 năm triển khai, Dự án đã góp phần nâng cao ý thức cộng đồng bản địa trong việc bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng nguồn lợi thủy sản.

Hệ sinh thái rừng dừa cũng sẽ được cộng đồng bảo vệ để phát triển du lịch
Nguồn lợi thủy sản đa dạng là một trong những điều kiện thuận lợi để bà con khai thác, phát triển du lịch cộng đồng. Du lịch mang lại nhiều cơ hội làm việc cho người lao động, đặc biệt là nhân lực lao động nữ; giúp mang lại nhiều cơ hội làm việc cho người dân nông thôn, nâng cao mức sống, thu nhập; giúp quảng bá văn hóa, và các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.
Ông Phạm Quang Sự, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay, huyện đang triển khai lồng ghép các hoạt động Dự án với các đề án, dự án của huyện. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển mạng lưới du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch học tập cộng đồng: “Dự án này đem lại thành công nhất định. Huyện Bình Sơn cũng xác định tiếp tục duy trì mô hình này để đem lại hiệu quả cho người dân, góp phần phát triển du lịch tại địa phương, góp phần đảm bảo môi trường sinh thái”.
Thành Long/VOV-Miền Trung