Cầu Rạch Miễu thông xe đầu năm 2009 đã mở ra cơ hội mới cho phát triển ngành du lịch của tỉnh Bến Tre vốn chứa nhiều tiềm năng. Đầu tháng 7/2009, UBND tỉnh đã phối hợp với báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hội thảo “Du lịch Bến Tre – Cơ hội đầu tư và phát triển”.
Tham dự hội thảo lần này có UBND tỉnh, sở VHTT & DL Bến Tre và hơn 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch để thảo luận hướng phát triển du lịch Bến Tre.
Theo báo cáo của Sở VHTT & DL, vốn đầu tư trong lĩnh vực du lịch ở Bến Tre những năm gần đây liên tục tăng cao. Nếu như giai đoạn từ năm 1996 – 2000, tổng mức đầu tư cho du lịch khoảng 17,5 tỷ đồng (chủ yếu là vốn doanh nghiệp) thì giai đoạn 2001 – 2005 tổng mức đầu tư gần 164 tỷ đồng, tăng 9,3 lần so với 5 năm trước, trong đó vốn ngân sách chiếm gần 5,7 tỷ đồng, còn lại là vốn từ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Riêng 6 tháng đầu năm 2009, các tư nhân làm du lịch tiếp tục đầu tư trên 10 tỷ đồng để nâng cấp các điểm du lịch trong tỉnh. Tính đến nay, tỉnh Bến Tre có 40 điểm du lịch sinh thái; 35 cơ sở lưu trú du lịch (có 1 khách sạn 3 sao) với 658 phòng nghỉ, 1.118 giường; 39 cơ sở dịch vụ ăn uống với 9.500 ghế. Lượng khách du lịch đến Bến Tre vui chơi giải trí hàng năm đều tăng. Nếu như năm 1995 chỉ có 91.000 lượt khách thì năm 2008 đạt gần 415.000 lượt khách (khách nội địa trên 240.000 người, khách quốc tế gần 174.000 người). Đặc biệt, sau khi cầu Rạch Miễu thông xe, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng mạnh mẽ. Ông Trần Duy Phương, phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bến Tre cho biết: “6 tháng đầu năm đón trên 243.000 lượt khách đến tham quan, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2008, trong số này khách quốc tế là 101.000 lượt, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Qua đó, doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm đạt 105 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2008”. Thu nhập từ du lịch của tỉnh Bến Tre hàng năm cũng tăng vượt bậc, nếu năm 1995 doanh thu toàn ngành du lịch của tỉnh chỉ đạt 11 tỷ thì năm 2005 tăng lên 83 tỷ đồng, năm 2008 đạt mức 158 tỷ đồng. Ước tính thu nhập của xã hội từ du lịch trong năm 2008 đạt 285 tỷ đồng. Nhằm tạo điều kiện khai thác tốt tiềm năng trong lĩnh vực du lịch của tỉnh (tập trung vào du lịch sinh thái, du lịch văn hoá lịch sử và du lịch vui chơi giải trí), tỉnh Bến Tre đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2015 và tầm nhìn 2020 với tổng nhu cầu đầu tư đến năm 2015 là 1.086 tỷ đồng, đến năm 2020 là 2.492 tỷ đồng. Thực hiện quy hoạch này, Bến Tre đẩy mạnh xã hội hoá phát triển du lịch, tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành du lịch; không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn để thu hút khách nhất là khách quốc tế; xây dựng các tuyến, điểm du lịch đặc thù của tỉnh, phấn đấu tăng thu nhập từ du lịch bình quân 20%/năm. Chỉ tiêu khách du lịch đến Bến Tre năm 2015 đạt 780.000 lượt và năm 2020 đạt 1.160.000 lượt. Qua đó, tổng thu nhập từ du lịch của tỉnh đạt 647 tỷ đồng năm 2015 và 1.823 tỷ đồng năm 2020. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành du lịch Bến Tre cần phải xây dựng các sản phẩm du lịch của địa phương thâm nhập vào các thị trường khách du lịch cả quốc tế và nội địa bằng cách khai thác tối đa các sắc thái riêng của Bến Tre. Các sản phẩm gắn với hoạt động du lịch tham quan nghiên cứu, du lịch sinh thái, du lịch làng quê, du lịch văn hoá lễ hội, du lịch cuối tuần kết hợp vui chơi giải trí; xây dựng sắc thái riêng của Bến Tre như hình ảnh cây dừa, quê hương Đồng Khởi. Quan điểm phát triển du lịch của Bến Tre là tranh thủ tối đa các nguồn lực từ trung ương, nhất là nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Phát triển du lịch Bến Tre đặt trong mối quan hệ với các tỉnh, thành ĐBSCL, đặc biệt là mối quan hệ với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, nhằm tạo thị trường khách bền vững. Hiện nay đa số các điểm du lịch ở Bến Tre vẫn còn ở quy mô nhỏ, rời rạc, chưa có sự liên kết; kết cấu hạ tầng ở tỉnh chưa đồng bộ; sản phẩm du lịch chưa đa dạng phong phú… làm hạn chế phát triển du lịch của địa phương. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tham dự buổi hội thảo đã nêu lên những ý kiến thực tế, để Bến Tre có hướng đầu tư, phát triển phù hợp. Ông Triệu Công Tinh Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Viet Travel cho rằng: “Tỉnh Bến Tre được nhiều nơi biết đến là xứ dừa vì vậy cần phải có sản phẩm thật đặc sắc từ dừa, để có nét riêng của mình. Mặt khác, ngành du lịch địa phương cần phải tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá cho nhiều nơi biết để thu hút du khách”. Còn anh Nguyễn Thanh Thủy, trưởng bộ phận tư vấn tour của Công ty du lịch Văn hoá Việt thì nói: “Lâu nay mọi người cho rằng du lịch sông nước ĐBSCL giống nhau gây nhàm chán cho khách, nhưng thật ra ở mỗi địa phương đều có cái đặc sắc riêng, nếu biết khai thác tốt sẽ thu hút nhiều du khách. Chẳng hạn như ở Bến Tre có huyện Chợ Lách được mệnh danh là vương quốc cây ăn trái, sở hữu kỷ lục Việt Nam về sản xuất cây giống, hoa kiểng nhưng tuyến đường giao thông đến đây khó khăn. Có lần công ty tổ chức tua cho khách về đến Chợ Lách, nhưng khi họ yêu cầu muốn vào tận vườn cây sầu riêng ngon nổi tiếng Chín Hoá để gặp gỡ ông chủ của giống sầu riêng này thì công ty không tổ chức được vì đường vào nhà anh Chín Hoá vừa xa, vừa nhỏ”. Nói về vấn đề nơi nghỉ dưỡng cho khách đến Bến Tre, Ông Sony Son, tổng giám đốc Anoasiss Resort gọi ý: “Mặc dù Bến Tre đang thu hút rất nhiều du khách, trong đó có lượng lớn khách ngoại quốc, nhưng chưa có phát triển mô hình resort. Nhiều công ty bày tỏ ý tiếc rẻ vì không thể bố trí cho khách nghỉ ngơi tại một resort ở Bến Tre mà phải xuống Cần Thơ hay phải ngược về TP. Hồ Chí Minh… Vì vậy, Bến Tre nên xây dựng resort theo phong cách đặc trưng của Nam bộ để du khách có thể nghỉ ngơi thu giãn sau một ngày tham quan du lịch”. Với quyết tâm đưa ngành du lịch tỉnh nhà phát triển mạnh trong thời gian tới, ông Nguyễn Thái Xây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định với các doanh nghiệp, nhà đầu tư rằng: “Tỉnh Bến Tre nhất quán và áp dụng ưu đãi ở mức tối đa trong các chính sách đã được Trung ương ban hành và trong thẩm quyền được phân cấp. Tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất, dành những ưu đãi thiết thực cho những dự án phát triển du lịch quy mô phù hợp, tạo mặt bằng có sẵn cho các dự án trong lĩnh vực xã hội hoá; áp dụng khung giá thuê đất, miễn giảm tiền thuê đất ở mức tốt nhất cho nhà đầu tư du lịch. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục đầu tư trên cơ sở một đầu mối, một cửa liên thông và hỗ trợ xuyên suốt cho nhà đầu tư từ khi có chủ trương đến triển khai thực hiện dự án”.