Điểm mới trong công tác tổng kết, nhìn lại mùa lễ hội năm 2015 đang được quan tâm là việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) lần đầu tổ chức lấy ý kiến đánh giá của báo chí về công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian tại 63 tỉnh, thành phố bằng hình thức chấm điểm theo những tiêu chí, thang điểm bao quát trên nhiều mặt. Điều này cho thấy Bộ VHTTDL đánh giá cao vai trò của báo chí trong giám sát, quản lý, tổ chức lễ hội ở các địa phương. “Chấm điểm” là cơ sở để các cơ quan chức năng, quản lý vào cuộc, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh hoặc những bất cập nổi cộm ở lễ hội.
Bằng việc đề nghị báo chí tham gia chấm điểm lễ hội, Bộ VHTTDL mong muốn sẽ có sự đánh giá, nhìn nhận khách quan và mang tính định lượng rõ ràng về thực trạng quản lý, tổ chức lễ hội dân gian hiện nay; đồng thời để bình xét thi đua cấp cơ sở, giúp Bộ tiếp tục điều chỉnh, chỉ đạo hoạt động trên sáu mặt tiêu chí: công tác quản lý, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hằng năm; quán triệt, tuyên truyền văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, văn bản quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ Bộ VHTTDL; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; bảo đảm môi trường an toàn tổ chức lễ hội; tổ chức các hoạt động dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội tại cơ sở.
Ngay sau khi Bộ VHTTDL giao Cục Văn hóa cơ sở và Báo Văn hóa tổ chức giới thiệu và triển khai chấm điểm 186 lễ hội, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Thực tế cho thấy, phương thức chấm điểm có những mặt tích cực, nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần bàn.
Với một đất nước hằng năm diễn ra hơn tám nghìn lễ hội dân gian, có những nơi tập trung nhiều lễ hội và lễ hội mang tầm quốc gia, song lại có địa phương ít lễ hội và tổ chức tương đối quy củ, thì không thể đánh đồng các tiêu chí cho điểm. Những nơi nhiều lễ hội lớn, trên cùng địa bàn với diễn biến phức tạp chắc chắn sẽ chịu sự đánh giá khắt khe của dư luận, nhưng không có nghĩa ngành văn hóa ở địa phương đó không làm tốt công tác tổ chức lễ hội nếu so với những địa phương chỉ có một vài lễ hội quy mô nhỏ, lại không phải là điểm nóng.
Tuy chỉ giới hạn trong 186 lễ hội tiêu biểu ở các địa phương, song việc đặt ra cách thức chấm điểm của các nhà báo chủ yếu đến từ các báo ở trung ương và Hà Nội phần nào bộc lộ sự bất cập. Thực tế cho thấy, một nhà báo chuyên trách về lễ hội khó bao quát và theo dõi được tất cả các lễ hội. Để đánh giá tình hình lễ hội ở các địa phương, họ vẫn phụ thuộc vào lực lượng cộng tác viên và phần nào báo cáo của ngành văn hóa cơ sở, như vậy việc chấm điểm sẽ không thật sự khách quan. Bên cạnh đó, những tiêu chí trong thang điểm đánh giá công tác quản lý, xây dựng kế hoạch, tình hình quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của các cấp lãnh đạo trung ương và địa phương lại không thuộc phạm vi mà báo chí có thể chấm điểm nếu không có sự hợp tác, cung cấp thông tin nội bộ của cơ quan quản lý văn hóa địa phương. Có nghĩa là, nhà báo sẽ phải dựa nhiều vào thông tin của các Sở VHTTDL và Sở Văn hóa, Thể thao ở các tỉnh, thành phố nếu muốn chấm điểm tiêu chí này.
Thật ra, làm tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội không có nghĩa chỉ dựa trên số liệu định lượng như kiểu làm bài “test” chấm điểm bình xét thi đua. Lễ hội truyền thống ở mỗi địa phương đều mang tính đặc thù và bản sắc văn hóa vùng, miền không thể đánh giá theo góc nhìn chủ quan. Để có những nhận định toàn diện về công tác tổ chức, quản lý lễ hội phải dựa trên nhiều mặt triển khai của các cấp, các ngành và hiệu quả thực hiện những chỉ đạo, hướng dẫn tổng thể của cấp cơ sở qua mỗi mùa lễ hội. Báo chí là kênh thông tin quan trọng phản ánh thực trạng hoạt động lễ hội, nhưng chỉ có giá trị tham khảo, bởi còn có nhiều kênh đánh giá khác từ các nhà nghiên cứu văn hóa, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể, kinh doanh lữ hành, du lịch, dịch vụ và các cơ quan công an, quản lý thị trường v.v.
Từ góc độ của những nhà báo theo dõi về văn hóa và lễ hội nhiều năm qua, theo chúng tôi, nếu vẫn tiếp tục duy trì cách thức chấm điểm nêu trên để đánh giá thực chất công tác quản lý, tổ chức lễ hội, thì cần những tiêu chí cụ thể hơn với sự tham gia nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó địa phương tổ chức lễ hội phải có tiếng nói quan trọng. Nếu việc chấm điểm cứ “xuất phát từ trung ương” như dự kiến chấm điểm lễ hội vừa đưa ra, sẽ không nâng cao được hiệu quả quản lý. Cũng không nên chấm điểm đồng loạt một số lễ hội tiêu biểu ở cả 63 tỉnh, thành phố mà chỉ tập trung vào những lễ hội quy mô lớn, thu hút đông khách trảy hội và thường là điểm nóng tiêu cực nhiều năm qua, để tìm ra biện pháp khắc phục thiết thực trong mùa lễ hội tiếp theo.
Tiến Cường