Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 12 công trình thủy điện được phép xây dựng trên địa bàn huyện Sa Pa. Trong hồ sơ của các dự án có đầy đủ đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, môi trường, thế nhưng tác động của việc xây dựng rất nhiều thủy điện như vậy có ảnh hưởng như thế nào đến khu du lịch trọng điểm Sa Pa cả trước mắt và lâu dài thì hình như lại chưa được đánh giá cho thật thấu đáo và cụ thể. Nguy cơ nhiều điểm du lịch bị "biến mất" là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí còn hiện hữu những nguy cơ khác nếu không sớm có những biện pháp xử lý kịp thời...
Ruộng mất, khách không đến...
Xã Bản Hồ (huyện Sa Pa) là một điểm dừng chân không thể thiếu của khách du lịch khi đến với Sa Pa. Những điểm du lịch nổi tiếng như thác La Ve còn được mệnh danh là “bãi tắm tây”, thác cá nhảy hay suối nước nóng... đã thu hút được một lượng lớn du khách về đây. Qua đó, đời sống của người dân địa phương cũng vì thế mà tăng lên.
Trên quãng đường dài gần 30 km từ thị trấn Sa Pa đến với khu du lịch sinh thái Bản Hồ chạy men theo những triền núi cao cả nghìn mét, lúc lên, lúc xuống. Du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng cho nơi đây.
Nhưng mọi cảm giác về vẻ đẹp nơi đây tan biến hẳn mà thay vào đó là sự khó chịu khi chúng tôi đến Bản Hồ. Xen lẫn trong làn sương mờ vốn có của những vùng núi cao là bụi từ công trường đang thi công của thủy điện Sử Pán II khiến cho người ta có cảm giác khó thở.
Những khoảng đất trống trắng xóa kéo vạt từ đỉnh đồi về bản, sườn đồi bị đào xới tạo nên gam màu loang lổ rất phản cảm. Mỗi lần xe cộ của công trình đi qua, bụi tung mù mịt. Chưa kể thỉnh thoảng tiếng mìn nổ phá đá cũng khiến cho cuộc sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là du khách nước ngoài tham quan các thôn xóm bình yên phải sửng sốt.
Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và trực tiếp nhất là con suối La Ve tuyệt đẹp giữa khe núi, bãi tắm hoang sơ của rất nhiều du khách, nay đã biến thành con suối cạn đục ngầu, ngổn ngang cát sỏi, vắng người qua lại. Những mảnh ruộng canh tác phì nhiêu của nhân dân ven suối Mường Hoa thì trở thành nơi tập kết vật liệu, khiến bà con đặc biệt lo lắng về miếng cơm manh áo cho gia đình.
Con suối Mường Hoa chảy qua thôn Bản Dền trước đây rộng cả vài chục mét nay chỉ còn dòng chảy chưa đầy 2 mét, thay vào đó là đất đá do các đơn vị thi công đổ ra. Một diện tích ruộng đáng kể đang canh tác tại bờ suối Mường Hoa cũng bị đất đá vùi lấp. “Hằng ngày, tiếng máy móc, xe tải, bom mìn phá núi khiến dân bản thỉnh thoảng giật mình thon thót, còn du khách thì ai cũng ngán ngẩm, đến rồi đi ngay chứ không ở lại như trước”, anh Đào A Thàng, người dân thôn Bản Dền nói.
Đất đá từ các công trình thủy điện còn đổ xuống suối làm thay đổi dòng chảy khiến hai bờ sạt lở nghiêm trọng. Trước Trạm Y tế xã Bản Hồ, ven suối Mường Hoa, anh Thủy, nhân viên y tế của trạm cho biết, từ trạm nhìn ra là một dải ruộng của người dân bản, có cả hộ dân ở và chuồng gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, đất đá từ đầu nguồn đã lấp mất ruộng của người dân. Quả thật, nhìn những khối đất đá ở hai bên bờ suối, không ai còn nhận ra cách đây chỉ 1 năm, nơi này còn là ruộng lúa!
Trung tâm thông tin du lịch xã Bản Hồ nằm ngay phía đầu đường vào xã đã đóng cửa nhiều ngày nay. Nhiều người dân Bản Hồ trước đây “làm du lịch” nay cũng bỏ vì chẳng còn ai đến nữa. Ông Lý Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Bản Hồ cho chúng tôi biết, ở đây một năm chỉ làm được một vụ lúa, những ngày khác người dân làm du lịch để kiếm sống.
Thiếu cái ăn thì ra thác vớt con cá về ăn, nhưng bây giờ chẳng còn gì cả, họ lấy ruộng làm thủy điện, đền bù cho dân tiền nhưng tiêu hết thì lấy gì để sống. Ruộng mất, khách không đến, suối khô không có cá. Ông Tả cho biết thêm: “điều đáng sợ nhất là lũ quét. Bây giờ mà có lũ là cả trăm nghìn mét khối đất đá sẽ đổ ụp xuống bản ngay, chạy không kịp đâu”.
Đã đề nghị, nhưng...
Từ khi xây dựng các nhà máy thủy điện (tháng 10 năm 2004), cung đường du lịch Bản Hồ - Sa Pa nay đã giảm 90% số khách. Số đoàn lữ hành về đây thưa dần, tour mất khách, ngành du lịch địa phương "méo mặt". Hậu quả trước mắt với người dân địa phương là du khách quay lưng với Bản Hồ.
Chị Hà Thị Mỷ, người bán thổ cẩm đã nhiều năm nay ở xã Bản Hồ cho biết, từ khi có thủy điện, khách hàng giảm nhiều. “Khách du lịch bảo rừng bị phá hết, chẳng còn gì mà đến nữa cả. Ngày trước khách đông, có ngày bán được mấy trăm ngàn đồng. Còn nay chẳng ai đến mà bán!”.
Nguồn thu chủ yếu của người dân xã Bản Hồ là từ du lịch cộng đồng. Có 50 - 60 hộ làm dịch vụ stay home (cho khách lưu trú tại nhà). Mỗi khách nghỉ lại, người dân thu 30.000 - 50.000 đồng/ngày. Mỗi đoàn thường có vài chục du khách. Vào mùa du lịch, mỗi ngày có cả chục đoàn về đây. Các dịch vụ của người dân nhờ đó mà “sống” được. Bây giờ, việc làm ăn trở nên khó khăn, bấp bênh.
Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết, quyết định xây dựng hệ thống thủy điện ở Sa Pa đã được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt, bởi Sa Pa có tiềm năng nguồn nước, thuận lợi cho phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Trước khi triển khai dự án, các cơ quan liên quan đã tiến hành các biện pháp đưa ra các phương án, đánh giá về môi trường.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, các đơn vị thi công lại không chấp hành theo những cam kết ban đầu về bảo vệ môi trường, chưa thực hiện đúng theo quy trình, nhất là việc khắc phục sau xây dựng.
Đã nhiều lần, lãnh đạo huyện Sa Pa làm việc với các đơn vị liên quan đề nghị sớm khắc phục tình trạng trên, yêu cầu làm đúng thiết kế, đề án bảo vệ môi trường... để giữ vững phát triển du lịch cộng đồng như trước đây.
Nhưng cho đến nay mọi việc vẫn “đâu vào đấy”. Các đơn vị thi công vẫn “coi thường” các quyết định của UBND huyện cũng như các cơ quan có thẩm quyền. Mùa mưa lũ đã đến gần. Nếu như không có biện pháp khắc phục sớm, không vận chuyển hàng trăm nghìn mét khối đất đá phía đầu nguồn khỏi nơi nguy hiểm cho người dân thì nguy cơ lũ quét cuốn theo khối lượng đất đá khổng lồ đó đổ xuống Bản Hồ là hoàn toàn có khả năng.
Tạ Đình Dũng