(TITC) - Sáng ngày 21/01, tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy dự Hội nghị kết thúc Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức.
Dự án “Giảm thiếu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch” đã được Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP/GEF-SGP) phê duyệt thực hiện trong hai năm 2023-2024.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy dự và phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TITC)
Trong khuôn khổ triển khai Dự án, Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch được Hiệp hội Du lịch Việt Nam xây dựng và ban hành làm cơ sở để các thành viên của Hiệp hội thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu đặt ra trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch có 6 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa; (2) Tham gia xây dựng, phổ biến, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch; (3) Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch xanh, không rác thải nhựa; (4) Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch gắn với giảm thiểu rác thải nhựa; (5) Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giảm thiểu rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ của các đơn vị thành viên Hiệp hội; (6) Huy động nguồn lực quốc tế để thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TITC)
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, nhận thức được yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững, Hiệp hội Du lịch Việt Nam với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của ngành Du lịch đã tích cực hưởng ứng mọi chủ trương, chính sách của nhà nước, hành động mạnh mẽ thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.
Từ năm 2018, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động phong trào “Du lịch Việt Nam - Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa” và được các doanh nghiệp du lịch cả nước hưởng ứng. Nhiều doanh nghiệp, địa phương đã đạt được thành tích cao trong giảm thiểu rác thải nhựa.
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy, thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian qua, ngành Du lịch đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, từng bước phục hồi ngành du lịch sau các tác động của đại dịch Covid-19; đẩy nhanh quá trình tăng trưởng trở lại của Du lịch Việt Nam trong điều kiện, tình hình mới để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững.
Để đạt được mục tiêu đó, song song với quá trình thúc đẩy phát triển sản phẩm, hoàn thiện dịch vụ trong nước, việc hội nhập với quốc tế về các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là phát triển du lịch xanh, giảm thiểu phát thải để đóng góp tích cực đối với việc bảo vệ hành tinh, bảo đảm chất lượng môi trường sống của nhân loại rất được quan tâm.
Du lịch được xem là lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm rác thải nhựa, nhưng đồng thời cũng là nguồn phát sinh đáng kể rác thải nhựa. Sự tham gia tích cực của ngành Du lịch vào mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa được kỳ vọng là một trong những giải pháp quan trọng mang lại kết quả có ý nghĩa nhiều mặt đối với mục tiêu phát triển bền vững.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: TITC)
Thông qua các hoạt động của Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch” sẽ truyền đi thông điệp mạnh mẽ, kêu gọi sự nỗ lực, chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và du khách vì mục tiêu: Du lịch không rác thải nhựa ở Việt Nam.
“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cam kết luôn đồng hành cùng cùng Hiệp hội và các doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới để tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các kết quả đã đạt được bước đầu của Dự án. Cùng đó, tôi cũng mong muốn Hiệp hội Du lịch tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý du lịch trong việc triển khai những kết quả này để thực hiện thắng lợi ở mức độ lan tỏa cao hơn mục tiêu đã đề ra”, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.
Trong hai năm thực hiện Dự án, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng bộ tài liệu truyền thông về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; tổ chức các hoạt động truyền thông về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; ban hành Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa; xây dựng và vận hành ứng dụng giảm rác thải nhựa trong ngành du lịch; hỗ trợ một số sản phẩm thay thế đồ nhựa sử dụng một lần; ban hành Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch.
Qua khảo sát, đo lường kết quả giảm thiểu rác thải nhựa của các doanh nghiệp du lịch tại 02 địa phuơng (28 doanh nghiệp ở Ninh Bình và 19 doanh nghiệp ở Hội An) cho thấy, đồng thời với việc đuợc nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi truờng, giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch thông qua các hội thảo/chương trình tập huấn, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam đã có sự thay đổi về hành vi giảm thiểu rác thải nhựa thông qua việc thay thế đồ nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần, sản phẩm thân thiện môi trường với sự hỗ trợ của Dự án.
Trung tâm Thông tin du lịch