Không đành lòng nhìn dòng sông chảy qua khu di tích quốc gia ngày một ô nhiễm từ nguồn rác thải mà người dân thải ra, một đội thanh niên xung kích tình nguyện đã ra đời.
Xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế được biết đến với di tích quốc gia cầu ngói Thanh Toàn, nhờ đó xã trở thành một trong những điểm đến của khách du lịch, dân cư thêm đông đúc, đời sống người dân dần được cải thiện... Vậy nhưng dòng sông Như Ý chảy qua địa phận xã lại phải oằn mình gánh chịu các loại chất thải, nào là túi nilông, vỏ đựng thuốc bảo vệ thực vật, các loại rác thải tổng hợp... Khách đến tham quan không ít lần phải dùng tay che mũi, lắc đầu.
Mặt sông không còn trong xanh mà thay vào là màu đen đen, mùi hôi và rác thải cùng bèo phủ kín. Nhiều đoàn sinh viên Đại học Huế về tham quan học tập đã phải xắn tay dọn vệ sinh, sau một thời gian đâu lại vào đó.
“Nơi khác họ đến quê mình làm vệ sinh, tại sao xã mình lại không bảo vệ được môi trường cho dòng sông?” - câu hỏi đó đã làm bí thư Đoàn xã Thủy Thanh Trần Duy Tiến suy nghĩ nhiều. Thế rồi đội thanh niên xung kích “Bảo vệ dòng sông quê hương” của xã Thủy Thanh ra đời với 50 thành viên là đoàn viên khối trung học phổ thông và thanh niên trên địa bàn xã. Được Hội LHTN Tỉnh Thừa Thiên - Huế và Tỉnh đoàn hỗ trợ năm chiếc ghe, đội đã bắt tay vào việc chèo ghe, tỉ mẩn dùng vợt vớt sạch túi nilông, bèo, vỏ chai... trên sông vào thứ bảy và chủ nhật cuối tháng.
Ban đầu, “nhiều khi đi vớt rác trên sông gặp bạn bè và người quen xấu hổ lắm. Nhưng nghĩ mình làm vì quê hương nên tụi mình lại động viên nhau” - Ngô Sa Pa, thành viên trong đội, bộc bạch. Và hành động đó đã làm nhiều người suy nghĩ. “Các em còn nhỏ mà đã có ý thức bảo vệ dòng sông, bảo vệ môi trường huống chi mình. Chẳng lẽ cứ xả rác bừa bãi để các em phải đi thu gom?” - bác Nguyễn Thị Kênh, 50 tuổi, sống cạnh cầu ngói Thanh Toàn, cho biết. Nghĩ thế nên nhiều người sống ven sông đã ý thức được việc bỏ rác đúng nơi quy định. Sông không có rác, hết mùi hôi, quang cảnh sạch sẽ, khách du lịch ghé về cầu ngói Thanh Toàn nhiều thêm, ai cũng vui.
Vừa qua, đội đã được tỉnh đoàn giới thiệu cho Tổ chức phi chính phủ GEF SGP (Quỹ Môi trường toàn cầu - tài trợ các dự án nhỏ tại VN) để xây dựng dự án hỗ trợ nguồn kinh phí phát triển hoạt động. Anh Chế Quang Tám, phó bí thư xã đoàn, trưởng đội thanh niên xung kích, cho biết: “Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, đội luôn chú trọng những việc làm cụ thể chứ không đơn thuần mang tính phong trào. Làm tình nguyện là phải làm đến nơi đến chốn. Vì đều là con em trong xã nên việc tuyên truyền người dân ý thức bảo vệ dòng sông quê là tuyên truyền cho gia đình mình, anh em, bà con láng giềng nên hiệu quả cũng hết sức rõ rệt!”.