(TITC) - Những vật dụng tưởng chừng đơn giản như ống hút, túi nylon, hộp nhựa đựng thức ăn,… đang âm thầm góp phần làm gia tăng tình trạng ô nhiễm đại dương, ngôi nhà của vô số loài sinh vật biển và cũng là nguồn sống của hàng triệu người dân ven biển.
Mỗi năm, một lượng lớn rác nhựa từ đất liền trôi ra biển, len lỏi trong các rạn san hô, mắc vào ngư cụ hoặc bị các sinh vật biển nuốt phải. Theo một số nghiên cứu, vi nhựa đã được phát hiện trong hệ tiêu hóa của nhiều loài cá và động vật thân mềm ở một số vùng biển. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực xử lý và các mô hình quản lý được triển khai, nhưng rác thải nhựa vẫn là một vấn đề môi trường cần được quan tâm đúng mức.

Đồ nhựa dùng một lần gây ra nhiều ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Ảnh minh họa
Số liệu từ Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) cho biết, mỗi năm toàn cầu sản xuất khoảng 430 triệu tấn nhựa, trong đó hơn 2/3 là sản phẩm sử dụng một lần. Riêng tại Việt Nam, khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa phát sinh hàng năm, nhưng chỉ gần 27% được tái chế. Phần còn lại chủ yếu bị chôn lấp hoặc đốt, không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống.
Rác nhựa không chỉ là câu chuyện của biển cả, mà còn phản ánh thói quen sử dụng nhựa phổ biến trong đời sống hàng ngày, cùng với những hạn chế trong công tác quản lý và chính sách hỗ trợ.
Tác động của rác nhựa còn lan rộng đến nhiều ngành kinh tế, trong đó có du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn tại nhiều địa phương ven biển. Vào mùa du lịch cao điểm, lượng rác sinh hoạt trong đó có rác nhựa tăng mạnh, nhưng việc phân loại từ đầu nguồn vẫn chưa được thực hiện hiệu quả. Một số bãi biển còn xuất hiện rác thải, nước biển kém trong khiến trải nghiệm của du khách bị ảnh hưởng. Tại một số nơi, ngư dân đang gặp khó khăn khi sản lượng thủy hải sản giảm sút, một phần do hệ sinh thái biển bị mất cân bằng bởi rác thải nhựa.
Điều đáng nói là du lịch dù bị ảnh hưởng bởi rác nhựa nhưng đồng thời cũng là một trong những nguồn phát sinh lớn. Thói quen sử dụng đồ nhựa tiện lợi, giá rẻ như túi nylon, chai nhựa, hộp xốp, ống hút… ngày càng phổ biến tại các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng ven biển. Các hoạt động ngoài trời như tiệc tùng, picnic hay chợ đêm góp phần làm tăng lượng rác thải, trong khi việc thu gom, phân loại và tái chế vẫn còn nhiều hạn chế.
Cơ sở hạ tầng xử lý và tái chế rác tại các địa phương du lịch vẫn chưa đồng bộ. Việc phân loại rác tại nguồn chưa được triển khai rộng rãi, dẫn đến tình trạng rác nhựa bị chôn lấp, đốt hoặc xả thẳng ra môi trường nơi dễ dàng tiếp cận nhất là sông, suối và bờ biển.
Trong những năm qua, nhiều mô hình đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức và cải thiện tình trạng rác thải nhựa, như chương trình “Ngư dân mang rác vào bờ” ở Quảng Bình hay sáng kiến “Xóa điểm nóng, ngăn tái nhiễm” tại Phú Yên. Những mô hình này đã mang lại kết quả tích cực bước đầu, tuy nhiên để đạt được hiệu quả lâu dài vẫn cần có sự hỗ trợ liên tục và mở rộng quy mô.
Vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở thói quen tiêu dùng đã hình thành từ lâu trong cộng đồng. Việc chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, kết hợp cùng các chính sách pháp lý rõ ràng, hỗ trợ tài chính phù hợp và sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp sẽ là hướng đi cần thiết để tạo nên sự thay đổi bền vững.
Sự chung tay của tất cả các bên là điều quan trọng. Nhà nước cần có chính sách cụ thể để khuyến khích hoặc từng bước thay thế đồ nhựa dùng một lần bằng vật liệu sinh thái. Doanh nghiệp cần có giải pháp để giảm thiểu rác thải, hướng tới mô hình phát triển xanh - sạch - bền vững. Đồng thời, cộng đồng và du khách cũng có thể góp phần thay đổi bằng những hành động nhỏ, như nói không với ống hút nhựa hay túi nylon, những vật dụng chỉ tồn tại ngắn ngủi nhưng để lại tác động dài lâu lên môi trường.
Trung tâm Thông tin du lịch