35 năm sau ngày giải phóng (29/3/1975 - 29/3/2010), Đà Nẵng đã trở thành đô thị hiện đại xanh sạch đẹp, thân thiện với môi trường. Đà Nẵng là một trong những điểm sáng đi đầu cả nước trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân. Kinh nghiệm quy hoạch và phát triển đô thị ở Đà Nẵng được cả nước công nhận, học tập, xứng đáng là thành phố động lực của cả miền Trung - Tây Nguyên.
Khai thác tốt giá trị của đất
Hơn 10 năm trước, khi bắt tay vào quy hoạch xây dựng phát triển thành phố, với tầm nhìn xa, trông rộng, không trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Trung ương, phải phát huy lợi thế sẵn có của mình, những người lãnh đạo ở Đà Nẵng, mà đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch UBND TP. Trần Văn Minh, đã nhìn thấy tiềm năng từ đất. Theo đó, Nhà nước tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở tốt để thu hút đầu tư, kêu gọi nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau, biến đất đai thành nguồn tiền khổng lồ, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho các thành phần dân cư. Có thể nhận thấy ngay sự hưởng lợi trước mắt cũng như lâu dài của các dự án mang lại cho phần lớn người dân, đặc biệt dân nghèo. Họ có triển vọng đổi đời từ việc thực thi có hiệu quả các dự án kinh tế, dân sinh - xã hội. Mặt bằng thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt, chất lượng cuộc sống cải thiện đáng kể so với nơi ở cũ. Vì thế, đa số người dân luôn đồng thuận, đồng hành cùng Nhà nước trong những kế hoạch phát triển chung hài hòa lợi ích. Đà Nẵng là một ví dụ điển hình, một trong những điểm sáng, địa phương đi đầu cả nước trong công tác giải tỏa đền bù mặt bằng và tái định cư cho người dân.
Xây dựng hạ tầng tốt để thu hút đầu tư
Ngay từ khi mới chia tách tỉnh, lãnh đạo Đà Nẵng đã nhìn thấy lợi thế và tiềm năng của biển. Hướng phát triển về phía Đông thành phố được thực thi. Các dự án quy hoạch, giải tỏa đền bù, tái định cư nhà chồ ven sông Hàn đến việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống đồng bộ trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu kinh tế Sơn Trà theo hướng phát huy thế mạnh và lợi thế cảng biển, du lịch… đã tạo ra một sự thay đổi rõ rệt cho vùng đất này. Từ chỗ nhà không số, phố không tên, nay, Sơn Trà đã trở thành một khu đô thị mới khang trang, sạch đẹp.
Tiếp đó, hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch cũng được xây dựng như đường Trần Hưng Đạo (Bạch Đằng Đông), đường Ngô Quyền mở rộng trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, đường Phạm Văn Đồng (từ cầu Sông Hàn ra biển)…; rồi cầu Thuận Phước nối quận Hải Châu với Thọ Quang - Sơn Trà, các dự án phát triển kinh tế du lịch, dân sinh như nâng cấp mở rộng cảng Tiên Sa, đường bao quanh và các dự án du lịch sinh thái tại bán đảo Sơn Trà, cụm dịch vụ thủy sản, hàng chục công trình giáo dục, y tế, khu vui chơi, chợ và sự hình thành các khu dân cư mới Mân Thái, Thọ Quang, Phước Mỹ, An Hải Bắc, dự án xóa nhà chồ Nại Hiên Đông… đã tạo cho Sơn Trà một diện mạo mới, động lực mới, mở ra những khả năng phát triển lớn hơn trong chiến lược định hướng kinh tế - xã hội thành phố và kinh tế hướng biển nói riêng của Sơn Trà.
Với việc đầu tư cơ sở hạ tầng như thế, những năm qua, Đà Nẵng liên tục là địa phương đi đầu cả nước về triển vọng và hấp dẫn thu hút các dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm 2008, Đà Nẵng đứng đầu danh sách chỉ số năng lực cạnh tranh (trước đó 3 năm liền Đà Nẵng luôn xếp thứ 2 cả nước, chỉ sau Bình Dương)…
Xây dựng thành phố xanh, thân thiện
So với hai đầu đất nước, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã xác định là những trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa lớn đầy năng động, thì đến nay Đà Nẵng đã được cả nước chính thức công nhận là đô thị trẻ đầy tiềm năng, xứng đáng là thành phố động lực của cả miền Trung - Tây Nguyên. Đó là nhờ Đà Nẵng có cách làm táo bạo, quyết liệt, biết "bắt đầu từ cái bắt đầu"! Và không phải ngẫu nhiên Đà Nẵng trở thành một thương hiệu, một điển hình đầy kinh nghiệm trong những nỗ lực tìm kiếm hướng đi riêng cho công cuộc quy hoạch, xây dựng thành phố được bạn bè khắp nơi ngưỡng mộ, học tập.
Đà Nẵng đang dốc hết sức mình xây dựng thành phố môi trường xanh - sạch - đẹp, thân thiện và an toàn cũng vì sự nghiệp phát triển du lịch - dịch vụ cho cả tương lai lâu dài. Chính quyền vận động nhân dân làm tất cả để bảo vệ môi trường du lịch biển và phủ xanh không gian thành phố, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xử lý nước thải đô thị và các khu công nghiệp. Những cây cầu Sông Hàn, Thuận Phước, cầu Rồng bắc qua sông Hàn, cùng các con đường ven biển, ra biển, những bãi biển được mệnh danh quyến rũ nhất hành tinh, các khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn… là những dự án tầm cỡ, sẽ góp phần hình thành bức tranh toàn cảnh về một thành phố du lịch trong một ngày không xa.
Phạm Phúc