Tận dụng những lợi thế so sánh về tiềm năng, thế mạnh để xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo là hướng đi mới mà nhiều địa phương trong cả nước đang chú trọng để gia tăng tính cạnh tranh, thu hút du khách, hướng đến phát triển du lịch bền vững.
Tại tỉnh Tiền Giang, các sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, làng nghề làm bánh kẹo truyền thống, đi ghe trên sông được nhiều du khách lựa chọn.
Tour du lịch sinh thái miệt vườn gắn với cảnh quan sông nước, điểm dừng chân là cù lao Thới Sơn (Tiền Giang) - cồn Phụng (Bến Tre), với nhiều hoạt động: ngắm cảnh sông Tiền, tìm hiểu đời sống của người dân gắn bó với sông nước, tận hưởng không gian xanh mát, yên bình; tìm hiểu quy trình - thưởng thức kẹo dừa; chụp hình với trăn; đi xe ngựa; nghe đờn ca tài tử, thưởng thức trái cây bốn mùa, chèo xuồng ba lá… là một minh chứng.

Du khách thích thú trải nghiệm chèo xuồng ba lá khi về miền sông nước. Ảnh: Thủy Nguyên
Với du khách thường xuyên đi du lịch thì sản phẩm trên không có nhiều mới mẻ, thậm chí có phần na ná nhau ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, song khi có dịp trở lại miền sông nước thì họ vẫn chọn lại sản phẩm du lịch này (!)
Qua đây cho thấy, các đơn vị làm du lịch ở Tiền Giang đã tận dụng nguồn tài nguyên tự nhiên sẵn có, khai thác có hiệu quả thế mạnh sông nước, miệt vườn, văn hóa, ẩm thực Nam Bộ để phục vụ du khách. Đặc biệt đã xây dựng, khai thác tour chặt chẽ, có sự hợp tác sâu rộng, liên tục, liên tuyến giữa nhiều địa phương…, quan trọng là đã phát huy thế mạnh của hướng dẫn viên du lịch là người tại chỗ để "chinh phục" và xa hơn là "níu chân" du khách quay trở lại.
Tôi ấn tượng với nữ hướng dẫn viên tour một phần cùng là "người miền Tây", nhưng càng trân quý hơn bởi tình yêu của chị với vùng đất, con người quê mình, chỉ có vậy mới "hào phóng" giới thiệu đến du khách trong niềm hân hoan dẫu thời tiết Nam Bộ tháng Ba không hề "dễ thở".
Vừa hướng dẫn, chị vừa khéo léo đưa ra những câu đố vui gắn với địa danh, đời sống, sinh hoạt của người miền Tây, lạch và kênh khác nhau chỗ nào? Vì sao gọi là cồn? Đoàn còn được nữ hướng dẫn viên giới thiệu những sản phẩm nổi tiếng của vùng đất Tiền Giang và không quên nhờ tài công đưa đến vị trí "đắt" nhất để mọi người check-in cầu Rạch Miễu thấp thoáng nơi mũi thuyền. Chị nhiệt tình bấm giúp những tấm hình "độc" cho cả đoàn với hậu cảnh là cây cầu nối hai tỉnh Bến Tre - Tiền Giang.
Chị còn trả lời nhiều câu hỏi "hóc búa", "bông đùa" của du khách nhưng không hề bắt bí hay làm khó được. Cứ như vậy, du khách bị "hút" vào câu chuyện kể về địa điểm đoàn chuẩn bị đến, không ai còn cảm giác nôn nao "say tàu xe" như khi vừa đặt chân lên thuyền, và quên đi những mệt mỏi do phải di chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau như: đi thuyền, đi bộ trong vườn, ngồi xe ngựa, chèo xuồng ba lá…

Sau khi tham quan, trải nghiệm du khách sẽ được thưởng thức món bánh xèo miền Tây thơm ngon, giòn rụm.
Thêm một điểm cộng cho nữ hướng dẫn viên du lịch khi đoàn quay lại thuyền về bên kia sông Tiền kết thúc tour, mỗi du khách được "thưởng" một trái dừa tươi do chính chị chặt với kỹ thuật điêu luyện và không quên nhắc du khách: "Uống xong xin đừng vứt vỏ xuống sông mà hãy gom lại để người dân cồn Phụng sơ chế thành những vật dụng thân thiện với môi trường".
Có rất nhiều yếu tố để du khách quay trở lại một điểm, khu du lịch đã từng đến, trong đó những sản phẩm du lịch riêng biệt, mới mẻ, sự chuyên nghiệp, văn hóa ứng xử của những người tham gia vào hoạt động du lịch.
Không riêng gì ở Tiền Giang, ngay tại Đắk Lắk, một vài điểm, khu du lịch cũng đã "ghi điểm cộng" với du khách trong nước và quốc tế bởi còn giữ được nét đẹp hoang sơ, nguyên bản của nhiều giá trị truyền thống, trong đó có vai trò kết nối của hướng dẫn viên du lịch người tại chỗ thân thiện, cởi mở, am hiểu về vùng đất, con người, đặc biệt là văn hóa truyền thống với phong tục, tập quán, lễ hội độc đáo, đặc sắc và cuộc sống của người dân bản địa.
Thay vì giới thiệu học thuộc bài thì họ dựa vào vốn sống, kinh nghiệm, truyền đạt thông tin một cách dung dị, dễ hiểu nhất. Chính công việc và đời sống hằng ngày của họ là một bản thuyết minh có sức thuyết phục, lay động trái tim du khách. Tiêu biểu có thể kể đến chủ quán cà phê Arul (ở buôn du lịch cộng đồng Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) H'Len Niê hay như Y Xim Ndu, dân tộc M'nông ở buôn Yuk La 1 (xã Đắk Liêng, huyện Lắk)…
Miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên là hai vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp và luôn hứa hẹn những trải nghiệm du lịch thú vị. Đây là “vốn quý” để thúc đẩy phát triển du lịch, vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống vừa mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương, thu nhập ổn định cho chủ thể.
Song để giữ vững lợi thế, còn nhiều "khoảng trống" cần được lấp đầy, trong đó có việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực cho cộng đồng thông qua các khóa đào tạo về du lịch, quản lý dịch vụ, kỹ năng giao tiếp, phục vụ du khách, bảo vệ môi trường…
Việc người dân tham gia vào du lịch chủ động sẽ bảo vệ được các giá trị văn hóa, tránh sự mai một hoặc biến tướng trong định hướng phát triển du lịch bền vững.
Nguyên Hoa