Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10 km về phía Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà là một khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng và phong phú, nổi tiếng là nơi có hệ động, thực vật đặc sắc cả ở trên cạn và dưới nước, được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia. Đặc biệt ở vùng biển từ Hòn Chảo đến nam Hải Vân và quanh bán đảo Sơn Trà là nơi có rạn san hô và các hệ sinh thái liên quan độc đáo và phong phú.
Theo kết quả nghiên cứu, vùng biển Hòn Chảo, nam Hải Vân và bán đảo Sơn Trà có 104,6 ha rạn san hô, 26,2 ha thảm rong biển, 10 ha thảm cỏ biển, 191 loài san hô cứng tạo rạn và 3 giống san hô mềm, 162 loài cá rạn san hô, 81 loài sinh vật đáy, 3 loài cỏ biển và 72 loài rong biển. Nhận thấy san hô và các hệ sinh thái biển có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế và môi trường, là nơi dự trữ đa dạng sinh học và nguồn gen, nơi ươm nuôi nhiều đối tượng sinh vật và tạo cảnh quan phục vụ du lịch, trong thời gian qua, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương quận Sơn Trà tổ chức giăng phao bảo vệ, đồng thời bảo đảm việc tuần tra giám sát tốt tại khu vực sinh trưởng của rạn san hô và các hệ sinh thái biển. Đây là hoạt động nằm trong đề án Bảo vệ rạn san hô tại khu vực Bán đảo Sơn Trà đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt vào tháng 9/2009. Rạn sao hô bán đảo Sơn Trà được bảo vệ theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2009 đến 2012; Giai đoạn 2 từ năm 2013 đến 2015.
Từ khi Đề án Bảo vệ rạn san hô tại bán đảo Sơn Trà ra đời, các Tổ Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi hải sản được thành lập và đã có những hoạt động hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi hải sản, đặc biệt là san hô và hệ sinh thái tại khu vực bán đảo Sơn Trà.
Một trong những mục đích của Đề án là gắn quyền lợi của cộng đồng dân cư với việc bảo vệ nguồn lợi hải sản, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan chức năng với cộng đồng trong việc quản lý nguồn lợi hải sản. Thành viên của các Tổ Khai thác kết hợp Bảo vệ nguồn lợi hải sản là những ngư dân địa phương, tham gia một cách tự nguyện nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản, đặc biệt là nguồn lợi san hô. Việc làm này không làm giảm thu nhập của người dân trong việc đánh bắt hải sản mà đã giúp họ chuyển đổi cơ cấu, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập cho ngư dân với những hoạt động ven bờ.
Các tổ viên có nhiệm vụ ngăn chặn, thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng như Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, Chi cục Thủy sản, UBND phường về các hành vi vi phạm đến nguồn lợi thủy sản, nguồn lợi san hô và hệ sinh thái trong vùng thả phao bảo vệ như sử dụng chất nổ, khai thác san hô trái phép, bẻ cành san hô, đổ đất đè lên các rạn san hô, xả rác thải ra môi trường nước có rạn san hô… ; tuyên truyền cho ngư dân trong cộng đồng cùng bảo vệ... Với các qui định của Đề án bảo vệ rạn san hô bán đảo Sơn Trà và sự giám sát, quản lý của các Tổ Khai thác, Bảo vệ, bước đầu các hành vi khai thác trái phép xâm hại đến rạn san hô và các thảm thực vật biển đã giảm thiểu tối đa. Nhờ vậy, thời gian qua, san hô phía nam khu vực bán đảo Sơn Trà đã có dấu hiệu phát triển ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Nhờ vậy, du lịch tại Đà Nẵng sẽ ngày càng thu hút được nhiều khách đến tham quan qua việc hình thành các sản phẩm du lịch mới như ngắm san hô trên tàu kính, lặn biển ngắm san hô. Qua các loại hình du lịch này, du khách sẽ được tìm hiểu, khám phá môi trường sinh thái biển ở bán đảo Sơn Trà và được tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rạn san hô và bảo vệ môi trường sinh thái.
Mỹ Hạnh (Biên tập)