Phát huy tiềm năng của buôn văn hóa còn lưu giữ nhiều nét đẹp truyền thống, đồng bào Ê Đê ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk rủ nhau làm du lịch cộng đồng. Cùng với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, từ buôn văn hóa, Tơng Jú đã trở thành buôn du lịch cộng đồng, giúp nhiều hộ dân có thêm nguồn thu nhập.
Chế biến ẩm thực phục vụ du khách, nhiều phụ nữ trong buôn Tơng Jú có thu nhập tốt. Ảnh: Phúc An
Vẹn nguyên bản sắc văn hóa dân tộc Ê Đê
Buôn Tơng Jú có hộ 467 hộ, 2.090 khẩu, trong đó, dân tộc Ê Đê chiếm đa số. Đến nay, đồng bào Ê Đê nơi này vẫn còn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, tập quán sinh hoạt tốt đẹp của dân tộc mình như bến nước, nhà sàn, trang phục truyền thống, nghệ thuật dân gian, nghề thủ công... Từ việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, hơn 2 năm qua, 18 hộ đồng bào Ê Đê ở buôn Tơng Jú đã rủ nhau làm du lịch cộng đồng. Bà con chủ động tham gia các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng, vệ sinh an toàn thực phẩm do các cấp, các ngành mở. Thông qua các lớp tập huấn, các hộ đã xác định được sản phẩm đặc trưng, bắt tay làm du lịch và quen dần với việc đón tiếp du khách trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm.
Từ những buổi đầu bỡ ngỡ khi chế biến ẩm thực truyền thống của đồng bào Ê Đê phục vụ các đoàn du khách tham quan, trải nghiệm tại buôn, bà H’bluen Niê đã phát triển thành dịch vụ kinh doanh ẩm thực truyền thống. Bà H’bluen không chỉ chế biến ẩm thực truyền thống phục vụ du khách đến buôn, mà còn nhận đơn hàng các món ăn truyền thống, giao cho khách quanh khu vực có nhu cầu thưởng thức. Bà H’bluen Niê cho biết: "Món ăn truyền thống của người Ê Đê rất phong phú, hấp dẫn, chủ yếu từ nguyên liệu dân dã nên ngày càng có nhiều người yêu thích. Ngoài đặc sản cơm lam, gà nướng, chúng tôi chế biến các món canh chua cá lóc kiến vàng, vếch, lá mì xào hoa đu đủ, cà đắng giã ớt gừng, canh cà đắng... Từ các món ăn truyền thống, chúng tôi muốn quảng bá văn hóa ẩm thực của người Ê Đê đến với nhiều du khách và có nguồn thu nhập ổn định. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển đa dạng các món để du khách có nhiều sự lựa chọn".
Cùng với văn hóa, lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng tạo sức hấp dẫn du khách khi đến buôn Tơng Jú. Vì thế, khách du lịch đến với buôn Tơng Jú ngày càng đông, họ say sưa trải nghiệm dệt thổ cẩm, trang phục thổ cẩm thiết kế đẹp mắt, thưởng thức món ăn truyền thống, lâng lâng cùng hương rượu cần, xem các nghệ nhân tạc tượng gỗ và hòa mình vào câu chuyện văn hóa thấm đẫm mẫu hệ của người Ê Đê.
Cùng nhau phát triển du lịch
Hơn 20 năm khôi phục, giữ gìn và phát triển nghề thổ cẩm truyền thống, bà H’Yam Bkrông, Giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông vui mừng cho biết: "Bản thân tôi rất vui, buôn Tơng Jú trở thành điểm đến du lịch cộng đồng, mở ra cơ hội mới để người dân trong buôn có điều kiện giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa của dân tộc mình đến với du khách xa gần. Bao thế hệ buôn Tơng Jú quen với trồng cà phê, trồng lúa, chẳng ai nghĩ nơi này có thể phát triển du lịch. Khi bà con bắt tay nhau cùng làm du lịch cộng đồng, ngoài lo chuyện nương rẫy, bà con trồng thêm các loại rau, nuôi gia súc, gia cầm để bán cho khách, mang lại thu nhập ổn định".
Buôn Tơng Jú thành lập các đội văn nghệ, biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh: Phúc An
Buôn Tơng Jú được như bây giờ, một phần nhờ nguồn trợ lực của Nhà nước hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Cụ thể là Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719).
Ông Y Bhiu Byă, Trưởng buôn Tơng Jú cho hay: Thời gian qua, buôn Tơng Jú được hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa như nhạc cụ biểu diễn, hỗ trợ mua sắm máy tính, bàn ghế đặt máy tính và xây dựng trang thông tin điện tử du lịch. Bên cạnh đó, người dân tham gia các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng đón tiếp khách du lịch... Chất lượng các sản phẩm du lịch như dệt thổ cẩm, ủ rượu cần, nghệ thuật tạc tượng, ẩm thực... ngày càng được nâng cao. Đến nay, buôn Tơng Jú đã thành lập đội văn nghệ biểu diễn văn hóa cồng chiêng trong các dịp lễ, Tết, cuối tuần và các đoàn khách có nhu cầu, bà con dựng nhà sàn để đón và phục vụ du khách.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu, tỉnh Đắk Lắk quy hoạch 16 buôn phát triển du lịch cộng đồng từ các nguồn Nghị quyết 08/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Đắk Lắk, Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 và nguồn hỗ trợ của ADB. Đến nay, toàn tỉnh đã có 5 buôn du lịch cộng đồng được công bố, trong năm 2024, có thêm 2 buôn được công nhận là buôn du lịch cộng đồng. Mỗi buôn du lịch cộng đồng được công nhận có tiềm năng, lợi thế riêng. Khi được hỗ trợ và phát triển, mỗi buôn mang màu sắc khác nhau từ cảnh quan của buôn, nếp sống, sinh hoạt nhà dài... Để khi du khách đến các buôn sẽ có những trải nghiệm khác nhau trong hành trình tham quan du lịch. Trong thời gian tới, sở cùng với các ngành tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện để các buôn du lịch cộng đồng khác phát triển, tạo nên dấu ấn riêng.
Phúc An