Chuyên nghiệp từ việc nhỏ
“Tôi làm việc ở Việt Nam một thời gian và có khá nhiều bạn bè là người Việt. Nhiều người hỏi tôi rằng ngoài mua sắm và những điểm đến đã quen thuộc, du lịch Hàn Quốc còn có gì khác nữa không? Ý tưởng mời các nhà báo, người nổi tiếng, doanh nghiệp của Việt Nam sang để giới thiệu về khu vực phía Tây Nam tỉnh Jeollabuk-do (gồm thành phố Jeongeup, quận Gochang và huyện Buan) xuất phát từ mong muốn giới thiệu nhiều hơn về đất nước chúng tôi tới du khách Việt Nam, cũng là để tăng cường tình đoàn kết giữa hai nước. May mắn là khi chúng tôi đề xuất ý tưởng này đã được các cơ quan hữu quan nhiệt tình ủng hộ”, bà Lee Yu Jung, Giám đốc điều hành Công ty TNHH GAIC Korea cho biết.
Trải nghiệm làm gốm sứ xanh tại Buan.
Tuy là vùng chưa phát triển so với các điểm du lịch khác của Hàn Quốc nhưng có thể thấy ý thức về làm du lịch của các điểm đến tại phía đông nam Jeollabuk-do khá tốt. Đầu tiên là sự sạch sẽ từ các con đường tới các điểm đến, thậm chí nhà vệ sinh công cộng cũng không để lại mùi gây khó chịu.
Ngoài ra, cách làm du lịch của bạn là hướng tới sự chuyên nghiệp. Tháng 10, thành phố Jeongeup có lễ hội hoa cúc. Không phải một vườn hoa mà cả rừng hoa, theo đúng nghĩa đen. Hoa dọc đường đi, trên khắp sườn đồi, bên các hiên nhà... Hoa khiến cả một vùng như trải bằng tuyết trắng, mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng của các loài cúc càng khiến du khách thư thái. Hoa được trồng nhiều như vậy nhưng bạn đều có sự tính toán đường đi vào, chỗ đứng... để du khách chụp được những bức ảnh đẹp mắt nhất. Với điểm đến trong nhà, trải nghiệm làm gốm tại huyện Buan của chúng tôi bắt đầu sau một vòng tham quan bảo tàng gốm sứ xanh Buan cũng rất đáng nhớ. Điều làm cả đoàn háo hức tạo bằng được cho mình những tác phẩm ưng ý nhất là chia sẻ của nhà báo Phạm Đình Hiệp (Báo Hà Nội mới) rằng đã từng làm gốm ở đây và từng bất ngờ khi bạn chuyển về tận cơ quan chiếc cốc anh tự làm. Trải nghiệm này khác hoàn toàn khi anh đến những điểm làm gốm sứ khác ở Việt Nam vì anh chỉ được nhận về những sản phẩm chưa hoàn thiện hoặc làm xong rồi bỏ đi.
Tại Buan, chị Park Jong Seon, người diễn giải thông tin du lịch huyện không bỏ phí một phút nào để tranh thủ giới thiệu về địa phương mình. Trên xe ô tô, chị đem theo những bức ảnh đẹp của Buan và hướng dẫn chúng tôi những góc chụp để có thể có được những bức hình đẹp nhất tới điểm đến sắp tới. “Những trải nghiệm văn hóa, thắng cảnh ở Buan như sinh hoạt tại chùa, đi cano siêu tốc, làm gốm sứ... của chúng tôi được nhiều du khách rất thích”, chị Park Jong Seon giới thiệu. “Khoe” là vậy nhưng bạn cũng rất cầu thị. Tiếp đoàn chúng tôi, ông Shim Deok-seop, Thống đốc quận Gochang bày tỏ muốn học tập theo cách làm du lịch của Việt Nam đối với Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động (Ninh Bình). Các bạn cũng mở một tọa đàm bên cạnh nhiều cuộc nói chuyện khác để tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp, những travel blogger (người nổi tiếng chuyên chia sẻ trải nghiệm du lịch trên mạng xã hội), các nhà báo Việt Nam để làm sao thu hút du khách Việt tới Hàn Quốc.
Du lịch hướng tới người dân và văn hóa
Dưới cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp bên biển Byeonsan, vừa thưởng thức thịt nướng cùng rượu phúc bồn tử đặc trưng của địa phương, chúng tôi cùng ông Kwon Ik-hyeon, Thống đốc huyện Buan trao đổi về nét đặc trưng văn hóa của hai nước. “Mong muốn của người dân và chính quyền Buan là làm du lịch trên cơ sở những nét văn hóa và cảnh sắc tự nhiên sẵn có để nâng cao đời sống người dân và hình ảnh của Buan nói riêng, tỉnh tự trị Jeollabuk-do nói chung đến nhiều du khách”, ông Kwon Ik-hyeon nói.
Quan điểm tôn trọng cuộc sống và những nét văn hóa truyền thống này của Buan cũng được thể hiện khá rõ nét tại Gochang, Jeongeup. Ông Shim Deok-seop, Thống đốc quận Gochang cho biết: “Gochang mong muốn xây dựng chính quyền cộng sinh nơi chính quyền và nhân dân cùng nhau xây dựng để trở thành một cộng động sôi động nơi mọi người đều có thể phát triển. Vì thế, chính quyền địa phương mong muốn phát triển du lịch để giữ chân người trẻ ở địa phương ở lại sinh sống, làm việc và xây dựng quê hương”. Còn tại Jeongeup, khi đến thăm Học viện Nho giáo Museongseowon, Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận năm 2019, điều khiến tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên là những ngôi nhà người dân sinh sống trong học viện. Người dân tại đây vẫn dành những thửa đất trước nhà để trồng cấy, làm nông. Ngôi nhà như một bức tranh xưa sống động, đầy sinh khí. Theo ông Kim Jung Sik, quản lý và hướng dẫn khu di sản này: “Ở đây vẫn có 50 hộ gia đình sinh sống, phát triển thuận theo tự nhiên. Những người dân sinh sống bằng nghề nông và họ tự hào vì được gắn bó với di sản, được ở bên để trở thành một phần của di sản”.
Bài và ảnh: Minh Nhã