Chuyển đến nội dung
Thứ 5, ngày 15/05/2025
|
English
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • /
  • Vẻ đẹp Việt
  • /
  • Du thuyền trên lòng hồ thủy điện Sông Hinh – Phú Yên

Du thuyền trên lòng hồ thủy điện Sông Hinh – Phú Yên

Cập nhật: 13/07/2022

Không chỉ giữ vai trò sản xuất điện, điều tiết thủy văn, cân đối lưu vực, thủy điện Sông Hinh còn là một điểm du lịch đầy hấp dẫn của miền núi Phú Yên.

Không gian thơ mộng với một trang trại chăn nuôi gia súc ven hồ thủy điện Sông Hinh. Ảnh: Trần Đình Duy

Nguồn Sông Hinh từ đỉnh Chư Mu giáp ranh với huyện Ma Đrăk (Đắk Lắk) chảy về Sông Ba 85km. Thung lũng các xã Đức Bình Đông, Ea Trol và xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) được chọn xây dựng công trình thủy điện Sông Hinh. Đây là công trình thủy điện đầu tiên của tỉnh Phú Yên, có công suất 70MW, với 2 tổ máy. Hồ chứa nước thủy điện Sông Hinh có dung tích 337 triệu m3, lòng hồ rộng 41km2.

Du ngoạn trên lòng hồ

Mùa hè năm nay, chúng tôi được du ngoạn trên lòng hồ thủy điện Sông Hinh trong một dịp ý nghĩa, khi cùng các văn nghệ sĩ của tỉnh về đây dự trại sáng tác văn học nghệ thuật. Anh Y Muôn ở thôn Hà Roi (xã Sông Hinh) là “thủy thủ” chiếc thuyền chạy bằng máy D10. Xuất phát từ bến nước Hà Roi, chiếc thuyền nhỏ đưa chúng tôi du ngoạn một vòng trên lòng hồ.

Thuyền lướt nhẹ trên mặt nước trong xanh, chúng tôi phóng tầm mắt bao quát không gian rộng lớn của lòng hồ, cảm nhận âm thanh của nước, của gió và những âm thanh của núi rừng, non nước hữu tình, thiên nhiên hùng vĩ. Những cánh rừng soi bóng nước lung linh, dưới chân gộp Tà Khô là những rẫy sắn, bắp, mía xanh tươi mượt mà.

Hồ thủy điện Sông Hinh - một bức tranh thủy mặc vô cùng ấn tượng - là tấm gương khổng lồ in đậm bóng núi, mây trời. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng, không khí trong lành, không gian trầm lắng làm cho chúng tôi quên đi những cảnh phố thị đông người. Ngắm cảnh núi rừng, sông nước bao la, du khách có cảm giác hiền hòa, yên ả.

Thuyền chúng tôi cập vào một đảo nhỏ ước chừng 5.000m2, trên đó có vài lán trại của những người dân làm nghề đánh bắt cá trong lòng hồ thủy điện Sông Hinh. Những ngư dân này đến từ nhiều nơi trong tỉnh như huyện Phú Hòa, Tuy An và cũng có người quê ở Hoài Nhơn (Bình Định), họ lên đây mưu sinh nghề chài lưới. Chúng tôi mua vài ký cá thát lát, cá rô phi, cá trê, cá lăng rồi mượn vật dụng của dân chài ở đây nấu canh chua cá thát lát với lá giang, lá nho rừng. Cá trê, cá lăng nướng than củi mỡ tươm ra vàng ươm, thơm lựng ăn với rau rừng như đọt non chùm mòi, lành ngạnh, rau chua lẻ, lá vừng non… chấm với muối ớt xiêm, lá é trắng. Cá vừa đánh bắt tươi rói ai nấy cũng khen ngon ngọt tuyệt vời.

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ TP Tuy Hòa háo hức săn ảnh khi ngồi trên thuyền dạo quanh lòng hồ thủy điện Sông Hinh. Ảnh: Trần Lê Kha

Điểm du lịch mang sắc thái rất riêng

Trong chuyến trải nghiệm này, cùng đi với chúng tôi có ông Ka Sô Thơ, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, là người hướng dẫn. Ông Ka Sô Thơ khoát tay một vòng phía xa, diễn giải: Bên hữu ngạn lòng hồ thủy điện có gộp Tà Khô, là khu căn cứ cách mạng của huyện Miền Tây (Phú Yên) trong thời kháng chiến chống Mỹ, là hành lang chiến lược giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Năm 2016, địa điểm này được UBND tỉnh Phú Yên công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Quần thể khu căn cứ cách mạng ở gộp Tà Khô rộng trên 20ha, có nhiều hang đá như hang Hòm, hang Sim, hang Kà Dần… Địa hình này đã tạo thuận lợi cho việc trú ẩn của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trong những năm kháng chiến. Ở khu căn cứ địa này còn có nhiều nhánh suối như: Ea Ngao, Thạch Thảo, Thị Nghè…, nguồn nước mát lành gần như quanh năm, đảm bảo sinh hoạt và sản xuất”.

Lòng hồ thủy điện Sông Hinh có những cồn bãi là kho thực phẩm phong phú cho các loài chim, cò về trú ngụ, sinh sống; có những ngọn đồi rộng vài chục ngàn mét vuông, người dân xã Sông Hinh mở trang trại chăn nuôi bò, dê, lập vườn cây ăn trái. Mô hình sản xuất nông nghiệp này góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình ở một xã vùng núi, đồng thời góp thêm vào cảnh quan giữa thiên nhiên rừng núi hơi ấm của con người. Đoàn chúng tôi được ông bà Y Thuộc chiêu đãi một bữa tiệc đậm đà hương vị đồng quê gồm bắp nướng và sắn lùi ngay tại đây, món nào cũng tươi rói, ngon ngọt.

Nhà giáo, nghệ sĩ ngâm thơ Bích Trâm ở TP Tuy Hòa, cảm nhận: Thật ấn tượng với cảnh quan lòng hồ thủy điện Sông Hinh. Mặt nước êm đềm nằm giữa núi rừng, bên tả ngạn là thôn Hà Roi với những mái nhà sàn ẩn mình dưới vườn cây ăn trái, vườn tiêu. Hành trình khám phá trên lòng hồ thủy điện Sông Hinh giúp chúng ta thư giãn tâm hồn, xả bỏ những vướng bận, stress trong cuộc sống hiện đại nơi phố thị.

Anh Trần Văn Hồng, nghệ sĩ nhiếp ảnh thì liên tục lia, bấm máy trước không gian mênh mông, hùng vĩ. “Đi thuyền khám phá hồ thủy điện Sông Hinh là trải nghiệm thú vị, được hòa mình với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa núi rừng, và săn được nhiều ảnh đẹp. Mỗi cảnh sắc có đặc trưng riêng mà người chụp ảnh có thể khám phá”, anh Hồng nói.

Hồ thủy điện Sông Hinh là một điểm du lịch mang sắc thái rất riêng của Phú Yên. Đây là một địa điểm cho khách du lịch dã ngoại, với sông nước, núi rừng hiền hòa, một chốn yên an cho tâm hồn nghỉ ngơi, thư giãn. Bởi vậy, ai đã một lần du ngoạn trên lòng hồ thủy điện Sông Hinh sẽ khó lòng quên được.

Hồ thủy điện Sông Hinh một điểm du lịch mang sắc thái rất riêng của Phú Yên. Đây là một địa điểm cho khách du lịch dã ngoại, với sông nước, núi rừng hiền hòa, một chốn yên an cho tâm hồn nghỉ ngơi, thư giãn. Bởi vậy, ai đã một lần du ngoạn trên lòng hồ thủy điện Sông Hinh sẽ khó lòng quên được.

Trần Lê Kha

Báo Phú Yên – baophuyen.vn – Đăng ngày 10/07/2022
Từ khóa: du thuyền, hồ thủy điện Sông Hinh, Phú Yên, Sông Hinh

Tin liên quan

Cao Bằng: Bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển sinh kế bền vững

Với mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ người dân làng giấy bản Dìa Trên, xã Phúc

Du lịch Quảng Bình – Quảng Trị: Chân trời mới cho một điểm đến đa sắc

hi hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sáp nhập, liệu một trung tâm du lịch mới, với bản sắc mạnh mẽ và sản phẩm đa dạng có thể hình thành và phát triển bền vững? Các chuyên gia cho rằng, nếu được hoạch định và triển khai bài bản,

Cột cờ A Pa Chải – điểm nhấn du lịch ở Mường Nhé

Bàn giải pháp xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam

Du lịch bằng tàu hỏa: Trải nghiệm “chậm mà chất”

Xem tiếp

Tin nổi bật

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025: Chung tay vì biển đảo quê hương

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025: Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững

Ngày Đại dương Thế giới 2025: Việt Nam hành động vì biển xanh bền vững

Phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái ở Cà Mau

Thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường quốc gia

Xem nhiều nhất

Bình Định: Triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Enchanting journey to Binh Chau Beach
Kiên Giang: Bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia U Minh Thượng
Bình Định: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam
No posts found

Cơ quan chủ quản: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị thực hiện: TRUNG TÂM THÔNG TIN DU LỊCH

Địa chỉ: Số 33, ngõ 294/2 đường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin du lịch

Giấy phép số: 78/GP-TTĐT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2020

Lượt truy cập:

79036019

DANH MỤC CHÍNH

  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
nentangso
ic-dulichvn-org
ic-vietnam-travel
ic-moitruogndulich-vn
© TITC