Trong hai ngày từ 26 - 27 tháng 3 năm 2018, cuộc Họp đối thoại chính sách môi trường Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 4 đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản. Đoàn của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân làm Trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị Hợp tác quốc tế, Tổng cục Môi trường và Cục Biến đổi khí hậu tham dự cuộc Họp. Đặc biệt, tại cuộc Họp lần thứ 4 này, phía Bộ Môi trường Nhật Bản có sự tham dự của Bộ trưởng Tadahiko ITO, hai Thứ trưởng Yasuo TAKAHASI và Thứ trưởng Arata TAKEBE cùng đại diện lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Ito,Thứ trưởng Takahasi và Thứ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam Võ Tuấn Nhânchụp ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác
Đây là cuộc Họp thường niên nằm trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa hai Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản được ký gia hạn lần thứ hai ngày 14 tháng 12 năm 2016 tại Hà Nội. Cuộc Họp tổ chức tại Nhật Bản lần này nhằm rà soát, đánh giá các hoạt động hợp tác đã và đang triển khai trong khuôn khổ MOU mới được gia hạn vừa qua, đồng thời xác định phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và Đoàn công tác của Bộ TN&MT Việt Nam tại cuộc Họp
Tại cuộc Họp, trong phạm vi một ngày làm việc, nhiều nội dung và hoạt động đã được hai Bên chia sẻ và thảo luận, tập trung vào hai lĩnh vực biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Cụ thể đối với lĩnh vực biến đổi khí hậu, các nội dung liên quan đến Cơ chế tín chỉ chung (JCM), Hệ thống đo đạc, báo cáo và kiểm chứng (MRV), các hoạt động thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu,… Đối với lĩnh vực môi trường, quản lý chất thải, quản lý hóa chất, sửa đổi luật bảo vệ môi trường,… đã được hai bên thảo luận chi tiết.
Hai Bên đã đánh giá cao những kết quả hoạt động hợp tác giữa hai Bộ trong thời gian qua, cụ thể là một loạt các hoạt động hợp tác, hỗ trợ do Bộ Môi trường Nhật Bản dành cho Việt Nam như tư vấn, hỗ trợ xây dựng chính sách, đào tạo tăng cường năng lực, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm Nhật Bản cũng như xây dựng và thực hiện các dự án trong khuôn khổ JCM và về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Ito cùng Thứ trưởng Takahashitrao đổi, thảo luận với Đoàn công tác của Bộ TN&MT Việt Nam tại cuộc Họp
Phát biểu tại cuộc Họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã thay mặt Bộ cảm ơn Bộ Môi trường Nhật Bản đã bày tỏ lòng cảm ơn chân thành về sự hợp tác hiệu quả cùng sự hỗ trợ thiết thực, quý báu của Bộ Môi trường Nhật Bản đối với Việt Nam thời gian qua. Đồng thời, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng cho biết vẫn còn nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng mà hai Bộ cần tiếp tục thúc đẩy, mở rộng trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Kết thúc cuộc Họp, hai Bên đã thống nhất tiếp tục duy trì những nội dung hợp tác hiện nay, đồng thời mở rộng thêm một số hoạt động hợp tác mới, cụ thể như hợp tác xây dựng dự án thí điểm về đầu tư nhà máy xử lý chất thải tạo năng lượng điện (Waste to Energy), dự kiến ở tỉnh Hải Dương, xây dựng phòng thí nghiệm các chất POP tại Tổng cục Môi trường, khảo sát nhu cầu và năng lực chuyển giao công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung (tại nguồn) So-ka-zô, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu ở 3 địa phương là Hải phòng, Huế và Đà Nẵng… Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng đề nghị thêm với Bộ Môi trường Nhật Bản xem xét hỗ trợ công tác đào tạo tăng cường năng lực cho Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Mính.
Theo chương trình, đoàn sẽ tiếp tục chương trình khảo sát, thăm quan một nhà máy xử lý rác xử dụng công nghệ đốt rác tiên tiến tạo năng lượng điện.
Cuộc Họp đối thoại chính sách môi trường Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 sẽ được tổ chức tại Việt Nam, dự kiến vào tháng 12/2018 hoặc tháng 01/2019. Hai bên thống nhất tại cuộc Họp lần thứ 5 sắp tới, ngoài thành phần của hai Bộ còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp Nhật Bản chuyên về xử lý chất thải nhằm giới thiệu và trình diễn các công nghệ tiên tiến về xử lý chất thải đang được áp dụng hiện nay ở Nhật Bản.
Hoàng Xuân Huy (Vụ HTQT đưa tin từ Tokyo, Nhật Bản)