Bộ VHTTDL đã có Công văn số 3146/ BVHTTDL - DSVH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ về việc triển khai Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Diễn xướng chầu văn, hầu đồng chỉ là một yếu tố cấu thành di sản
Còn đó những nỗi lo
PGS.TS Từ Thị Loan, nguyên quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia VN khẳng định: “Ở Việt Nam tín ngưỡng thờ Mẫu có một chỗ đứng đặt biệt, có sức lan tỏa lớn và ngày càng thể hiện tầm ảnh hưởng trong xã hội đương đại”. Theo thống kê, chỉ riêng tại tỉnh Nam Định đã có gần 400 di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu. Sau một thời gian bị cấm đoán, dị nghị... hiện hoạt động văn hóa tâm linh đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ này đã lan tỏa vào TP HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ và có mặt cả các vùng biển đảo như đảo Phú Quốc, Côn Đảo... Thậm chí tín ngưỡng thờ Mẫu còn có mặt ở nhiều nước trên thế giới, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Những năm gần đây, Hà Nội liên tục tổ chức các kỳ Liên hoan diễn xướng chầu văn, thu hút hàng trăm thanh đồng, cung văn tham gia. Điều đáng mừng là hầu hết các nhóm cung văn, thanh đồng hiện có thể tự thân tồn tại bằng nguồn kinh phí xã hội hóa...
Dù vậy, “di sản sống” này hiện cũng đang đối mặt với không ít thách thức và nguy cơ biến đổi, biến tướng. Trước hết là vấn đề nhận thức, nhận diện giá trị của cộng đồng xã hội về di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Cho đến nay, nhiều người vẫn lầm tưởng tín ngưỡng thờ Mẫu chính là hầu đồng? Thực tế, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là thực hành nghi lễ kết hợp nhiều yếu tố văn hóa như trang phục, âm nhạc, múa thiêng... mà hầu đồng chỉ là yếu tố cấu thành của di sản. Bên cạnh đó, trong hoạt động diễn xướng của di sản được ví như một “bảo tàng sống” lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và bản sắc văn hóa của người Việt này hiện tượng “sân khấu hóa”, “di sản hóa” cũng là một thực trạng đáng lo. GS Ngô Đức Thịnh cho rằng nghi lễ truyền thống là trình diễn trước sự chứng kiến của các thần linh và cho thần linh, nên quay mặt về phía bàn thờ, thì ngày nay các thanh đồng trình diễn trước khán giả, quay mặt về phía khán giả và cho khán giả, nên yếu tố tâm linh ít nhiều bị phai nhạt khi được “sân khấu hóa”’.
Bên cạnh đó, trang phục trình diễn của các thanh đồng, cung văn ngày nay đã và đang bị “hiện đại hóa” ít nhiều. Không ít những bộ trang phục, hoa văn trang trí mới đã được thiết kế mới, đưa vào hoạt động diễn xướng khiến cho người xem không nhận ra chủ nhân của các bộ lễ phục đó là vị thần nào trong văn hóa dân tộc của người Việt. Âm nhạc đóng vai trò quan trọng giúp các thanh đồng “thăng thiên”, “nhập đồng” nhưng gần đây đội ngũ cung văn xuất hiện không ít người mới học nghề dăm ba tháng gia nhập các ban cung văn ở các đền phủ, dẫn đến tình trạng biến dạng nhiều lời hát, vần điệu trong Hát văn... Nhiều ban cung văn cũng đã thử nghiệm đưa âm nhạc điện tử, sử dụng nhạc cụ điện tử như đàn Organ điện tử... vào diễn xướng Hát văn cũng là một hướng đi mới cần sự thẩm định, góp ý của các chuyên gia, nhà chuyên môn âm nhạc...
Định hướng bảo tồn và phát huy Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã trải qua nhiều thăng trầm, thử thách trong lịch sử và hiện nay di sản này vẫn luôn đối mặt với nguy cơ bị mai một, biến dạng trong xã hội đương đại. Hơn một lần, các nhà nghiên cứu văn hóa đã lên tiếng về nguy cơ biến tướng của di sản. TS Trần Hữu Sơn, Hội Văn nghệ dân gian VN bộc bạch: “Trong hơn 10 năm đi điền dã, xem thực hành nghi lễ di sản này thì chỉ một lần tôi được chứng kiến “lên đồng” thật”. Tên gọi của di sản cũng đã chính thức được xác định rõ qua nhiều buổi tọa đàm, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế... nhưng đây đó vẫn có người gọi nhầm tên của di sản là “hầu đồng” hay “đạo Mẫu”...
Thực tế, tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức tại Nam Định ngày 2.4.2017, Bộ VHTTDL đã công bố Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2017 - 2022 với 5 nội dung cơ bản. Đây là kim chỉ nam trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và cũng là việc làm tất yếu nhằm thực hiện cam kết của Quốc gia với UNESCO. Để chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đi vào thực tiễn đời sống, trước hết cần sự chủ động, tích cực triển khai của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan ở các địa phương có di sản này.
GS.TS Nguyễn Chí Bền, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia VN khẳng định: “Tôi không lo chuyện Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt bị biến tướng vì cuộc sống sẽ tự đào thải, sàng lọc đi những điều không còn phù hợp”. Thực tế, trong các kỳ Liên hoan diễn xướng Hát Văn được tổ chức ở các địa phương những năm gần đây, nhiều chi tiết khá tế nhị khi đem ra trình diễn trước công chúng như việc các thanh đồng vẫn thường hút thuốc, uống rượu và tung tiền phát lộc... đã được các nhóm thanh đồng, cung văn hạn chế, thậm chí bỏ hẳn.Tại các kỳ Liên hoan diễn xướng Hát Văn do Sở VHTT Hà Nội tổ chức những năm gần đây BTC Liên hoan cũng luôn khuyến cáo các nhóm thanh đồng, cung văn khi tham gia LH không nên tung tiền phát lộc và phán này phán nọ, gây phản cảm... Đó thực sự là những hoạt động cụ thể tích cực để triển khai, phát huy tích cực các nội dung trong Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” (giai đoạn 2017 - 2022) 1. Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống tốt đẹp gắn với di sản; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, tinh thần hòa hợp dân tộc và trân trọng vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng. 2. Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong cộng đồng; khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài bản cổ cho thế hệ trẻ; tăng cường các hình thức giáo dục phù hợp trong và ngoài trường học. 3. Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; có chính sách, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. 4. Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản và có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội. 5. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước, gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững. |
Phúc Nghệ