(TITC) - Gần đây, Côn Đảo nổi lên là một trường hợp điển hình trong công tác giảm thiểu sử dụng nhựa, trong nỗ lực đưa hòn đảo du lịch xinh đẹp này trở thành điểm đến thân thiện với môi trường.
Bước đi đáng chú ý là UBND huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) đã ký cam kết “Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa”. Với cam kết này, Côn Đảo trở thành địa phương thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa toàn cầu của WWF.
Theo đó, Côn Đảo phấn đấu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2025, tập trung nâng cao nhận thức của khách du lịch và hạn chế tồn đọng rác thải nhựa tại Khu bảo tồn biển Côn Đảo. Để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi sự chung tay của tất cả các cấp các ngành và cả cộng đồng doanh nghiệp, người dân, du khách…
Nhìn lại hành trình gần 3 năm phấn đấu cho Côn Đảo dần trở thành điểm đến giảm nhựa, huyện đảo đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Chuỗi hoạt động giảm rác nhựa trong du lịch tại Côn Đảo với thông điệp “Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương” được lan tỏa rộng rãi tại sân bay, bến tàu; các điểm đến (như nghĩa trang Hàng Dương, Vườn quốc gia Côn Đảo, các bãi biển…); các cơ sở lưu trú; các đơn vị lữ hành; nhà hàng, quán ăn;… bằng việc dán poster và phát sổ tay “Giảm nhựa khi du lịch Côn Đảo”. Qua đó truyền thông đến du khách trong và ngoài nước thông điệp giảm nhựa tại Côn Đảo.
Cùng với UBND huyện Côn Đảo, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; không cung cấp miễn phí túi nilon cho khách hoặc chuyển từ sử dụng túi nilon khó phân hủy sang các loại túi thân thiện với môi trường; thay thế chai nước nhựa bằng chai thủy tinh; sử dụng ống hút, hộp, túi đựng bằng giấy; đựng dầu gội, sữa tắm trong chai thủy tinh dùng lâu dài thay thế gói tiện dụng 1 lần; cho du khách mượn túi vải trong thời gian lưu trú nhằm hạn chế bao ni lông…
Sáng kiến “Giỏ lễ Xanh” tại nghĩa trang Hàng Dương cũng là cách làm hay và hiệu quả. Chương trình đã đạt kết quả ấn tượng khi loại bỏ hoàn toàn mút xốp cắm hoa và các sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm đáng kể ô nhiễm không khí tại nghĩa trang do đốt hàng mã, góp phần cải thiện môi trường di tích. Với sự ủng hộ từ cộng đồng và du khách, “Tuần Giỏ lễ Xanh” sẽ được thực hiện hàng tháng, tiến tới áp dụng hoàn toàn vào năm 2025. Từ một việc làm nhỏ, mỗi du khách đều có thể đóng góp một phần trách nhiệm của mình trong việc xây dựng hình ảnh Côn Đảo tươi đẹp, giảm nhựa, sạch và trong lành.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng kêu gọi người dân không đánh bắt, mua bán, tiêu thụ các loài nguy cấp quý hiếm, như: rùa biển, san hô…; mời gọi ngư dân và du khách tham gia các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường, không xả rác, nhất là rác thải nhựa ra môi trường (đặc biệt là vùng biển), để bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản; vận động người dân địa phương tham gia giảm nhựa; thực hiện giảm nhựa trong khu bảo tồn biển bằng các biện pháp thu gom rác trong khu sinh thái, rạn san hô, rừng ngập mặn…
Nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ các mô hình và giải pháp tuyên truyền trên đã tác động tích cực, thay đổi dần hành vi và giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, góp phần vào nỗ lực bảo vệ môi trường, huyện Côn Đảo tiếp tục kêu gọi cộng đồng và du khách duy trì ý thức bảo vệ môi trường trong mọi hoạt động tại Côn Đảo để biến nơi đây thành điểm đến xanh, sạch, đẹp và bền vững.
Trung tâm Thông tin du lịch