Khái niệm du lịch cộng đồng bền vững được nói đến nhiều thời gian gần đây chỉ các hoạt động du lịch vừa giảm thiểu chi phí vừa nâng cao tối đa các lợi ích cho môi trường tự nhiên và cộng đồng cả về kinh tế và xã hội, tôn trọng văn hóa địa phương...
Các loại hình “du lịch tự nhiên”, “du lịch mạo hiểm”, “du lịch sinh thái” xuất hiện gần đây ở VN đi theo con đường mới mẻ này.
“Du lịch hướng đến cộng đồng và gần gũi với thiên nhiên chính là hướng đi tất yếu của những sản phẩm du lịch chuyên sâu mà nước ta chưa khai thác nhiều” - trở về từ Thái Lan sau khi tham gia hội thảo du lịch sinh thái khối ASEAN, ông Vũ Ngọc Khiêm, giám đốc Indochina Travelland (Hà Nội), hào hứng chia sẻ.
Ngày càng có nhiều du khách muốn được trực tiếp khám phá thiên nhiên và cuộc sống ở những nơi đến, được giao lưu, hòa nhập với nền văn hóa và con người bản địa. Hướng đi ấy đang được nhiều công ty du lịch ở Hà Nội kiên trì theo đuổi dù hiện chỉ mới thu hút được du khách nước ngoài.
Trải nghiệm Du lịch... hành xác
Khi cuộc sống ngày càng gắn với những tiện nghi và con người ngày càng dành nhiều thời gian hơn trong bốn bức tường với máy điều hòa, ít vận động cũng là lúc những tour du lịch mạo hiểm với nhiều hoạt động đa dạng xuất hiện. Khá phổ biến là du lịch bằng xe đạp. Đây là loại hình du lịch rất phù hợp với địa hình và phong cảnh nước ta, và đã có tour đạp xe xuyên Việt (TP.HCM - Hà Nội), tour đạp xe dọc vùng cao Tây Bắc (từ Điện Biên Phủ đến Lào Cai).
Tham gia các tour xe đạp, du khách có dịp đi qua những cung đường đẹp nhất, thử sức mình ở những con đèo hoành tráng bậc nhất như đèo Prenn, đèo Hải Vân, đèo Trạm Tôn... Chuyên biệt hơn, có loại hình du lịch đi bộ (trekking) đến những bản làng xa xôi qua những con đường mòn, trèo đèo vượt núi... Ở những vùng biển đẹp như Hạ Long - Cát Bà, loại hình du lịch chèo thuyền kayak đang trở nên hết sức phổ biến, thu hút nhiều du khách tham gia.
Những loại hình du lịch như trên đòi hỏi người tham gia không chỉ có lòng say mê mà còn phải có sức khỏe nhất định. Phía công ty tổ chức phải chia ra các cấp độ: dễ - trung bình - khó để khách hàng tự lượng sức mình chọn tour phù hợp. Những loại hình du lịch này đều mang con người ra khỏi môi trường sống bình thường, buộc du khách phải vận động, thích nghi với hoàn cảnh mới và tự khám phá khả năng của chính mình.
Ngoài ra, những hình thức du lịch mạo hiểm khác cũng bắt đầu phát triển ở nước ta như du lịch leo núi đá (rock climbing) ở khu vực vịnh Hạ Long, du lịch lướt sóng (surfing) ở khu vực đảo Quan Lạn (Quảng Ninh)...
Các loại hình du lịch kể trên đều... hành xác du khách. Tuy nhiên sau những hoạt động mệt mỏi đến rã rời về thể chất, du khách có được những giây phút khám phá nhiều khả năng tiềm ẩn của bản thân, vượt qua những giới hạn của chính mình mà nếu ở môi trường sống bình thường họ sẽ không có cơ hội trải nghiệm.
Những loại hình du lịch “không giống ai”
4-5 triệu khách du lịch quốc tế đến VN trong vài năm gần đây là một con số rất khiêm tốn so với tiềm năng của nước ta và hoàn toàn lép vế so với các quốc gia làm du lịch giỏi trong khu vực. Một trong những nguyên nhân là sản phẩm du lịch của VN còn quá đơn điệu so với một số nước láng giềng. Du khách nước ngoài (cũng như trong nước) ngày càng đòi hỏi những sản phẩm du lịch chuyên biệt, độc đáo.
Để thoát khỏi lối mòn, một số công ty lữ hành đã tung ra thị trường những sản phẩm du lịch “không giống ai” nhằm đáp ứng một số nhu cầu rất riêng của những nhóm du khách khác nhau. Có thể kể là tour du lịch xem chim (bird watching) với du khách là những người đặc biệt yêu thích chim, trong đó có cả những nhà điểu học quốc tế.
Điểm đến yêu thích của họ là vườn quốc gia Cúc Phương, vườn quốc gia Tam Đảo, rừng ngập mặn Xuân Thủy; ở mỗi điểm đến họ nghiên cứu trước loài chim nào có nhiều khả năng sẽ xuất hiện, chuẩn bị sẵn các phương tiện ống nhòm, máy quay, máy ảnh cùng sổ tay ghi chép tỉ mỉ. Họ đi từ tờ mờ sáng, ngâm mình trong nước lạnh hàng giờ nhưng tràn đầy niềm vui và phấn khích khi tận mắt nhìn thấy một số loài chim đặc hữu trong vùng.
Lại có những công ty du lịch tạo một sản phẩm không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận mà nhằm khơi dậy ý thức cộng đồng. Như khi tham gia tour “Vớt rác tại vịnh Hạ Long” của Công ty Nối Vòng Tay, du khách không chỉ thưởng ngoạn cảnh đẹp ở một di sản thiên nhiên thế giới mà còn chèo thuyền kayak thu gom rác để làm sạch vịnh biển này.
Hoặc Công ty Tầm Nhìn Mới với sản phẩm du lịch dành cho các công ty, tạm gọi là tour “xây dựng đội ngũ” (team building) khá độc đáo, đặc biệt là trò chơi xáo trộn nhân sự: giám đốc có thể đổi vai làm nhân viên, người bảo vệ có thể làm giám đốc với những luật chơi thật thú vị. Mục đích của trò chơi là giúp mỗi vị trí nhân sự trong công ty hiểu hơn về những khó khăn của đồng nghiệp ở các khâu công việc khác nhau, từ đó tạo ra sự đồng cảm hơn giữa mọi thành viên trong công ty.
Về với cộng đồng
Câu lạc bộ du lịch Trách Nhiệm (*) ở Hà Nội có thành viên là những công ty muốn mang đến cho du khách những sản phẩm du lịch gắn bó với cộng đồng. Công ty du lịch Indochina Travelland chuyên tổ chức các tour dành cho học sinh quốc tế đến VN, qua các chuyến đi học sinh sẽ rèn luyện những kỹ năng sống cơ bản và cần thiết nhất, chẳng hạn thay nhau làm trưởng đoàn để rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, phải biết chi tiêu sao cho hợp lý nhất với túi tiền của mình, tự kiếm tiền đi tour thay vì được cha mẹ chi trả, phải cam kết giúp đỡ nhau và không được bỏ cuộc suốt hành trình trekking vất vả, mệt mỏi.
Theo ông Vũ Ngọc Khiêm: “Indochina Travelland muốn đưa chương trình du lịch rèn luyện kỹ năng sống đến nhiều hơn với khách du lịch nội địa để khi đi du lịch, người ta không chỉ thưởng thức mà còn thật sự trải nghiệm và học hỏi thêm những điều mới mẻ, đồng thời khám phá bản thân”.
Trong khi đó Buffalo Tours nổi tiếng với những tour du lịch chữa bệnh mà du khách là những nhóm bác sĩ tình nguyện đến các bản làng xa xôi ở miền núi chữa bệnh cho người dân ở đó. Công ty Dấu Chân chọn bản Chiềng Yên (Hòa Bình) của người Mường để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.
Một số tổ chức quốc tế như Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI - Fauna and Flora International), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV)... cũng có những nỗ lực nhằm xây dựng những mô hình du lịch cộng đồng tại Pù Luông (Thanh Hóa), Tả Van (Lào Cai), Quản Bạ (Hà Giang)...
Với sự phát triển vượt bậc của Internet, các dịch vụ du lịch ngày càng dễ tìm. Du khách có thể tự đặt phòng khách sạn, tự mua vé máy bay không cần thông qua công ty du lịch. Đó cũng chính là lúc các công ty du lịch tại VN phải thể hiện vai trò chủ nhà của mình thông qua các sản phẩm độc đáo nhằm thu hút du khách phương xa, tuy nhiên đã đến lúc những sản phẩm du lịch chuyên biệt kể trên phải tìm cách tiếp cận cả với khách hàng du lịch nội địa.
Phải chăng đó cũng là một hướng đi còn bỏ ngỏ của ngành du lịch?