Thành phố Cần Thơ có nhiều làng nghề truyền thống, cung cấp đa dạng, phong phú sản phẩm cho các địa phương trong và ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, một số làng nghề đang đối mặt nguy cơ mai một, biến mất. Vì thế, việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống đang là vấn đề được địa phương quan tâm, tìm hướng giải quyết.

Người dân phơi bánh tại làng nghề bánh tráng Thuận Hưng.
Làng bánh tráng Thuận Hưng (quận Thốt Nốt) hình thành từ giữa thế kỷ 19. Tại đây, có hơn 60 hộ sản xuất bánh thường xuyên, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Khắp làng, những mảnh đất trống, sân nhà,… đều được tận dụng để phơi bánh. Xe hàng từ khắp nơi đổ về mua bánh tráng mang đi tiêu thụ.
Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng đang giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động địa phương; doanh thu năm 2024 ước đạt 75 tỷ đồng. Tháng 3/2023, nghề làm bánh ở Thuận Hưng được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Mua (86 tuổi), một trong những người cao tuổi nhất vẫn theo nghề chia sẻ: “Làng bánh tráng có lúc thăng, lúc trầm. Những năm tháng đời sống người dân cả nước khó khăn, hàng khó bán, làng nghề đứng trước nguy cơ mai một. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và sự yêu nghề, quyết tâm bám trụ của người dân mà nghề truyền thống được vực dậy và phát triển trở lại”.
Ngoài các hộ sắm máy móc, dây chuyền sản xuất công nghiệp, tại làng nghề còn nhiều hộ làm bánh theo cách truyền thống. Bà Nguyễn Thị Bưng (72 tuổi) cho biết, hơn 50 năm qua, bà vẫn trung thành với cách làm thủ công vì bánh dai hơn, lại không thêm phụ gia, giữ được vị nguyên bản, được nhiều người ưa thích. Từ nghề bánh, mỗi ngày, bà Bưng thu nhập khoảng 300 nghìn đồng. Dịp Tết, cơ sở của bà hoạt động hết công suất, lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng/ngày. “Hầu như ngày nào cũng có du khách đến tham quan. Nhiều người thích thú khi được thử làm bánh tráng. Lớp trẻ bây giờ theo nghề rất nhiều”, bà Bưng chia sẻ.
Tuy nhiên, nghề bánh tráng Thuận Hưng được coi là một điểm sáng hiếm hoi ở thành phố Cần Thơ, bởi nhiều làng nghề khác vẫn phải chật vật tìm cách để tồn tại, thậm chí đứng trước nguy cơ mai một.
Nghề làm chiếu Cái Chanh (quận Cái Răng) một thời nức tiếng không chỉ ở Cần Thơ mà còn cả khu vực Tây Nam Bộ, nay gần như biến mất. Trước đây, có thời điểm, nhà nào ở đây cũng làm chiếu, ghe, xuồng tấp nập dưới các dòng kênh chờ hàng. Nhà nhà làm cật lực ngày đêm cũng không kịp giao hàng, còn hiện nay, dọc theo các bờ kênh, hỏi thăm rất nhiều mới tìm được vài người còn bám trụ với nghề. Chính quyền địa phương cũng trăn trở tìm nhiều giải pháp nhằm khôi phục và phát triển làng nghề nhưng còn loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu.
Bà Bùi Thị Đào (68 tuổi) là một trong số ít người còn làm nghề ở Cái Chanh. Theo lời kể đắng đót của bà, bà làm chỉ để khỏi buồn chân, buồn tay chứ “kẽo kẹt cả ngày cũng không đủ ăn”. Hàng không cạnh tranh được các loại chiếu hiện đại, vừa rẻ lại nhiều mẫu mã. “Mỗi ngày làm 7-8 tiếng được hai đôi chiếu, bán khoảng 100 nghìn đồng một đôi, gần như không có lời. Có lẽ chúng tôi đành cất khung cửi vì ai cũng có tuổi. Chúng tôi muốn truyền nghề cho lớp trẻ nhưng chẳng có ai học”, bà Đào chia sẻ.
Nhiều làng nghề khác ở Cần Thơ cũng đang tìm cách duy trì. Làng nghề trồng hoa kiểng trăm tuổi Phó Thọ-Bà Bộ (quận Bình Thủy), dù vẫn đem lại việc làm cho khoảng gần 170 lao động, thu nhập bình quân khoảng 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/hộ/năm, nhưng người dân chủ yếu trông chờ vào các vụ hoa Tết. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích trồng hoa của người dân ngày càng bị thu hẹp dần.
Tại làng nghề làm đồ chơi Long Tuyền (quận Bình Thủy), nhiều người chuyển sang sản xuất theo hướng trải nghiệm, phục vụ du khách, nhưng việc kết nối các tour, tuyến rất khó khăn. Người dân chủ yếu sống dựa vào hoa màu, nông nghiệp, chỉ tranh thủ lúc rảnh rỗi mới làm đồ chơi.
Các làng nghề đan lưới Thơm Rơm (quận Thốt Nốt), sản xuất bánh kẹo Ba Rích (quận Ô Môn)…, dù vẫn sản xuất đều đặn, sản phẩm vẫn tiêu thụ được, nhưng thu nhập từ nghề truyền thống ít ỏi, khó níu chân người trẻ.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Cần Thơ, hiện nay, các hộ sản xuất trong làng nghề chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó đáp ứng được đơn hàng lớn. Chất lượng sản phẩm chưa cao và sức cạnh tranh kém. Mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất với các nhà khoa học, nhà đầu tư và thị trường còn lỏng lẻo, chưa gắn bó chặt chẽ. Hầu hết sản phẩm chưa có nhãn hiệu hàng hóa, chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thị trường hẹp. Việc quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được chú trọng…
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 7/5/2024 về phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2026-2030 và định hướng đến năm 2045.
Trong đó, định hướng bảo tồn và phát triển làng nghề là tập trung bảo tồn, khôi phục các nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền, gắn với du lịch; xây dựng các kênh phân phối, giới thiệu sản phẩm làng nghề. Ưu tiên thành lập các hội, hiệp hội nghề ở các địa phương, các trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề; hỗ trợ thiết kế mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm, thông tin thị trường phục vụ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đào Thị Thanh Thúy, Sở đã và đang vận động các địa phương rà soát các làng nghề truyền thống, có các hoạt động gắn với phát triển du lịch; giới thiệu làng nghề để các doanh nghiệp du lịch xây dựng tour, tuyến kết nối tham quan, trải nghiệm… Vừa qua, tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2025, cơ quan chức năng đã mời các nghệ nhân làng nghề truyền thống tham gia để quảng bá sản phẩm.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng cho rằng, các làng nghề truyền thống tại Cần Thơ có rất nhiều dư địa để phát triển du lịch. Cần đánh giá làng nghề theo quy luật thị trường và có sự đầu tư đúng đắn. Thay vì chỉ tập trung sản xuất để phục vụ đời sống thì có thể làm sản phẩm phục vụ du lịch theo hướng trải nghiệm và quà lưu niệm.
“Các sản phẩm cần theo hướng sản xuất thành sản phẩm mỹ nghệ. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các ban, ngành, đoàn thể phải giúp đỡ người dân tìm đầu ra cho sản phẩm, kết nối với các tour, tuyến hoặc đưa sản phẩm vào các khu du lịch. Cần có chuyên gia hỗ trợ tạo mẫu thủ công, mỹ nghệ và cho bán thử tại thị trường. Bán được thì mới làm đại trà. Cần có chính sách hỗ trợ hợp lý, nhất là lớp trẻ để họ gắn bó với nghề của cha ông. Muốn có sự kế thừa, ngoài việc yêu nghề cần gắn với mang đến lợi ích kinh tế bởi nếu thu nhập từ nghề khác cao hơn, nhiều người sẵn sàng bỏ nghề truyền thống”, ông Hùng chia sẻ.
Hoàng Phan