(TITC) - Ngày 2/11/2015, tại Hà Nội, đại diện 35 doanh nghiệp vận tải và hậu cầu lớn tại Việt Nam đã tham gia Hội thảo “Quản trị rủi ro trong doanh nghiệp ngành dịch vụ vận tải và hậu cần” nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong việc chống lại các hành vi buôn bán và vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã.
Đây là hoạt động do Mạng lưới Giám sát buôn bán Động thực vật hoang dã (TRAFFIC), Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) phối hợp tổ chức với thông điệp “Các doanh nghiệp vận tải cần nâng cao trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã”. Hội thảo do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ.
Theo ước tính của TRAFFIC, tổng giá trị buôn bán các loại động vật hoang dã trái phép trên thế giới mỗi năm lên đến khoảng 20 tỷ USD. Đây là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại và phát triển của các loài động thực vật hoang dã quý hiếm. Trong đó vai trò tiếp tay cho các hoạt động buôn bán trái phép của mạng lưới vận tải là không nhỏ.
Tại Việt Nam, luật pháp đã quy định, không cho phép các tổ chức và cá nhân kinh doanh vận tải chuyên chở động thực vật hoang dã, hàng cấm, hàng lậu, hàng dễ cháy nổ, chất gây nghiện trái phép... Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại nhiều vi phạm. Việc tham gia vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã không chỉ vi phạm luật quốc tế và nội địa về bảo tồn thiên nhiên, tác động xấu đến sinh thái, môi trường, sức khỏe và đời sống cộng đồng…, mà còn tạo ra rủi ro pháp lý gây thiệt hại về uy tín và lợi ích của doanh nghiệp, đội ngũ lái xe thì bị vướng vào vòng lao lý.
Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã ngăn chặn và triệt phá nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép sừng tê giác, ngà voi, vảy tê…, trong đó có những vụ lên đến hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải còn yếu kém hoặc chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, do lợi nhuận quá lớn từ việc vận chuyển các loại hàng cấm nên đội ngũ lái xe đã bất chấp các quy định của pháp luật để thực hiện.
Theo Bà Madelon Willemsen, Trưởng Đại diện của tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam: "Dưới sức ép từ cộng đồng trong nước và quốc tế về việc chấm dứt các hành vi buôn bán động thực vật hoang dã trái phép, người tiêu dùng Việt Nam không ngừng mong đợi các doanh nghiệp vận tải và hậu cần hoạt động có trách nhiệm hơn, thể hiện rõ vai trò chủ thể trong việc chống lại các hoạt động buôn bán động thực vật hoang dã trái phép. Về phía mình, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chủ động áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả nhằm bảo vệ các loài nguy cấp, qua đó nâng cao uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp mình đối với người tiêu dùng và duy trì một đạo đức kinh doanh tốt”.
Theo Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc tổ chức WWF Việt Nam: "Tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã luôn tìm mọi cách để che giấu việc vận chuyển các sản phẩm trái phép này trong đường dây vận chuyển từ đối tượng người bán, người trung gian cho đến người mua thông qua việc lợi dụng các doanh nghiệp vận tải và hậu cần để vận chuyển trái phép. Các doanh nghiệp vận tải và hậu cần sẽ bảo vệ được uy tín, hình ảnh của mình cũng như góp phần bảo vệ các loài động thực vật nguy cấp khi nhận thức được đầy đủ những rủi ro để giảm thiểu việc tham gia vào bất kỳ hoạt động buôn bán và vận chuyển động thực vật hoang dã trái phép nào một cách vô tình hay cố ý".
Để làm được điều đó, theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thì doanh nghiệp vận tải cần phải nâng cao hiệu quả công tác quản trị rủi ro, nắm vững những quy định của pháp luật trong nước và quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, pháp luật trong kinh doanh vận tải…. Trên cơ sở đó tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho lái xe chấp hành nghiêm túc pháp luật và chủ trương của công ty là “nói không” với những hành vi tiếp tay cho buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã và các loại hàng cấm khác.
Thế Phi