Những năm qua, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát huy giá trị lễ hội...
Quảng Ninh là mảnh đất có truyền thống văn hóa đa dạng và phong phú. Nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc quê hương được hình thành từ xa xưa đến nay vẫn được duy trì, như: Lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn; lễ hội Di tích danh thắng núi Thần Đinh ở xã Trường Xuân; hội rằm tháng Giêng ở xã Vĩnh Ninh, Võ Ninh, thị trấn Quán Hàu; cầu ngư rằm tháng 6 ở xã Hải Ninh; đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ; bài chòi xã Võ Ninh, Tân Ninh, Vĩnh Ninh và thị trấn Quán Hàu...
Hàng năm, vào dịp tháng giêng âm lịch, nhiều làng quê trên địa bàn huyện Quảng Ninh lại nô nức chuẩn bị cho lễ hội rằm tháng giêng, hay còn gọi là lễ kỳ phúc, kỳ yên. Lễ hội được tổ chức tại đình làng, nơi thờ những vị thần linh, thành hoàng làng, những bậc tiền nhân có công khai khẩn lập làng, giáo dục con cháu luôn hướng về cội nguồn, ghi nhớ công ơn tổ tiên, ông bà để nỗ lực, phấn đấu góp công, góp sức xây dựng quê hương, đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ.
Ông Lê Văn Cần, người nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương làng Văn La, thị trấn Quán Hàu cho biết, lễ hội rằm tháng giêng ở Văn La diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 âm lịch. Phần lễ gồm: Lễ rước thần linh, đọc khánh chúc và lễ dâng hương. Phần hội là các hoạt động thể dục thể thao, trò chơi dân gian, hội diễn văn nghệ. Lễ hội rằm tháng giêng là nét đẹp truyền thông nhằm nhắc nhở con cháu hướng về nguồn cội, nơi chôn nhau cắt rốn, để trách nhiệm với cuộc sống và hiểu thêm về đạo lý của con người Việt Nam. Lễ hội cũng là dịp để động viên sức mạnh của tất cả cộng đồng làng xóm cho việc xây dựng và phát triển quê hương bền vững.
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, du khách trong và ngoài tỉnh lại đến núi Thần Đinh để dâng hương, cầu an, vãn cảnh. Lễ hội di tích danh thắng núi Thần Đinh được huyện Quảng Ninh tổ chức hàng năm với các hoạt động chính, gồm: Tổ chức các gian hàng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm có giá trị đặc trưng của huyện với du khách thập phương; lễ rước nước thiêng giếng Tiên; liên hoan văn nghệ và trao tặng quà cho người có công, gia đình chính sách trên địa bàn xã Trường Xuân; lễ dâng hương tại di tích danh thắng Thần Đinh, cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc; tổ chức giải “Leo núi Thần Đinh”.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quảng Ninh Đỗ Ngọc Sơn cho biết, lễ hội di tích danh thắng núi Thần Đinh được tổ chức hàng năm đã góp phần bảo tồn, phục dựng và phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, tâm linh và điểm du lịch đến với người dân và khách thập phương vào dịp đầu xuân năm mới. Từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đầu năm đến nay, đã có trên 45 nghìn lượt khách đến tham quan, vãn cảnh di tích danh thắng Thần Đinh.
...Để phát triển du lịch
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân, để công tác quản lý hoạt động lễ hội đạt hiệu quả và nhận được sự đồng thuận cao của người dân, huyện thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội lồng ghép vào các ngày lễ, Tết. Các lễ hội được tổ chức chặt chẽ, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm đúng nghi thức, nghi lễ, phong tục truyền thống.
Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian để các lễ hội diễn ra sôi nổi, ý nghĩa hơn; gắn việc tổ chức tốt các lễ hội với phát triển du lịch, thu hút du khách tham quan, quảng bá văn hóa truyền thống của địa phương; xây dựng và phát triển các tuyến du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử với trọng tâm là khu du lịch di tích danh thắng Thần Đinh, các điểm du lịch trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại..., các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử Lũy Đầu Mâu Võ Thắng Quan, Lũy Trường Dục..; tuyến du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian, các lễ hội truyền thống văn hóa mang tính định kỳ.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá bằng nhiều hình thức thích hợp, nâng cao hình ảnh du lịch huyện Quảng Ninh đến thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng về vai trò, vị trí của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội; góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích danh thắng trên địa bàn; tổ chức tốt các sự kiện, lễ hội mang tính định kỳ hoặc thường niên gắn với quảng bá du lịch.
Lan Chi