Tây Ninh là tỉnh thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng hoàn thiện Bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh tỉnh Tây Ninh.
Mục tiêu đến năm 2025, Tây Ninh nỗ lực xây dựng núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan toả du lịch địa phương và khu vực Đông Nam Bộ. Đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP.
Tạo thương hiệu hình ảnh Tây Ninh
Để thực hiện việc chuẩn hóa hình ảnh nhận diện thương hiệu chung, tỉnh đã xây dựng hoàn thiện Bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh tỉnh Tây Ninh, là tỉnh thứ 3 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây được xem là một bước đột phá lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ quảng bá, thu hút phát triển du lịch bền vững nói riêng, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Bộ nhận diện được xây dựng theo hướng dễ nhận diện, dễ ghi nhớ, tạo thiện cảm, thể hiện được những nét nổi bật riêng của tỉnh; xây dựng, giữ gìn chất lượng sản phẩm, dịch vụ, uy tín gắn với quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Tây Ninh, nâng cao chất lượng để thu hút du khách với 26 chương trình du lịch mới liên kết các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Du khách trải nghiệm tại vườn dâu tằm Ba Phong (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu).
Tỉnh triển khai ứng dụng mã QR - phản hồi nhanh tại các điểm tham quan du lịch và di tích trên địa bàn tỉnh, xây dựng hệ thống Chatbox hỗ trợ thông tin du lịch, phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của khách du lịch thông qua mạng xã hội.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện có 17/37 di tích lịch sử văn hóa, điểm du lịch nổi bật của du lịch Tây Ninh đã có thông tin được tích hợp vào mã QR, tỉnh tập trung đẩy mạnh chất lượng phục vụ, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch ấn tượng để thu hút du khách, qua đó đã góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến với Tây Ninh.
Ngành đã xây dựng, giữ gìn chất lượng sản phẩm, dịch vụ, uy tín gắn với quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Tây Ninh. Cụ thể, xác định thêm 9 mô hình từ 3 nhóm sản phẩm dịch vụ phát triển, nâng cao chất lượng để thu hút du khách ngoài Khu du lịch núi Bà Đen; khai thác có hiệu quả 26 chương trình du lịch mới liên kết các sản phẩm, dịch vụ du lịch ngoài Khu du lịch núi Bà Đen, đạt được mục tiêu kéo dài hơn thời gian lưu trú tại tỉnh và tăng mức chi tiêu của khách du lịch khi đến Tây Ninh, nổi bật được lợi thế của các địa điểm du lịch liên kết các sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhờ vậy đã thu hút khoảng 5.273 khách.
Tây Ninh nỗ lực xây dựng núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia. (Ảnh: Huỳnh Hằng).
Ngoài ra, ngành còn tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch ngoài nước tại Vương quốc Campuchia, Hàn Quốc, Singapore. Triển khai ứng dụng mã QR - mã phản hồi nhanh tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh, kết quả đã thực hiện 37 di tích, riêng di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Thạnh được số hóa mô hình 3D tạo nên tour tham quan thực tế ảo.
Các khu di tích điểm tham quan và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân và khách du lịch.
Chủ động kết nối, lan toả
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025), trong đó, ngành du lịch là một trong những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những tháng đầu năm 2024, nhờ đầu tư và có chiến lược phù hợp, du lịch Tây Ninh đã phát triển khá ấn tượng.
Hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, khách tham quan các khu, điểm du lịch tăng 9,7%, tổng doanh thu du lịch tăng 24,4% so cùng kỳ. Các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đổi mới với nhiều phương thức, chủ động tham gia nhiều sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và ngoài nước, góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch.
Đặc biệt, quảng bá du lịch Tây Ninh trên Tạp chí Heritage và màn hình TVC trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, báo, đài và trên các nền tảng công nghệ số: Travel Blogger, Website, App, Fanpage, Zalo, YouTube...
Theo kế hoạch quảng bá xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Tây Ninh giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh xác định các điểm tham quan trọng điểm như: Khu di tích lịch sử và danh thắng núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài, hồ Dầu Tiếng, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát... với các điểm đến mang tính kết nối, lan toả khác, trở thành những điểm đến có sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc mang đậm nét đặc trưng văn hóa, lịch sử riêng có của tỉnh Tây Ninh.
Ngành du lịch Tây Ninh phấn đấu đạt 5,7 triệu lượt khách tham quan khu, điểm du lịch, doanh thu đạt 2.700 tỷ đồng năm 2025. (Ảnh: Đỗ Thành Nhân)
Cùng với việc hoàn thiện Bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh tỉnh Tây Ninh, ngành còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng về hình thức, hấp dẫn về nội dung phục vụ Nhân dân trong các dịp lễ, tết, các sự kiện của đất nước, của tỉnh; tập trung trùng tu, quy hoạch, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch du lịch.
Năm 2024, Di tích Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam được xếp hạng di tích cấp quốc gia và “Nghề làm nhang tỉnh Tây Ninh” được đưa vào danh mục phi vật thể quốc gia, nâng số tổng di tích toàn tỉnh lên 96 di tích và 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, bên cạnh triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương, năm 2025 là năm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Trong bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; tập trung năng động, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh 5 năm 2021 - 2025 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đó, phấn đấu đạt 5,7 triệu lượt khách tham quan khu, điểm du lịch, doanh thu đạt 2.700 tỷ đồng.
Tâm Giang