Việc xây dựng và phát triển "Thương hiện biển” là điều kiện cần để khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn lợi của biển, đồng thời, còn là biện pháp quan trọng, rất cần thiết để quảng bá, thu hút các nguồn lực bên ngoài trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm thực hiện các nội dung của chiến lược biển, điều mà mong muốn lâu nay của Việt Nam chưa làm được nhiều.
Việt Nam có những bến Vân Đồn, cửa biển Hội An, Bến Hải, cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ, đảo Bạch Long Vỹ, bến cảng Hải Phòng, Công ty 126, 128 Hải Quân, hay những cảng biển Sài Gòn, Đà Nẵng, những bãi biển Nha Trang, Long Hải, Côn Đảo - Vũng Tàu, Phú Quốc - Hà Tiên Kiên Giang, rồi Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh, Sầm Sơn - Thanh Hóa, Đồ Sơn - Hải Phòng; đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm.
Để thương hiệu biển Việt Nam thực sự có ý nghĩa, chúng ta phải làm cách nào đó để mọi người, doanh nghiệp, các cấp, các ngành và bạn bè thế giới hiểu về biển Việt Nam (ảnh interrnet)
Có những nơi đã xây dựng được thương hiệu và giữ được nhưng cũng có nơi xây dựng rồi ngày càng bị mai một. Nhiều địa điểm, ngành hàng, sản phẩm có giá trị nói chung và từ biển nói riêng chưa được xây dựng thương hiệu và quảng bá.
Từ đó, làm mất đi nguồn lực để đầu tư phát triển, thiếu vắng giá trị và tính cạnh tranh của những ngành hàng có thế mạnh trong cơ chế thị trường, vừa làm chậm tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa các ngành lĩnh vực kinh tế biển như mong muốn.
Nhưng, để thương hiệu biển Việt Nam thực sự có ý nghĩa, trước tiên chúng ta phải làm cách nào đó để mọi người, doanh nghiệp, các cấp, các ngành và bạn bè thế giới hiểu về biển Việt Nam, hiểu về thương hiệu biển và sự cần thiết phải xây dựng và giữ gìn các thương hiệu ấy trong quá trình khai thác, bảo vệ các nguồn lợi của biển.
Lâu nay, việc hiểu về biển, nhận thức về biển, nhất là về vai trò vị trí của biển đối với quốc kế dân sinh trước mắt và lâu dài, còn rất mờ nhạt.
Để tập trung vào những biện pháp để nâng cao và giữ được các thương hiệu đã có trong các ngành, lĩnh vực, trước hết phải quảng bá, bảo vệ và nâng cao hiệu quả các thương hiệu sản phẩm của ngành du lịch, thủy sản, đóng tầu… đã có.
Nước ta cũng đã dày công, tốn kém trong việc xây dựng được các thương hiệu này, sản phẩm của các ngành này, nhất là sản phẩm của thủy sản đã và đang có mặt ở hàng trăm nước trên thế giới.
Trong điều kiện những rào cản thương mại ngày càng gay gắt, quyết liệt, việc giữ uy tín, giá trị và tính bền vững của thương hiệu chỉ bằng cách nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm, thương hiệu, là điều kiện sống còn để tồn tại và phát triển các ngành, lĩnh vực, góp phần ngày càng cao vào giá trị gia tăng của kinh tế biển.
Nên bàn và đưa ra các định hướng cùng các giải pháp nhằm phát triển thương hiệu cho các ngành, lĩnh vực mang tính đột phá về kinh tế biển mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về chiến lược biển đã đề ra. Theo đó các ngành khai thác, chế biến dầu, khí; Kinh tế hàng hải; Khai thác và chế thủy, hải sản; Du lịch biển và kinh tế hải đảo; Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất ven biển gắn với các khu đô thị dọc dài ven biển.
Đây là những ngành, lĩnh vực đột phá trong chiến lược đến năm 2020, phát triển thành công năm lĩnh vực nói trên sẽ là tiền đề rất cơ bản để kinh tế biển nước ta phát triển với tốc độ nhanh, hiệu quả theo hương công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Đối với các vùng biển, ngoài việc tăng cường xây dựng các thương hiệu đối với các sản phẩm có giá trị, mang tính độc đáo của địa phương, vùng, chúng ta cần có kế hoạch tôn tạo, xây dựng các thương hiệu cụ thể cho các địa danh biển, đảo nổi tiếng lâu nay, gắn liền với các địa phương, thắng cảnh ấy là những sản phẩm đặc trưng, là những "điểm đến" hấp dẫn.
Khi có thương hiệu thì những sản phẩm, địa danh ấy càng tăng thêm nhiều lần về giá trị gia tăng, tất nhiên, để làm được thương hiệu cần phải qua các bước cụ thể và phải đầu tư rất lớn về công sức và tiền của.
Khi đề ra chiến lược các vùng biển, Nghị quyết 4 (khóa X) đã chỉ ra các điểm cần tập trung xây dựng thành các trung tâm phát triển ở các vùng như Vân Đồn (Quảng Ninh) gắn với Hải Phòng ở vùng biển Đông Bắc, Vịnh Bắc bộ; Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Vịnh Vân Phong vùng miền Trung và Đông Nam bộ; Phú Quốc (Kiên Giang) vùng biển Tây Nam bộ… Đây là những điểm mang tính chiến lược và là "bàn đạp" hướng ra biển của Việt Nam trong chiến lược biển.
Vấn đề tiếp theo là tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia để đánh giá và xây dựng thương hiệu biển. Đây là một vấn đề khó, mang tính kỹ thuật nhưng rất quan trọng trong việc xây dựng chiến lược về thương hiệu nói chung và thương hiệu biển nói riêng.
Nước ta đã xây dựng được các tiêu chuẩn quốc gia đối với nhiều loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ nhưng nhiều tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam còn bị đánh giá thấp và còn cách biệt lớn với tiêu chuẩn quốc tế.
Để giảm cách biệt này, trong điều kiện hội nhập, chúng ra chỉ còn cách quan tâm hơn nữa trong việc rà soát lại và xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí quốc gia ngày càng cụ thể và phù hợp hơn với thế giới, có như vậy mới bảo đảm nâng cao và giữ gìn bền vững thương hiệu biển Việt Nam.
Thương hiệu biển không chỉ là điều kiện sống còn đối với các doanh nghiệp, các sản phẩm của các ngành, lĩnh vực, mà còn là điểm nhấn cần xúc tiến nhanh để thu hút các nguồn lực trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa các ngành kinh tế biển và quảng bá hình ảnh biển Việt Nam với quốc tế.
Trần Công Khích (Ban Kinh tế Trung Ương)