Ông Trần Tuấn, nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, cho biết theo quy hoạch, muốn xây dựng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau trở thành khu du lịch đúng nghĩa cần phải có nguồn vốn trên 100 tỷ đồng, nhưng do không có vốn đầu tư nên Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chậm phát triển.
Đường thủy là con đường duy nhất đưa du khách đến với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)
Để sớm khắc phục tình hình trên, lãnh đạo địa phương chỉ đạo cho các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài như xã hội hóa trong đầu tư phát triển du lịch Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau theo hướng phát triển du lịch gắn với công tác quản lý phát triển vườn quốc gia; tranh thủ nguồn hỗ trợ vốn đầu tư của bộ ngành Trung ương.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách thông thoáng nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư; liên doanh liên kết với các trung tâm du lịch trong nước trên cơ sở hài hòa lợi ích đôi bên.
Trước mắt, trong năm 2016, các cơ quan phải hoàn thành quy hoạch một số hạng mục công trình cần đầu tư ngay như đường giao thông, điểm dừng chân cho khách du lịch, dịch vụ ăn uống… phấn đấu đầu năm 2017 đi vào khai thác.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tọa lạc tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau với tổng diện tích 41.000ha; trong đó có 26.000ha đất rừng ven biển. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đặc biệt quý hiếm, là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật ven biển và cũng là nơi cung cấp dinh dưỡng cho các loài thủy sản, được mệnh danh là “bãi đẻ” cho các loài thủy sản trên một vùng biển rộng lớn.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tồn tại 60 loài thực vật, 26 loài thú, 93 loài chim, 43 loài bò sát, 53 loài giáp xác và 139 loài cá. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau phấn đấu từ năm 2020 mỗi năm đón từ 50.000 lượt khách du lịch trở lên./.