Chuyển đến nội dung
Thứ 5, ngày 15/05/2025
|
English
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • /
  • Tin tức, sự kiện
  • /
  • Du lịch Quảng Bình – Quảng Trị: Chân trời mới cho một điểm đến đa sắc

Du lịch Quảng Bình – Quảng Trị: Chân trời mới cho một điểm đến đa sắc

Cập nhật: 15/05/2025

Khi hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sáp nhập, liệu một trung tâm du lịch mới, với bản sắc mạnh mẽ và sản phẩm đa dạng có thể hình thành và phát triển bền vững? Các chuyên gia cho rằng, nếu được hoạch định và triển khai bài bản, việc sáp nhập này sẽ tạo ra một không gian du lịch mới, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố: thiên nhiên kỳ vĩ, chiều sâu lịch sử, bản sắc văn hóa đặc sắc, hệ sinh thái đa dạng và tiềm năng kết nối quốc tế.

Năm 2024, du lịch Quảng Trị đón hơn 3 triệu lượt khách, tăng 48,4% so với năm 2023. Từ tiềm năng, lợi thế sẵn có, Quảng Trị đang tập trung vào ba hướng chủ lực: du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng miền núi và phát triển vùng biển đảo Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ thành điểm đến nghỉ dưỡng. Trong khi đó, Quảng Bình vẫn duy trì vị thế vững chắc với hơn 5,2 triệu lượt khách năm 2024, nổi bật với Sơn Đoòng, hệ thống hang động kỳ vĩ và du lịch biển.

Tại Quảng Bình, du khách từ lâu đã mê đắm những kỳ quan địa chất như Phong Nha - Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng, hay suối Nước Moọc xanh biếc… Quảng Trị lại là bảo tàng sống về chiến tranh cách mạng, với Thành cổ Quảng Trị, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tuyến lửa Khe Sanh, đường 9, đường Hồ Chí Minh lịch sử…

Phát triển sản phẩm du lịch từ các di tích lịch sử là thế mạnh của Quảng Trị. Ảnh: IPA Quảng Trị

Nếu trước đây, hai địa phương phát triển độc lập, thì khi nhập tỉnh, bản đồ du lịch sẽ được mở rộng theo hướng kết nối từ thiên nhiên sang lịch sử, từ biển đến rừng, từ nghỉ dưỡng đến khám phá tạo nên chuỗi sản phẩm đa dạng cho nhiều nhóm đối tượng du khách. Tiến sĩ Trần Tự Lực, Trưởng khoa Kinh tế - Du lịch, Trường đại học Quảng Bình khẳng định, du lịch Quảng Bình - Quảng Trị chính là mảnh ghép hoàn hảo của nhau. Sự khác biệt về địa hình, cảnh quan và lịch sử giữa hai địa phương không phải là rào cản, mà chính là tiềm năng để tạo nên chuỗi hành trình trải nghiệm không lặp lại.

Trong khi Quảng Bình phát triển du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên, du lịch Quảng Trị phát triển mạnh các sản phẩm du lịch lịch sử. Với hệ thống di tích cách mạng, địa đạo, nghĩa trang, địa danh lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị có lợi thế đặc biệt trong việc phát triển các tour du lịch tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng, kết nối thế hệ trẻ với lịch sử dân tộc.

Nếu du lịch Quảng Bình vẫn thiên về khám phá thiên nhiên, mang nặng tính mùa vụ thì khi sáp nhập, các sản phẩm du lịch Quảng Trị sẽ góp phần làm dày thêm chiều sâu văn hóa - lịch sử cho toàn vùng, đồng thời trở thành mảnh ghép để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch bốn mùa.

“Đây là điều Quảng Bình còn thiếu trong chuỗi sản phẩm du lịch. Sự bổ sung này không chỉ giúp du lịch toàn vùng tránh tình trạng “no theo mùa, đói theo vụ”, mà còn mở rộng biên độ tiếp cận khách du lịch quốc tế”, tiến sĩ Lực cho biết thêm.

Liên kết không gian, mở rộng trải nghiệm

Trên hành trình khám phá vùng đất di sản miền Trung, du khách hoàn toàn có thể bắt đầu hành trình tại Phong Nha - Kẻ Bàng, nghỉ đêm tại Đồng Hới, di chuyển đến Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, tiếp tục đi biển Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ hoặc khám phá du lịch cộng đồng tại Hướng Hóa, Đakrông. Những hành trình như vậy từng manh nha tồn tại nhưng khi nhập tỉnh, sự liền mạch về hạ tầng, truyền thông, tổ chức tour sẽ giúp tour tuyến liên tỉnh chuyển sang một quy mô hoàn chỉnh, bài bản hơn.

Sự kết nối này cũng sẽ tối ưu được quảng bá quốc tế, nhất là khi Quảng Bình đã có nền tảng tốt về truyền thông thương hiệu toàn cầu, trong khi Quảng Trị đang đẩy mạnh số hóa, fanpage, ứng dụng di động…

Quảng Bình tập trung phát triển các sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên.

Là một trong những doanh nghiệp đã khai thác sản phẩm tại cả hai địa phương, anh Lê Lưu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss (Quảng Bình) cho rằng, việc sáp nhập hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sẽ mở ra một bức tranh đa chiều với cả những cơ hội đầy hứa hẹn. Hiện Jungle Boss đang tổ chức tour mạo hiểm, cắm trại tại hồ Rào Quán, Tà Puồng (Quảng Trị), đồng thời vẫn duy trì các tour tại Quảng Bình. Với góc nhìn thực tế, anh nhấn mạnh, việc nhập tỉnh sẽ tạo ra điểm đến hấp dẫn hơn, có sức cạnh tranh cao hơn so với các địa phương khác nhờ kết hợp bề dày lịch sử của Quảng Trị với tài nguyên thiên nhiên đặc sắc của Quảng Bình.

Khi nhập tỉnh, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tối ưu hóa nguồn lực và cơ sở hạ tầng, mở rộng thị trường lao động và nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành Du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu các giá trị văn hóa bản địa như hò khoan Lệ Thủy, hát sắc bùa, các lễ hội truyền thống, ẩm thực vùng cao, sản vật địa phương… góp phần tăng thời gian lưu trú, chi tiêu trung bình và sự hài lòng của du khách.

Giàu văn hóa và bản sắc

Sau sáp nhập, không gian du lịch Quảng Bình - Quảng Trị được mở rộng về địa lý, đồng thời trở nên phong phú về văn hóa và bản sắc. Hai vùng đất với những sắc thái khác biệt, từ cảnh quan đến đời sống cộng đồng chính là chất liệu quý để hình thành nên một bản sắc du lịch riêng biệt - điều mà nhiều điểm đến hiện nay đang thiếu.

“Chúng ta dễ dàng có thể xây dựng những sản phẩm du lịch liên vùng độc đáo, kéo dài thời gian lưu trú và tạo thêm nhiều dịch vụ đi kèm để tăng nguồn doanh thu”, Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss nhận định.

Trên cùng một dải đất mới, du khách có thể cảm nhận rõ sự chuyển tiếp từ chất trầm mặc, linh thiêng của vùng đất Thành cổ, Hiền Lương - Bến Hải đến nét hoang sơ, kỳ vĩ của Phong Nha, Sơn Đoòng; từ âm hưởng hò khoan Lệ Thủy đậm chất dân gian đến lễ hội A Riêu Ping rực rỡ sắc màu Tây Trường Sơn. Nếu biết cách tổ chức và khai thác, sự đa dạng ấy sẽ không gây nhiễu loạn, mà trái lại, giúp hình thành các vùng du lịch chuyên biệt, mỗi vùng một sắc thái, cùng tạo nên một bản giao hưởng văn hóa - du lịch độc đáo.

Đặc biệt, tuyến Hồ Chí Minh nhánh Tây được xem là một trục kết nối mang tính biểu tượng, hội tụ cả thiên nhiên hùng vĩ và chiều sâu lịch sử. Trên cung đường xuyên suốt từ Bố Trạch, Lệ Thủy (Quảng Bình) đến Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị), du khách có thể khám phá vẻ đẹp nguyên sơ của rừng già, hang động, thác ghềnh, bản làng của đồng bào Vân Kiều, Khùa, Mày…, xen lẫn là các điểm đến mang dấu ấn hào hùng như hang Tám Cô, đường 20 Quyết Thắng, sân bay Tà Cơn, đường 9-Nam Lào. Các giá trị văn hóa của đồng bào Bru-Vân Kiều sống rải rác trên trục đường Hồ Chí Minh Tây hai tỉnh cũng chính là điểm nhấn ấn tượng khi xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên yếu tố văn hóa. Mỗi vùng đất là một sắc thái, một nhịp trống riêng trong bản giao hưởng văn hóa, du lịch của dải đất mới.

Nếu biết đầu tư hạ tầng, tổ chức tour tuyến bài bản và khai thác có chiều sâu, trục Hồ Chí Minh Tây hoàn toàn có thể trở thành “xương sống” của chuỗi sản phẩm du lịch liên tỉnh, giúp lan tỏa khách đến các vùng xa trung tâm, kéo dài thời gian lưu trú và tạo ra bản sắc riêng cho toàn bộ điểm đến sau sáp nhập.

Diệu Hương

Báo Quảng Bình – baoquangbinh.vn – Đăng 15/05/2025
Từ khóa: du lịch, Quảng Bình, Quảng Trị, sáp nhập, trung tâm du lịch

Tin liên quan

Cao Bằng: Bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển sinh kế bền vững

Với mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ người dân làng giấy bản Dìa Trên, xã Phúc

Cột cờ A Pa Chải – điểm nhấn du lịch ở Mường Nhé

Dịp kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/2025), tỉnh Điện Biên đã tổ chức trọng thể, nghiêm trang Lễ Thượng cờ và gắn biển công trình Cột cờ A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé). Công trình không chỉ mang ý nghĩa lịch sử sâu

Bàn giải pháp xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam

Du lịch bằng tàu hỏa: Trải nghiệm “chậm mà chất”

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025: Chung tay vì biển đảo quê hương

Xem tiếp

Tin nổi bật

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025: Chung tay vì biển đảo quê hương

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025: Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững

Ngày Đại dương Thế giới 2025: Việt Nam hành động vì biển xanh bền vững

Phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái ở Cà Mau

Thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường quốc gia

Xem nhiều nhất

Bình Định: Triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Enchanting journey to Binh Chau Beach
Kiên Giang: Bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia U Minh Thượng
Bình Định: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam
No posts found

Cơ quan chủ quản: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị thực hiện: TRUNG TÂM THÔNG TIN DU LỊCH

Địa chỉ: Số 33, ngõ 294/2 đường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin du lịch

Giấy phép số: 78/GP-TTĐT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2020

Lượt truy cập:

79036160

DANH MỤC CHÍNH

  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
nentangso
ic-dulichvn-org
ic-vietnam-travel
ic-moitruogndulich-vn
© TITC