Thời gian qua, chính quyền, doanh nghiệp và người dân tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực đẩy mạnh chính sách “xanh hóa”. Trong đó chú trọng vào ngành du lịch với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi xanh, góp phần tạo động lực cho phát triển xanh và bền vững.
Với bờ biển sạch đẹp, ngành du lịch tỉnh Bình Thuận hướng đến một khu du lịch quốc gia, phát triển xanh và bền vững.
Từ chuyển đổi xanh…
Du lịch xanh đang trở thành một xu hướng quan trọng, duy trì cân bằng môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Theo Nghị quyết 16-NQ/TU ngày 8/7/2024 của Tỉnh ủy Bình Thuận về lãnh đạo thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là phát triển kinh tế xanh.
Với quyết tâm, định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh. Từ đó tạo tiền đề phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, gắn liền với yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận khuyến khích và tạo điều kiện giúp doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng thay thế, chuyển đổi số nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, thích ứng nhanh chóng với xu thế toàn cầu.
Khung cảnh biển êm đềm thơ mộng tại Bình Thuận.
Hiện tại tỉnh Bình Thuận đang nghiên cứu, đầu tư xây dựng những chiến lược phù hợp nhất để đưa du lịch tỉnh Bình Thuận đi theo định hướng tăng trưởng xanh và sau đó là chuyển đổi kép, kết hợp giữa xanh - số hóa. Đồng thời, đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Thiết lập một mạng lưới du lịch xanh, kết nối các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có cùng mục tiêu và cam kết về du lịch bền vững nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tài nguyên để phát triển và thúc đẩy du lịch xanh. Song song đó, triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hài hòa việc khai thác tài nguyên với bảo tồn trong hoạt động du lịch.
Đến phát triển bền vững…
Sau gần 30 năm phát triển, du lịch Bình Thuận đã tạo dựng được thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam và tiến gần đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, Phan Thiết - Bình Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn, hiện đại và sang trọng, được du khách khắp nơi đặt cho danh xưng “thiên đường nghỉ dưỡng” của Việt Nam. Sản phẩm du lịch của Bình Thuận ngày càng hấp dẫn, phong phú với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch liên tục phát triển, chất lượng ngày càng cao với các sản phẩm du lịch cao cấp như: golf, nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, du lịch thể thao địa hình…
Theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận, hiện ngành du lịch Bình Thuận đang đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính là du lịch xanh. Gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bảo tồn và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống.
Đồng thời đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái rừng - thác - hồ - biển đảo, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân (homestay), du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe; kết hợp du lịch nghỉ dưỡng - MICE góp phần phát triển du lịch bền vững.
Một điểm đến khu nghỉ dưỡng sinh thái biển tại Bình Thuận.
Thời gian tới, Bình Thuận sẽ nâng tầm trải nghiệm du lịch bằng việc đầu tư phát triển với bến du thuyền mang tính biểu tượng, khu phố bar sống động và trung tâm mua sắm ngoài trời. Mũi Né sẽ là điểm đến để tổ chức thường niên các cuộc thi lướt ván diều, lướt ván buồm, các hoạt động thám hiểm sinh thái đồi cát, thám hiểm sinh thái trên đất liền và một khu phức hợp thể thao đa năng để đáp ứng nhu cầu giải trí và thể thao của du khách.
Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ là trung tâm spa với các viện chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng và cũng là trung tâm hội nghị, triển lãm phục vụ loại hình du lịch MICE mà du khách - thương gia quan tâm. Đặc biệt, Mũi Né sẽ có một chiến lược makerting trên phạm vi toàn cầu, tạo ra một hình ảnh an toàn, thân thiện và hấp dẫn mời gọi du khách đến trải nghiệm và nghỉ dưỡng...
Trong tương lai không xa, Bình Thuận sẽ là điểm đến không thể thiếu của du khách trong nước và quốc tế, xứng đáng là khu du lịch quốc gia và khẳng định vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Thanh Huy