Nghề gốm mỹ nghệ truyền thống với bề dày lịch sử và giá trị văn hóa đặc sắc là một trong những di sản quý báu của dân tộc Việt Nam. Trong dòng chảy đó, gốm Biên Hòa đã ghi dấu ấn đậm nét không chỉ trong tâm thức người dân Đồng Nai, mà còn vươn xa tới nhiều vùng, miền trong cả nước và quốc tế.

Người dân tham quan các gian trưng bày gốm truyền thống tại Festival Gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai năm 2025. Ảnh: H.Quân
Đồng Nai đã và đang triển khai những giải pháp bảo tồn được những giá trị truyền thống cốt lõi; đồng thời thúc đẩy đổi mới, sáng tạo để nghề gốm truyền thống Biên Hòa thích ứng với xu thế phát triển của thời đại, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - văn hóa của địa phương.
Tháo gỡ khó khăn, nâng cao giá trị thương hiệu
Nghề gốm Biên Hòa không chỉ là ngành nghề thủ công, mà còn là một biểu tượng văn hóa, là nơi kết tinh của sự khéo léo, sáng tạo và bản sắc địa phương. Nhiều dòng sản phẩm tiêu biểu như: tượng nghệ thuật, chậu cảnh, phù điêu, đồ gia dụng… đã khẳng định thương hiệu riêng có của gốm Biên Hòa trong làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nghề gốm truyền thống Biên Hòa phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng lớn. Vào cuối tháng 4-2025, UBND tỉnh đã tổ chức Tọa đàm Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề gốm mỹ nghệ truyền thống trong thời kỳ hội nhập. Đây là một trong những hoạt động chính trong chuỗi sự kiện Festival Gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai năm 2025.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Dương Minh Dũng nhấn mạnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan cần chú trọng vai trò của gốm Biên Hòa trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương, là động lực phát triển du lịch, kinh tế, sáng tạo và thương hiệu địa phương trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Văn Thắng nhận định, tình hình kinh tế chung khiến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trong đó có gốm, gặp khó khăn trong xuất khẩu, thị trường trong nước có xu hướng ngày càng bão hòa. Đáng lo ngại hơn, thế hệ trẻ ngày càng ít mặn mà với nghề gốm, dẫn đến thiếu hụt nhân lực kế cận, trong khi họ lại là lực lượng có khả năng tiếp cận công nghệ và triển khai truyền thông hiệu quả.
Bên cạnh đó, những nghệ nhân lớn tuổi vẫn đang nắm giữ kỹ thuật truyền thống, nhưng nếu không có người tiếp nối thì nguy cơ mai một là rất lớn. Sản phẩm gốm vì thế thiếu tính sáng tạo, mẫu mã chưa phong phú, khó đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Chủ tịch Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai Nguyễn Viết Bình chia sẻ, khi công nghệ phát triển, nghề gốm ngày càng ứng dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, đáp ứng các đơn hàng với số lượng lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh, thị trường dành cho các sản phẩm gốm gặp nhiều khó khăn hơn. Nhiều sản phẩm gốm hiện chưa bắt kịp với xu hướng thẩm mỹ, thị hiếu của nhiều thị trường xuất khẩu, điều này đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) ngành gốm cần thay đổi để cạnh tranh.
Bên cạnh đó, theo ông Bình, các DN, cơ sở sản xuất gốm Biên Hòa hiện đa phần là những DN nhỏ và vừa nên còn yếu và thiếu về nhiều mặt như: nguồn lực tài chính, lao động, cơ sở sản xuất, khu vực trưng bày, quảng bá sản phẩm… Do đó, nhiều DN mong muốn có thêm chính sách, chương trình hỗ trợ từ địa phương để nâng cao hoạt động sản xuất, giá trị thương hiệu cho sản phẩm gốm Biên Hòa.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển du lịch làng nghề
Theo nhiều chuyên gia, để tiếp tục bảo tồn, phục hồi và phát triển nghề gốm truyền thống, Biên Hòa rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương với những chính sách hợp lý cùng những con người, DN tâm huyết với nghề gốm địa phương. Trong đó, khâu xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh trong bối cảnh hội nhập hiện nay để giúp sản phẩm gốm Biên Hòa duy trì thị phần và vươn ra biển lớn.
Phó Giám đốc Sở Công thương Văn Hữu Đồng bày tỏ, để bảo tồn, phát triển nghề gốm Biên Hòa trong thời kỳ hội nhập, các DN cần quan tâm đến việc kết hợp giữa ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số vào sản xuất với việc nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, thị trường xuất khẩu trong tình hình mới. Đặc biệt, các DN cần “làm mới” các kênh phân phối sản phẩm thông qua việc thúc đẩy hoạt động quảng bá, kết nối giao thương, các kênh thương mại điện tử; tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN hướng tới sản xuất bền vững, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN trong tỉnh nói chung và DN gốm nói riêng cập nhật kiến thức về các FTA thế hệ mới, các hoạt động xúc tiến thương mại để giúp DN tiếp cận, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu” - ông Văn Hữu Đồng chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động hướng dẫn nghệ nhân, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển các sản phẩm gốm đặc trưng đạt chuẩn. Khuyến khích các DN gốm Biên Hòa đổi mới thiết kế, mẫu mã gắn với công năng sử dụng và xu hướng thẩm mỹ đương đại. Đồng thời, tăng cường quảng bá thương hiệu gốm Biên Hòa, từng bước xây dựng chỉ dẫn địa lý và hình ảnh đặc trưng cho dòng gốm truyền thống của Đồng Nai…
Trưởng phòng Ngành nghề nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Trần Thị Loan chia sẻ, Đồng Nai cần nâng cao giá trị thương hiệu, phát triển làng nghề gốm truyền thống và gắn mô hình sản xuất gốm với hoạt động du lịch, trải nghiệm văn hóa địa phương. Qua đó, tạo điểm nhấn về bảo tồn và phát huy những giá trị của sản phẩm gốm Biên Hòa.
Đồng Nai cần xây dựng bản đồ số về nghề gốm truyền thống Biên Hòa để giới thiệu, quảng bá những câu chuyện về làng nghề, mô hình du lịch về gốm tại địa phương, từ đó xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho việc quản lý của địa phương, cũng như phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề về gốm truyền thống…
Hải Quân