Ở các nước có biển, đặc biệt là các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan… và một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý tổng hợp về biển đảo được chú trọng đặc biệt.
Ở các nước có biển, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý tổng hợp về biển đảo được chú trọng đặc biệt.
Phát triển nguồn nhân lực ngành TN&MT nói chung, đối với quản lý biển và hải đảo nói riêng là một bộ phận không tách rời của chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước ta. Đây là một vấn đề mang tính chiến lược, đào tạo còn người là chuẩn bị hành trang cho tương lai của ngành, do vậy phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cần phải đi trước một bước, phải duy trì thường xuyên và phải gắn với kế hoạch sử dụng cán bộ.
Việc tham khảo, học tập những kinh nghiệm từ các nước trên thế giới rất quan trọng, đồng thời mạnh dạn nhìn nhận thực trạng trong nước để đưa ra những gải pháp có tính khả thi nhất mới đạt được hiệu quả mong đợi.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực biển và hải đảo ở nước ngoài
Ở các nước có biển, đặc biệt là các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan… và một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý tổng hợp về biển đảo được chú trọng đặc biệt.
Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực quản lý tổng hợp về biển và hải đảo tại các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan…tương đối giống nhau. Việc đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu được thực hiện tại các trường đại học.
Thông thường, nguồn nhân lực được đào tạo thành hai ngành chính là khoa học và kỹ thuật. Chuyên ngành kỹ thuật biển được phân chia thành hai nhánh chính là kỹ thuật ven bờ biển và kỹ thuật ngoài khơi. Ngành kỹ thuật ven bờ biển chủ yếu đào tạo cán bộ phục vụ các vấn đề quản lý ven bờ, xây dựng các công trình ven bờ, bảo vệ bờ biển, bảo vệ môi trường ven bờ (chủ yếu là chất lượng nước, quản lý chất thải), quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, phòng tránh thiên tai vùng ven bờ.
Chuyên ngành kỹ thuật ngoài khơi bao gồm vấn đề xây dựng các công trình ngoài khơi như dàn khoan dầu khí, các trạm quan trắc và các công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên biển và ven các đảo ngoài khơi. Các chuyên ngành khoa học rất phong phú, bao gồm các vấn đề về khoa học khí tượng thuỷ văn biển, địa chất, địa vật lý biển, sinh vật, hệ sinh thái biển, tài nguyên và quản lý tài nguyên biển, môi trường biển, quản lý và phát triển kinh tế biển, luật biển…Các ngành học trên hầu hết được đào tạo tại các trường đại học.
Thật ra, các trường đại học chỉ trang bị cho người ta các kiến thức cơ bản phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và quản lý nhà nước. Sau khi tốt nghiệp đại học hoặc các chương trình sau đại học những cá nhân được tuyển dụng trực tiếp vào làm công tác nghiên cứu khoa học và quản lý nhà nước thường được đào tạo và tự đào tạo kỹ năng quản lý nhà nước tại chính cơ sở làm việc thông qua sự hướng dẫn của các đồng nghiệp có kinh nghiệm và năng lực. Việc đào tạo nhân lực quản lý biển bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với đào tạo về khoa học kỹ thuật biển, để đảm bảo những người tham gia quản lý biển hiểu biết về những quy luật tự nhiên, kinh tế xã hội biển và hảo đảo, đảm bảo hiệu quả của việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cũng như thực hiện quản lý biển đảo một cách hiệu quả.
Ngoài đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học về biển cũng rất được chú trọng để cung cấp các cơ sở khoa học cho quản lý biển. Thông qua công tác nghiên cứu khoa học, người ta đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực.
Trung Quốc và các nước có biển trong khu vực Đông Nam Á cũng rất chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực quản lý biển. Cách tiếp cận của các nước này cũng dần hoà nhập với các nước phát triển kể trên. Mặc dù vậy, do hoàn cảnh kinh tế xã hội của các quốc gia khác nhau mà thành quả đạt được cũng khác nhau.
Thực trạng ở nước ta
Cùng với đào tạo nhân lực trên các lĩnh vực khác, vấn đề đào tạo nhân lực phục vụ công tác quản lý tổng hợp về biển và hải đảo đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm ngay từ khi hoà bình lập lại ở miền Bắc nước ta. Tuy vậy, do có nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội cũng như nhận thức nên kết quả đạt được còn rất nhiều hạn chế. Hiện nay, trong phạm vi cả nước, chỉ có một số rất giới hạn các trường đại học đào tạo các ngành về biển như chuyên ngành Hải dương học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên), Chuyên ngành Giao thông biển (ĐH Hàng Hải), Chuyên ngành Kỹ thuật Công trình biển (ĐH Thủy Lợi)…
Gần đây, trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, nước ta đã tiến hành một số dự án quản lý tổng hợp vùng ven bờ và một số dự án quốc tế khác. Các dự án này đều có hợp phần tăng cường năng lực nghiên cứu và quản lý thong qua đào tạo và đào tạo lại. Thông qua các dự án này, các cán bộ khoa học và quản lý nước ta đã học tập được nhiều kinh nghiệm quản lý tổng hợp và phát triển bền vững tại biển, đảo và đới bờ.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới lĩnh vực nghiên cứu biển, đảo. Mỗi năm có hàng chục đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước và cấp bộ đã được thực hiện và đã đóng góp đáng kể vào việc làm gia tăng kiến thức về các quy luật tự nhiên và xã hội tại các khu vực biển đảo của nước ta. Trong quá trình thực hiện đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về biển, đảo, các cán bộ khoa học và cán bộ quản lý cũng được đào tạo để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cũng như quản lý. Nhờ thực hiện các đề tài, dự án này cũng như các dự án hợp tác quốc tế về nghiên cứu biển, đảo nước ta đã đào tạo được một lực lượng học khá đông đảo và hầu hết các lĩnh vực khoa học biển.
Tuy có nhiều cố gắng và đạt được nhiều tiến bộ trong đào tạo nhân lực phục vụ nghiên cứu và quản lý biển, đảo nhưng công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu và quản lý biển đảo của nước ta còn bộ lộ nhiều bất cập. Đào tạo nhân lực biển đảo hiện nay tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thuỷ sản, hải dương học, kỹ thuật tàu thuỷ, kỹ thuật xây dựng trên biển và giao thông vận tải trên biển.
Nhiều ngành đào tạo liên quan tới môi trường biển, hệ sinh thái biển, địa chất, địa vật lý và khoáng sản biển, luật biển chưa có các chương trình riêng. Đội ngũ cán bộ tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho biển còn thiếu cả về số lượng và trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Do vậy, nguồn nhân lực phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp về biển còn thiếu và ở chừng mực nào đó chưa đáp ứng được yêu cầu của chiến lược vươn ra ra biển do Đảng và Nhà nước ta đề ra.
Ngoài những vấn đề được nêu trên, một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp về biển và hải đảo là vấn đề công ăn việc làm. Thực tế cho thấy, số lượng việc làm liên quan tới các lĩnh vực khoa học, kinh tế và quản lý biển còn nhiều hạ chế nên sinh viện được đào tạo theo các ngành này sau khi ra trường tìm được việc làm nhưng công việc vất vả lại có thu nhập không cao. Do vậy, các ngành đào tạo về biển thường khó nhận được những sinh viên giỏi.
Giải pháp cho đào tạo
Giải pháp cơ bản là phải đánh giá và dự báo đúng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của toàn hệ thống quản lý nhà nước về biển và hải đảo, bao gồm: Cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, các chuyên gia và đội ngũ lao động chuyên ngành kỹ thuật thuộc các lĩnh vực kinh tế biển.
Trên cơ sở đó, lập kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trung và dài hạn, cùng với việc xây dưng quy chế, chính sách đào tạo gắn với cơ chế cử tuyển để khuyến khích cán bộ khoa học và quản lý ra công tác tại các đảo và vùng ven biển. Khuyến khích việc xây dựng một số cơ sở đào tạo ngành, nghề về biển ở bậc đại học, cao đẳng và dạy nghề tại các thành phố ven biển nước ta. Đảng cũng yêu cầu đồng thời với việc phát triển nguồn nhân lực biển phải coi trọng phát triển các lĩnh vực xã hội ở vùng ven biển, đặc biệt chú ý đến kỹ năng bảo toàn tính mạng cho người lao động trên biển, hải đảo và người dân ở vùng thường bị thiên tai, sự cố môi trường như các vụ tràn dầu…Chiến lược cũng yêu cầu cần có giải pháp mạnh để sớm giải quyết tốt các vấn đề phát triển kinh tế xã hội ở các xã ven biển, vùng bãi ngang ven biển còn rất khó khăn và chịu nhiều rủi do.
Do đặc thù của biển, công tác phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về biển phải gắn với đào tạo chuyên môn, ra biển và quản lý biển phải có nghề. Đồng thời, phải đa dạng hóa các hình thức đào tạo phù hợp với từng đối tượng, trong đó cần ưu tiên đào tạo lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở trung ương và địa phương thông qua vừa học vừa làm, đào tạo qua công việc, tham quan học hỏi, tập huấn kỹ năng và nghiệp vụ và mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, thông qua các hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế về biển và hải đảo.
Đối với cán bộ trẻ cần có kế hoạch đào tạo dài hạn, chính quy ở các bậc học khác nhau trong và ngoài nước. Bên cạnh các hình thức đào tạo theo đối tượng để đảm đảm bảo chất lượng cần phải chú ý xác định, chuẩn bị tốt, tiến tới chuẩn hoá hệ thống bài giảng, tài liệu học tập cho học viên. Bảo đảm cập nhật thông tin, kiến thức về quản lý biển, hải đảo của thế giới và thực tế trong nước, xác định rõ nội hàm và nhiệm vụ quản lý biển và hải đảo và quản lý nhà nước về biển. Bên cạnh bồi dưỡng kiến thức, các vấn đề lý luận liên quan, cần chú ý đến đào tạo, tập huấn kỹ năng quản lý, có thể chia ra các bậc học khác nhau đối với cùng một chủ đề: A, B, C, căn cứ vào đó cấp chứng nhận và giúp tiêu chuẩn hoá cán bộ khoa học và quản lý trong lĩnh vực biển, hải đảo. Chú ý không quên lồng ghép nguyên lý học đi đôi với hành trong khi thiết kế một chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực sao cho vừa cung cấp kiến thức vừa chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn quản lý, đặc biệt các thực hành tốt.
Hồng Minh