Thị trường tín chỉ carbon đang được kỳ vọng trở thành một trong những công cụ quan trọng giúp Việt Nam hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, để thị trường này vận hành hiệu quả và tín chỉ carbon thật sự trở thành một loại tài sản có giá trị giao dịch, Việt Nam cần vượt qua hai thách thức lớn: một là thể chế pháp lý về vấn này còn thiếu, hai là hạ tầng kỹ thuật, công nghệ đo lường và giám sát phát thải còn sơ khai.
Trên thực tế, thị trường này, về bản chất, là thị trường của các giá trị vô hình - những tấn CO₂ được cắt giảm hoặc tránh phát thải, và để có thể vận hành, điều quan trọng nhất là phải có một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể. Việc này không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon còn mở ra cơ hội kinh tế mới, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang tiến tới mô hình kinh tế carbon thấp.
Cần đẩy nhanh hoàn thiện quy định pháp quy
Theo Dự thảo Tờ trình về việc ban hành Nghị định về sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước vừa được Bộ Tài chính xây dựng, giai đoạn thử nghiệm sẽ diễn ra từ năm 2025 đến hết năm 2028, với sự tham gia ban đầu của khoảng 150 nhà máy phát thải lớn trong các ngành nhiệt điện, xi-măng, thép - những lĩnh vực đóng góp tới 40% lượng phát thải toàn quốc. Hàng hóa giao dịch trên sàn bao gồm: hạn ngạch phát thải được phân bổ miễn phí hoặc qua đấu giá; tín chỉ carbon được xác nhận từ các dự án giảm phát thải theo tiêu chuẩn trong nước hoặc quốc tế…

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống quy định pháp luật về thị trường carbon của Việt Nam còn rất sơ khai. Tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP mới chỉ đưa ra những định hướng khái quát, chưa có hướng dẫn chi tiết để xác lập quyền sở hữu, cơ chế giao dịch, chuyển nhượng và định giá tín chỉ carbon.
Đáng chú ý, việc tín chỉ carbon có được xem là một loại tài sản tài chính hợp pháp hay không vẫn còn bỏ ngỏ, gây khó khăn cho việc hạch toán, kê khai thuế, bảo hiểm hoặc sử dụng làm tài sản bảo đảm trong hoạt động tín dụng.
Một hệ quả tất yếu là doanh nghiệp đứng giữa ngã ba đường. Bởi dù doanh nghiệp muốn tham gia thị trường nhưng không biết căn cứ pháp lý nào để giao dịch; muốn đầu tư vào giảm phát thải nhưng không chắc tín chỉ tạo ra có thể được công nhận. Và khi chưa có luật định rõ ràng về quyền sở hữu, chuyển nhượng, đăng ký và giao dịch tín chỉ carbon, thì không thể gọi đây là một “tài sản thật sự”.
Rào cản lớn nhất hiện nay là nhận thức
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay là nhận thức chưa đầy đủ và đồng bộ về bản chất, giá trị và vai trò của thị trường tín chỉ carbon. “Hơn thế, chúng ta cũng chưa đánh giá được lợi nhuận cụ thể mà thị trường này mang lại, quy mô thực tế đến đâu và cái ngưỡng phát triển như thế nào để không lạm dụng, tránh tác động tiêu cực đến mục tiêu dài hạn”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lạng nhấn mạnh.
Chính vì vậy, vị chuyên gia này đề xuất, phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phân tích tác động, nâng cao nhận thức cho cả doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Việt Nam cần một chiến lược quốc gia bài bản, để thị trường vận hành ổn định.
Tôi cho rằng cần phải có một văn bản pháp lý rõ ràng, thậm chí là một Chiến lược quốc gia, để xây dựng hành lang pháp lý mạch lạc, quy trình rõ ràng, hướng dẫn chi tiết, và cơ chế khuyến khích cụ thể. Nếu không làm kịp thời, chúng ta sẽ phải trả giá rất cao. Việt Nam cần chủ động tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á và tích cực tham gia vào thị trường tín chỉ carbon toàn cầu để nắm bắt đúng xu hướng và không tụt hậu. - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng
Từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn An Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn An Bình, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, phân tích tín chỉ carbon chỉ có thể được giao dịch, định giá và sử dụng như một tài sản thật sự nếu được định danh rõ trong hệ thống pháp luật. Trên thị trường tài chính-môi trường, không phải mọi thứ có giá trị đều mặc nhiên là tài sản. Giá trị phát thải cắt giảm chỉ trở thành tài sản khi được luật pháp thừa nhận, được số hóa và đăng ký sở hữu rõ ràng. Nếu không, nó chỉ là con số ghi trên báo cáo, không thể giao dịch hay thế chấp.
Luật sư Nguyễn An Bình cho rằng, tín chỉ carbon cần được nhìn nhận như một loại tài sản đặc thù, tương tự như chứng khoán, quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu trí tuệ - tức là phải gắn với hệ thống đăng ký quốc gia, có mã số, được lưu ký, có cơ chế định giá và quy định pháp lý cụ thể. Đơn cử, cần xây dựng một Luật Thị trường carbon riêng biệt, điều chỉnh toàn diện các hoạt động từ cấp phát hạn ngạch, xác nhận tín chỉ, đăng ký tài sản, lưu ký, đến xử lý tranh chấp và giám sát giao dịch. Nếu không có khung luật riêng, việc vận hành thị trường carbon sẽ rơi vào tình trạng “vá víu”, thiếu đồng bộ và tiềm ẩn rủi ro pháp lý rất lớn.
Định vị lại tín chỉ carbon
Một điểm nghẽn khác là sự thiếu phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành. Theo dự thảo, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng và quản lý sàn giao dịch, giám sát hoạt động thị trường, trong khi Bộ Nông nghiệp và Môi trường là đầu mối quản lý dữ liệu phát thải, xác nhận tín chỉ và phân bổ hạn ngạch; Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ vận hành hạ tầng sàn; Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán quản lý hệ thống lưu ký tín chỉ. Dù cơ cấu này cho thấy sự phân công chuyên trách rõ ràng, nhưng trên thực tế vẫn thiếu một cơ chế phối hợp đủ chặt để bảo đảm toàn bộ chuỗi “phát hành - đăng ký - giao dịch - giám sát” vận hành thông suốt, liên thông và minh bạch.
Tương tự, với thách thức mang tính kỹ thuật, nhưng có tác động trực tiếp đến tính thực chất và độ tin cậy của toàn thị trường, đó là sự thiếu hụt về hạ tầng đo lường, báo cáo và xác minh (MRV) phát thải. Các doanh nghiệp lớn hiện nay phần lớn vẫn sử dụng phương pháp tính toán gián tiếp (dựa vào hệ số tiêu hao năng lượng) thay vì đo đạc trực tiếp bằng thiết bị cảm biến hoặc hệ thống giám sát khí thải tự động. Điều này dẫn đến số liệu phát thải thiếu chính xác, không thể kiểm chứng được, ảnh hưởng tới độ tin cậy của tín chỉ carbon khi đưa lên sàn giao dịch.

Cơ chế hoạt động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải.
Dự thảo Tờ trình nêu rõ, yêu cầu về tuân thủ MRV cho các tín chỉ được phép giao dịch, đồng thời quy định việc xây dựng hệ thống đăng ký quốc gia để lưu trữ và quản lý toàn bộ tín chỉ, hạn ngạch và dữ liệu giao dịch. Tuy nhiên, hệ thống này hiện mới trong giai đoạn thiết kế. Nếu không có cơ sở dữ liệu đồng bộ, cập nhật theo thời gian thực và có khả năng kết nối với các nền tảng quốc tế, thì tín chỉ carbon của Việt Nam rất khó được công nhận trên thị trường toàn cầu.
Mặt khác, sự thiếu vắng các tổ chức kiểm định, thẩm định tín chỉ carbon đạt chuẩn quốc tế trong nước. Hiện nay, các doanh nghiệp muốn xác nhận tín chỉ phải thuê đơn vị nước ngoài, vừa tốn chi phí, vừa phức tạp về thủ tục. Việc xây dựng một đội ngũ chuyên gia và tổ chức giám định độc lập, có năng lực chuyên môn và được quốc tế công nhận, là điều kiện bắt buộc nếu Việt Nam muốn chủ động trong vận hành thị trường và bảo vệ giá trị tín chỉ do mình phát hành.

Về vấn đề tài chính, Dự thảo đề xuất áp dụng cơ chế thu phí giao dịch, lưu ký và thanh toán giống như thị trường chứng khoán. Đây là hướng đi phù hợp chuẩn mực quốc tế, tuy nhiên trong giai đoạn đầu (khi thị trường còn non trẻ và đối tượng tham gia đa phần là doanh nghiệp sản xuất quy mô vừa và nhỏ) cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về lệ phí, thậm chí là miễn phí trong thời gian đầu để khuyến khích tham gia.
Coi việc gỡ rối hai điểm nghẽn lớn (thể chế pháp lý và hạ tầng kỹ thuật) là nhiệm vụ mang tính nền tảng, song Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng chỉ rõ, quan trọng hơn cả là xây dựng tầm nhìn chiến lược và sự quyết đoán trong hành động.
Tín chỉ carbon chỉ có thể trở thành tài sản thật, được công nhận, trao đổi, định giá và tạo ra lợi ích kinh tế, khi nó được đặt trong một hệ thống pháp lý rõ ràng, minh bạch và một hạ tầng vận hành được đầu tư bài bản.
Theo ông Lạng, giờ là thời điểm Việt Nam cần định vị lại tín chỉ carbon. Bởi thực tế tín chỉ carbon không chỉ là công cụ môi trường, mà là cấu phần quan trọng của chiến lược tăng trưởng xanh và hội nhập kinh tế quốc tế.
"Tín chỉ carbon cần được nhìn nhận như một loại tài sản đặc thù, tương tự như chứng khoán, quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu trí tuệ - tức là phải gắn với hệ thống đăng ký quốc gia, có mã số, được lưu ký, có cơ chế định giá và quy định pháp lý cụ thể." - Luật sư Nguyễn An Bình
Thực hiện: Minh Phương - Khánh Bách - Nhị Hà - Hạnh Vũ