Chuyển đến nội dung
Thứ 5, ngày 15/05/2025
|
English
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • /
  • Vẻ đẹp Việt
  • /
  • Cao Bằng: Chinh phục đèo Khau Cốc Trà

Cao Bằng: Chinh phục đèo Khau Cốc Trà

Cập nhật: 15/10/2021

Khu vực miền núi phía bắc Việt Nam có nhiều con đèo hùng vĩ, hiểm trở, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến “tứ đại đỉnh đèo”: Pha Đin, Ô Quy Hồ, Mã Pí Lèng, Khau Phạ. Tuy nhiên, ở Cao Bằng cũng có một con đèo hiểm trở không kém với 14 khúc cua gấp khiến không ít người ngần ngại mỗi khi đi qua. Gần đây, con đèo này được nhiều “phượt thủ” nhắc tới bởi sự hùng vĩ và vẻ đẹp ngoạn mục. Đó là đèo Khau Cốc Trà nối xã Xuân Trường với thị trấn Bảo Lạc (huyện Bảo Lạc).

Đèo Khau Cốc Trà uốn lượn mềm mại giữa núi rừng trùng điệp.

Kỳ vĩ công trình của bàn tay con người

Đèo Khau Cốc Trà nằm trên quốc lộ 4A, chỉ dài khoảng 2,5km nhưng có tới 14 “cua tay áo”, tạo thành 15 tầng dốc vô cùng hiểm trở. Con đèo này bám theo chiều dựng đứng của ngọn núi Cốc Trà, nối xã Xuân Trường với thị trấn Bảo Lạc - giáp biên giới Trung Quốc. Theo người dân nơi đây, đèo có từ thời Pháp thuộc, nhưng khi đó chỉ là đường mòn có bề ngang rộng khoảng 40cm. Địa hình hiểm trở, khó đi nên người dân thường đi bộ hoặc cưỡi ngựa và phải mất rất nhiều thời gian mới vượt qua đèo. Từ năm 2009-2011, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư, mở rộng cung đường đèo này trên cơ sở 80% con đường cũ. Mặt đường được mở rộng lên 5m và thảm nhựa. Những khúc “cua tay áo” được xẻ sâu hơn vào vách đá để lấy thêm diện tích đường nhằm bảo đảm an toàn, giúp việc đi lại giữa huyện Bảo Lạc và các vùng lân cận trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển. Mặc dù vậy, đây vẫn là một trong những con đèo hiểm trở nhất khu vực Đông Bắc Bộ.

Để chinh phục đèo Khau Cốc Trà, mặc dù đoạn đường từ dưới chân lên tới đỉnh đèo chỉ dài khoảng 2,5km nhưng do độ dốc cao, dựng đứng với nhiều khúc ngoặt nguy hiểm nên du khách phải mất khoảng hơn 1 giờ để vượt qua. Càng lên cao du khách càng thấy rõ sự hùng vĩ của thiên nhiên, một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu hun hút. Từ trên cao nhìn xuống, con đèo uốn khúc mềm mại quanh sườn núi như một dải lụa khổng lồ. Nhiều người lại ví những tầng đèo giống như những bậc thang dẫn lên trời. Sau hành trình chinh phục đèo Khau Cốc Trà, không ít người đã phải trầm trồ ngạc nhiên, không chỉ bởi vẻ hoành tráng, thơ mộng của thiên nhiên mà còn bởi ý chí và nỗ lực của những con người đã tham gia xây dựng, biến tuyến đường này thành một con đèo kỳ vĩ.

“Sứ giả” du lịch không lương

Năm 2011, khi việc mở rộng đường hoàn thành, đèo Khau Cốc Trà với những cung đường uốn lượn mềm mại hiện ra như một nét chấm phá khiến khung cảnh hùng vĩ nơi đây thêm phần thơ mộng. Nhiều du khách thường chọn đỉnh đèo - nơi có cửa hàng tạp hóa và cũng là quán nước duy nhất tại khu vực này của ông bà Nông Văn Ngoan - làm nơi dừng chân, ngắm cảnh. Ban đầu đây là nơi bà Lê Thị Thúy - vợ ông Ngoan thường nghỉ sau mỗi lần lên núi chăn dê. Năm 2007, bà mở tiệm tạp hóa, bán nước giải khát để phục vụ du khách. Cũng từ đó, ông bà trở thành những “sứ giả” du lịch không lương khi tham gia đắc lực trong việc đưa đèo Khau Cốc Trà trở thành điểm du lịch ngày càng được nhiều người biết tới.

Nhờ kinh nghiệm nhiều năm chăn thả dê trên những ngọn núi ở khu vực này mà bà Thúy thuộc lòng đường đi lối lại và biết vị trí nào ngắm cảnh đèo Khau Cốc Trà đẹp và rõ nhất. Vì thế, mỗi khi du khách có nhu cầu, bà lại đưa họ lên "đỉnh ngàm" (núi hình yên ngựa) Pác Thốc để ngắm trọn vẹn 15 tầng đèo Khau Cốc Trà. Đoạn đường dài 1km nhưng phải mất hơn 30 phút mới tới nơi. Ban đầu, đường khó đi do nhiều đoạn vách đá dựng đứng, cây cối rậm rạp, ngày mưa thì trơn trượt... nên bà Thúy đã tự bỏ tiền thuê người phát quang cây cối, cải tạo đường đi, vẽ chỉ dẫn và tạo điểm “check-in” để du khách có thể tự lên. Chưa bao giờ bà Thúy quan tâm đến việc thu phí hay đòi tiền công hướng dẫn du khách lên điểm “check-in” do mình tạo ra. Bà chỉ nghĩ đơn giản rằng những việc mình làm sẽ giúp du khách có nơi nghỉ chân sau hành trình dài vất vả. Du khách đến tiệm tạp hóa lúc nào cũng được bà đón tiếp niềm nở. "Hữu xạ tự nhiên hương", quán của vợ chồng bà ngày càng đông khách. Cũng nhờ vậy, đèo Khau Cốc Trà ngày càng được nhiều người biết tới.

Trong hành trình khám phá Cao Bằng, du khách có thể tham quan nhiều danh thắng nổi tiếng như Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó hay thưởng thức những món ăn, sản vật tinh túy như xôi trám, bánh coóng phù, hạt dẻ Trùng Khánh, cá nướng Bảo Lạc, đường phên Hạ Lang... để cảm nhận trọn vẹn về non nước Cao Bằng - vùng đất tươi đẹp nơi địa đầu Tổ quốc. Và chinh phục đèo Khau Cốc Trà chắc chắn sẽ là một trải nghiệm khó quên với những người yêu thiên nhiên, ưa thích du lịch mạo hiểm.

Cao Minh

Báo Hà Nội mới
Từ khóa: Cao Bằng, Chinh phục đèo, Khau Cốc Trà

Tin liên quan

Cao Bằng: Bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển sinh kế bền vững

Với mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ người dân làng giấy bản Dìa Trên, xã Phúc

Du lịch Quảng Bình – Quảng Trị: Chân trời mới cho một điểm đến đa sắc

hi hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sáp nhập, liệu một trung tâm du lịch mới, với bản sắc mạnh mẽ và sản phẩm đa dạng có thể hình thành và phát triển bền vững? Các chuyên gia cho rằng, nếu được hoạch định và triển khai bài bản,

Cột cờ A Pa Chải – điểm nhấn du lịch ở Mường Nhé

Bàn giải pháp xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam

Du lịch bằng tàu hỏa: Trải nghiệm “chậm mà chất”

Xem tiếp

Tin nổi bật

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025: Chung tay vì biển đảo quê hương

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025: Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững

Ngày Đại dương Thế giới 2025: Việt Nam hành động vì biển xanh bền vững

Phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái ở Cà Mau

Thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường quốc gia

Xem nhiều nhất

Bình Định: Triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Enchanting journey to Binh Chau Beach
Kiên Giang: Bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia U Minh Thượng
Bình Định: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam
No posts found

Cơ quan chủ quản: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị thực hiện: TRUNG TÂM THÔNG TIN DU LỊCH

Địa chỉ: Số 33, ngõ 294/2 đường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin du lịch

Giấy phép số: 78/GP-TTĐT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2020

Lượt truy cập:

79036341

DANH MỤC CHÍNH

  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
nentangso
ic-dulichvn-org
ic-vietnam-travel
ic-moitruogndulich-vn
© TITC