Ẩn mình dưới chân núi hùng vĩ, bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên là nơi lưu giữ nghề thủ công lâu đời và đậm chất văn hóa của dân tộc Lào: dệt thổ cẩm. Từng đường chỉ, sợi vải thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ, ẩn chứa câu chuyện về đời sống, văn hóa và bản sắc truyền thống dân tộc... Tuy nhiên, giữa dòng chảy của đời sống hiện đại, dệt thổ cẩm ở Pa Xa Lào đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong việc gìn giữ nghề thủ công truyền thống.
Chị Lò Thị Vân đang điều hành Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Pa Xa Lào. Với đôi bàn tay chai sần và ánh mắt ánh lên niềm tự hào, chị đã dành cả cuộc đời gắn bó với khung cửi và những tấm vải thổ cẩm. Nhưng chính chị cũng phải thừa nhận rằng, giữ nghề đã khó, phát triển nghề lại càng khó hơn.
Trong ký ức của chị Vân, tiếng cửi kẽo kẹt đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày từ khi chị còn nhỏ. Những phụ nữ trong bản luôn tận dụng thời gian rảnh rỗi để dệt vải. Từng sợi chỉ, mũi kim như kết tinh của sự nhẫn nại và tình yêu gia đình, tình yêu với nghề truyền thống.
“Từ nhỏ, tôi đã quen với tiếng cửi kẽo kẹt và những sợi chỉ mẹ xe bằng tay. Ngày ấy, trong bản, cô gái nào cũng biết dệt. Tấm thổ cẩm không chỉ là vật dụng hàng ngày mà còn là lời yêu thương mẹ gửi gắm qua từng mũi chỉ" - chị Vân nhớ lại.
Theo chị Lò Thị Vân, những tấm thổ cẩm của Pa Xa Lào mang vẻ đẹp độc đáo bởi các hoa văn không chỉ được sáng tạo một cách ngẫu nhiên, mà còn gắn liền với ký ức, thiên nhiên và văn hóa dân tộc. Từng họa tiết trên vải kể những câu chuyện về dòng sông, ngọn núi, và cả mong ước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mỗi hình ảnh là một câu chuyện. Nhìn vào họa tiết trên tấm vải thổ cẩm, người ta có thể hiểu được tâm hồn của người Lào.

Mỗi họa tiết trên từng sản phẩm dệt thổ cẩm đều mang một ý nghĩa khác nhau
Mặc dù giàu giá trị văn hóa và ý nghĩa tinh thần, nghề dệt thổ cẩm ở Pa Xa Lào đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Khó khăn lớn nhất chính là sự thiếu hụt thế hệ kế cận. Lớp trẻ ngày nay rời bản làng để học tập và làm việc ở thành phố, do đó họ dần mất đi sự kết nối với nghề truyền thống.
“Các cháu bây giờ đi học xa, rồi làm việc ở thành phố. Không ai muốn ngồi ngày này qua ngày khác chỉ để dệt một tấm vải. Trước đây, các bà, các mẹ truyền dạy nghề cho con gái. Nhưng giờ, lớp trẻ không còn mặn mà với khung cửi nữa" - chị Vân thở dài.
Không chỉ thiếu người kế nghiệp, đầu ra cho sản phẩm cũng là một bài toán nan giải. Dù sản phẩm của Hợp tác xã đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, nhưng thị trường tiêu thụ vẫn rất hạn chế. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng thị trường đang là một trở ngại lớn khi người tiêu dùng tìm đến những sản phẩm tiện dụng, hiện đại nhiều hơn. Trong khi đó, nhiều nghệ nhân chưa quen với việc sử dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm, dẫn đến việc tiêu thụ chủ yếu dựa vào các hội chợ hay khách du lịch nhỏ lẻ. Điều này khiến nghề dệt thiếu sự ổn định và khó mở rộng quy mô. “Chúng tôi chỉ biết bán ở hội chợ hoặc nhờ khách du lịch đặt mua. Còn việc đưa sản phẩm lên mạng thì khó lắm, vì chúng tôi không rành” - chị Vân chia sẻ.
Sự cạnh tranh từ các sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt khiến giá trị của thổ cẩm thủ công bị lu mờ. Những tấm vải công nghiệp với giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng dần chiếm lĩnh thị trường, đẩy thổ cẩm Pa Xa Lào vào tình thế khó khăn.

Hiện tại HTX Dệt thổ cẩm Pa Xa Lào đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Dẫu vậy, khó khăn không làm nản lòng những phụ nữ bản Pa Xa Lào. Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Pa Xa Lào ra đời với mong muốn tập hợp các nghệ nhân, cùng nhau giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. Trong một lần tham gia hội chợ, chị Lò Thị Vân đã học cách chụp ảnh sản phẩm và đăng bán trên mạng xã hội. Ban đầu, mọi thứ đều khó khăn với người phụ nữ chưa từng tiếp xúc với công nghệ. Nhưng với sự kiên trì, chị dần quen với việc sử dụng điện thoại và mạng xã hội. Chị Vân phấn khởi cho biết: “Đưa sản phẩm lên mạng xã hội đã giúp nhiều người biết đến sản phẩm dệt thổ cẩm của chúng tôi hơn".
Hỗ trợ gìn giữ nghề truyền thống, chính quyền địa phương đã có những động thái tích cực. Các lớp đào tạo nghề được mở ra, tập huấn, truyền dạy và thực hiện chương trình quảng bá sản phẩm thổ cẩm giúp các nghệ nhân có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Thành viên Hợp tác xã được tham gia các hội chợ lớn, hỗ trợ trang thiết bị. Dù chưa đủ để giải quyết mọi vấn đề, nhưng ít nhất đó là một bước tiến.
Một thay đổi tích cực khác là sự quan tâm của khách du lịch và các nhà nghiên cứu văn hóa. Nhiều người không chỉ mua sản phẩm mà còn muốn tìm hiểu về quá trình làm ra thổ cẩm, về ý nghĩa của hoa văn, họa tiết trên tấm vải. Điều này giúp nghệ nhân có thêm động lực tiếp tục giữ nghề. Quan trọng hơn hết, chị Vân hy vọng các bạn trẻ sẽ quay lại học nghề và giúp hợp tác xã phát triển. “Giữ nghề không chỉ là giữ công ăn việc làm, mà còn là giữ hồn của bản làng, của tổ tiên. Nếu các cháu hiểu được giá trị của nghề, hiểu rằng đây không chỉ là công việc mà còn là bản sắc của dân tộc, thì nghề này sẽ không bao giờ mất. Nếu mất nghề, chúng tôi mất cả một phần bản sắc” - chị Vân khẳng định.

Đa số chỉ có phụ nữ lớn tuổi vẫn đang giữ lửa, duy trì nghề dệt truyền thống
Tại Pa Xa Lào, những phụ nữ như chị Vân chính là những người giữ lửa thầm lặng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Họ không chỉ dệt nên những tấm thổ cẩm rực rỡ, mà còn dệt nên niềm tự hào và tình yêu quê hương. Mỗi khi ngắm nhìn những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu, người ta không chỉ cảm nhận được sự khéo léo và tài hoa của người dệt mà còn thấy cả câu chuyện của một bản làng kiên cường giữa thời đại thay đổi.
“Chúng tôi làm nghề không chỉ vì thu nhập, mà còn vì trách nhiệm với thế hệ mai sau. Tôi tin rằng, dù có khó khăn đến đâu, chúng tôi vẫn sẽ giữ được ngọn lửa nghề” - chị Vân nói, ánh mắt đầy quyết tâm.
Thu Thảo
Báo Điện Biên Phủ - baodienbienphu.com.vn - Đăng ngày 17/02/2025