Là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên phong phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Đây cũng là giải pháp mà địa phương hướng đến nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Du lịch chưa điển hình
Theo đánh giá của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn, du lịch đã và đang dần trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện, đóng góp tích cực vào các mục tiêu bền vững, phát triển cộng đồng, gia tăng thu nhập việc làm, đẩy mạnh công tác gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Điều này thể hiện qua số lượng du khách đến với huyện Sóc Sơn ngày một tăng.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc là điểm đến văn hóa tâm linh thu hút du khách thập phương. Ảnh: Lâm Nguyễn
Mặc dù vậy, việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn đối diện với nhiều thách thức. Tính chất du lịch cũng chưa điển hình, chủ yếu là tham quan, hành hương tín ngưỡng. Điều này dẫn tới số lượng du khách đến với huyện tập trung chủ yếu vào các tháng đầu năm và dịp lễ hội Gióng tại đền Sóc. Khu vực rừng phòng hộ, vùng lòng hồ… có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch hấp dẫn nhưng vẫn chưa định hình; còn thiếu đi các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với các tiềm năng về tài nguyên du lịch để giữ chân du khách.
Các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Sóc Sơn chủ yếu vẫn là tham quan du lịch văn hóa lịch sử ở các khu di tích, lịch sử, đền chùa… Khách đến vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và trải nghiệm còn ít do các loại hình và sản phẩm du lịch chưa đa dạng và hấp dẫn du khách.
Bên cạnh đó, các tuyến du lịch của huyện Sóc Sơn chủ yếu là tham quan các di tích văn hóa, lịch sử kết nối với các điểm du lịch vùng lòng hồ và một số điểm vui chơi ngoài trời. Các tuyến du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện chưa định hình rõ nét và chưa liên kết với nhau để tạo ra các tuyến du lịch hấp dẫn giữ chân du khách lâu hơn khi đến tham quan, trải nghiệm…
"Điểm đến" nhiều trải nghiệm
Từ lâu, Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc đã trở thành "điểm đến" tâm linh của hàng vạn du khách mỗi dịp Xuân về. Nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng được tổ chức dịp lễ hội Gióng đền Sóc hàng năm, thu hút đông đảo khách thập phương ghé thăm, trải nghiệm.
Bên cạnh Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc, huyện Sóc Sơn còn có hệ thống 486 di tích lịch sử văn hóa và nơi thờ tự. Trong đó có 16 di tích xếp hạng Quốc gia, 54 di tích được xếp hạng cấp TP và đặc biệt có hai Di sản văn hóa phi vật thể thế giới (lễ hội Gióng đền Sóc và lễ hội kéo mỏ xã Xuân Thu).
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc, cùng với những điểm đến văn hóa tâm linh, sản phẩm du lịch của huyện hiện nay ngày một phong phú về số lượng và loại hình. Du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đã và đang nở rộ tại huyện Sóc Sơn. Một số tour du lịch đang dần hình thành trên địa bàn huyện Sóc Sơn như: cụm di tích đền Sóc - chùa Non - tượng đài Thánh Gióng - Việt Phủ Thành Chương; cụm di tích đền Sóc - sân gofl Minh Trí; cụm di tích đền Sóc - sân golf Legand Hill; hồ Đồng Quan (xã Quang Tiến) - hồ Hàm Lợn (xã Nam Sơn) - hồ Đồng Đò (xã Minh Trí); các khu sinh thái Bản Rõm, Thiên Phú Lâm…
Thống kê trong ba năm gần nhất cho thấy, số lượng du khách đến với huyện Sóc Sơn ngày một tăng. Nếu như năm 2021 chỉ đạt 15.000 lượt khách (một phần nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19), thì đến năm 2022, con số này ước đạt 950.000 - 1.000.000 lượt khách; và trong năm 2023 đã đạt 1.000.000 - 1.200.000 lượt khách.
Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1081/QĐ-TTg, huyện Sóc Sơn là một trong những không gian du lịch được quan tâm đầu tư, phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện Sóc Sơn cụ thể hóa định hướng mục tiêu phát triển lĩnh vực du lịch.
Lễ hội Gióng đền Sóc hàng năm thu hút hàng chục vạn du khách ghé thăm, trải nghiệm. Ảnh: Trọng Tùng
Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, mục tiêu huyện hướng đến là phát triển địa phương trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đặc sắc với các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái nông nghiệp; du lịch mua sắm, giải trí của TP Hà Nội. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo hướng tăng trưởng xanh góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng bền vững.
Cụ thể hóa mục tiêu trên, huyện Sóc Sơn đã xây dựng và ban hành Đề án “Phát triển du lịch bền vững gắn với phát triển kinh tế, xã hội huyện Sóc Sơn giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đề án nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo hướng bền vững, nâng cao sinh kế, tạo việc làm và cải thiện mức sống của người dân địa phương, đồng thời khẳng định vai trò động lực đối với việc phát triển du lịch chung của TP Hà Nội.
“Việc ban hành Đề án là cơ sở cho việc quản lý, khai thác hiệu quả và bền vững các tiềm năng du lịch của huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ và du lịch, đồng thời thu hút đầu tư phát triển du lịch cho huyện Sóc Sơn nói riêng và TP Hà Nội nói chung” - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu phát triển du lịch trong giai đoạn tới, việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch là một trong những giải pháp quan trọng được huyện Sóc Sơn xác định nhằm hấp dẫn du khách, mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Theo đó, thời gian tới, huyện sẽ tập trung xây dựng các chương trình và điểm du lịch hấp dẫn về văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, khu sinh thái…
Bên cạnh đó, huyện sẽ chỉ đạo xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch - dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình và các hoạt động du lịch. Trong đó, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các loại hình du lịch văn hóa - tín ngưỡng, du lịch sinh thái - nghỉ ngơi cuối tuần, du lịch vui chơi giải trí…
Huyện Sóc Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025, lượt khách đến Sóc Sơn đạt trên 1.800.000 lượt khách/năm; doanh thu ước đạt khoảng 250 tỷ đồng. Phát triển 250 cơ sở lưu trú có chất lượng, trong đó có 1 cơ sở lưu trú đạt từ 4 sao.Phát triển và khai thác hiệu quả 5 sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: hành trình dấu chân ngựa Gióng; làng du lịch sinh thái Tre Ngà; trải nghiệm du lịch đêm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc; tuần văn hóa thể thao và du lịch huyện Sóc Sơn; chinh phục nóc nhà phía Bắc Thủ đô.Theo Đề án “Phát triển du lịch bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội huyện Sóc Sơn giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, 4 không gian phát triển du lịch được huyện Sóc Sơn định hướng phát triển gồm: vùng trung tâm - văn hóa tâm linh; vùng phía Bắc - sinh thái nghỉ dưỡng; vùng phía Đông - sinh thái nông nghiệp; vùng phía Nam - dịch vụ tổng hợp. |