Từ đầu năm 2025 đến nay, hàng loạt siêu du thuyền đã liên tục cập cảng Việt Nam, đưa hàng nghìn du khách quốc tế đến khám phá vẻ đẹp đất nước. Điều này khẳng định tiềm năng to lớn của du lịch tàu biển - một “mỏ vàng” đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, để biến loại hình này thành “con gà đẻ trứng vàng”, ngành du lịch vẫn cần tháo gỡ nhiều rào cản, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút và giữ chân du khách.

Khách du lịch tàu biển cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). (Ảnh Thu Hà)
Nhộn nhịp thị trường khách du lịch tàu biển
Với đường bờ biển dài 3.260 km, hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, cùng nhiều vịnh biển tuyệt đẹp và hệ thống cảng nước sâu thuận lợi cho tàu lớn neo đậu, Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển du lịch tàu biển. Nằm trên tuyến giao thương hàng hải sầm uất của khu vực, kết nối với nhiều thị trường du lịch tàu biển lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam đang có nhiều tín hiệu khởi sắc hứa hẹn sự bùng nổ của phân khúc du lịch cao cấp này.
Thị trường này được dự báo sẽ còn nhộn nhịp hơn nữa bởi khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 là mùa cao điểm của du lịch tàu biển. Không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch Việt Nam, việc các hãng tàu biển hàng đầu đưa dải đất hình chữ S vào lịch trình của họ còn mở ra cơ hội để nước ta thu hút phân khúc du khách cao cấp với mức chi tiêu lớn, đồng thời nâng tầm vị thế du lịch quốc gia trên bản đồ du lịch tàu biển quốc tế.
Gỡ “rào cản” để du lịch tàu biển bứt phá
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch tàu biển đến năm 2030 có xu hướng chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ tại khu vực châu Á. Đáng chú ý, loại hình du lịch này mang lại doanh thu cao hơn khoảng 40% so với du lịch bằng đường không hay đường bộ. Do đó, nếu khai thác đúng tiềm năng, du lịch tàu biển không chỉ trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của toàn ngành du lịch Việt Nam mà còn đóng góp đáng kể vào kinh tế đất nước. Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định du lịch biển, đảo là loại hình cần ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, để trở thành điểm đến lý tưởng của các siêu du thuyền quốc tế, Việt Nam vẫn cần khắc phục nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, dịch vụ và chính sách thu hút khách.
Tiến sĩ Phạm Hà, Tổng Giám đốc kiêm nhà sáng lập Lux Group cho biết: Việt Nam có tới gần 30 tỉnh, thành phố ven biển có tiềm năng đón khách du lịch tàu biển nhưng đến nay, mới chỉ có một số nơi bước đầu khai thác được thị trường này như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh… Trong khi một số nước trong khu vực như Singapore sở hữu những cầu cảng chuyên dụng có khả năng đón được nhiều tàu lớn cùng lúc và tàu có thể cập cảng ngay trong bến thì nước ta vẫn còn thiếu trầm trọng những cảng chuyên cho du lịch biển.
Ở một số nơi, khách phải đi bộ khá xa mới đến được khu vực có xe đón đi tham quan. Nhiều trường hợp tàu khách không cập được cảng vì phải nhường chỗ cho tàu chở hàng. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hút và trải nghiệm của du khách. Thêm nữa, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, du khách khi cập bến rất muốn được giải trí, mua sắm, tìm hiểu về văn hóa địa phương. Song hiện nay, Việt Nam vẫn thiếu những sản phẩm, dịch vụ trên bờ đi kèm, cho nên chưa thể giữ chân du khách ở lại lâu, chi tiêu nhiều. Phần lớn du khách mới chỉ tham gia những tour khám phá điểm đến trong ngày đơn giản rồi lại về tàu. Vì thế, Tiến sĩ Phạm Hà đề xuất, cần phải có một chiến lược tổng thể để thúc đẩy du lịch tàu biển Việt Nam bứt phá, trong đó tập trung đầu tư phát triển hệ thống cảng biển riêng để đón khách tàu biển, với hệ thống cơ sở hạ tầng, trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm hiện đại, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách.
Ưu điểm của du khách tàu biển là số lượng đông, có thời gian và có điều kiện kinh tế, cho nên cần nghiên cứu để phát triển những sản phẩm du lịch có điểm nhấn, có sự khác biệt về trải nghiệm văn hóa nhằm tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam so với các điểm đến khác của khu vực trong cùng hành trình. Trước thực trạng chính sách visa dành cho khách tàu biển chưa thật sự linh hoạt, các thủ tục hải quan còn gây mất khá nhiều thời gian, Tiến sĩ Phạm Hà cho rằng cần phải đơn giản, giảm các thủ tục xuất nhập cảnh, thay vì giải quyết cho từng người, có thể cấp visa tập thể cho cả tàu, thậm chí miễn visa như cách một số quốc gia đang làm để khuyến khích du khách kéo dài thời gian lưu trú trên bờ và tăng mức chi tiêu.
Trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, du lịch và dịch vụ biển đã được xác định là ngành cần ưu tiên hàng đầu để phát triển thành công, đột phá. Theo đó, bên cạnh chủ trương phải chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch biển, khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch biển… Chiến lược cũng nhấn mạnh nhiệm vụ phải xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới, nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ… Hy vọng, với những bước đi chiến lược, sự đổi mới toàn diện và đầu tư đồng bộ, du lịch tàu biển Việt Nam sẽ bứt phá mạnh mẽ, đưa nước ta trở thành điểm đến du lịch tàu biển ấn tượng của khu vực và thế giới.
Hồng Trang